Cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

09/12/2010

1. Thực trạng nhu cầu về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, để tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, trong thời gian qua Nhà nước đã ban hành mới nhiều đạo luật quan trọng: Bộ luật Dân sự 2005, Luật Doanh nghiệp 2005; Luật Doanh nghiệp Nhà nước 1995 và 2003; Luật Đầu tư 2005, Luật Hợp tác xã 2003, Luật Thương mại 2005, Luật Cạnh tranh 2004, Luật Phá sản 2004 và nhiều văn bản pháp luật khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các văn bản pháp luật này đã tạo nên một khung pháp lý tương đối đầy đủ cho các doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, trong hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều mặt yếu kém, trong đó có việc thực hiện pháp luật. Sự yếu kém trong việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp là do những nguyên nhân từ hai phía gây ra: phía doanh nghiệp và phía Nhà nước.

Về phía doanh nghiệp, có những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, nhận thức về vai trò, ý nghĩa pháp luật của nhiều chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Tình trạng doanh nghiệp không chú ý tới việc tìm hiểu và thực hiện pháp luật là phổ biến. Nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật để áp dụng, thi hành và phòng, chống rủi ro trong kinh doanh.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc sử dụng tư vấn pháp luật; hoạt động hỗ trợ của các hiệp hội doanh nghiệp về vấn đề này cũng còn nhiều bất cập. Thực tế này khó giải quyết vì tuyệt đại đa số các doanh nghiệp hiện nay là nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính eo hẹp.

Thứ ba, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật. Điều này đã ảnh hưởng đến sự hiểu biết của người quản lý doanh nghiệp về hệ thống pháp luật kinh doanh của nhà nước ta và do đó cũng gây khó khăn cho họ trong việc thực thi pháp luật.

Về phía Nhà nước, có những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

            Việc thực thi pháp luật của các doanh nghiệp khó một phần cũng do một số nguyên nhân từ phía Nhà nước, trong đó có hai nguyên nhân chủ yếu là:

            Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm đến việc phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật cho doanh nghiệp. Hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước trong lĩnh vực này được đánh giá là còn nhiều bất cập. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều gặp khó khăn trong tiếp cận với pháp luật.

            Thứ hai, nhiều thắc mắc của doanh nghiệp về nội dung các quy định pháp luật và và việc áp dụng pháp luật chưa được các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải đáp kịp thời, do đó cũng làm cho việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Những nguyên nhân từ hai phía trên đây đã làm cho công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp còn kém hiệu quả. Pháp luật được ban hành nhưng chưa được tổ chức thi hành tốt đã ảnh hưởng tới việc xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đối với doanh nghiệp, cùng với những hạn chế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, thị trường..., việc hiểu biết pháp luật hạn chế đã làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã thấp lại càng thấp hơn gây bất lợi cho doanh nghiệp nước ta trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Để khắc phục những bất cấp trên, Bộ Tư pháp đã xây dựng đề án thiết lập cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, ngày 28/5/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

2. Cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Nghị định quy định hai phương thức hỗ trợ pháp lý của nhà nước đối với doanh nghiệp, đó là:

Phương thức thứ nhất, hỗ trợ thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ  của các cơ quan Nhà nước. Đây là phương thức hỗ trợ thường xuyên được thực hiện thông qua 5 hình thức như: xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật.

Phương thức thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bao gồm Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành và chương trình hỗ trợ pháp lý của Bộ, ngành và các địa phương. Đây là phương thức hỗ trợ được xác lập căn cứ vào thực trạng và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, ở từng địa phương, được áp dụng ưu tiên cho các đối tượng khác nhau. Phương thức này giúp khai thác được các nguồn lực và sự tham gia của các chủ thể khác ngoài cơ quan nhà nước trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính được ban hành đã thiết lập được cơ chế thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để hướng dẫn các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác tổ chức thi hành pháp luật đối với doanh nghiệp. Các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh hàng năm đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã biết đến và sử dụng cơ chế này thông qua việc đề nghị các cơ quan Nhà nước giải đáp các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tổng hợp báo cáo của các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp cho thấy, trong thời gian qua, về phía doanh nghiệp, trình độ hiểu biết luật pháp và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ sở hữu và người quản lý chưa cao; nhiều doanh nghiệp còn làm ăn không trung thực, cố tình vi phạm quy định pháp luật. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo phương thức thứ nhất chưa tạo được bước đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về hỗ trợ pháp lý trong giai đoạn hiện nay vì những lý do chủ yếu như sau:

Thứ nhất, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách đồng bộ và có hệ thống. Một bộ phận cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đa số cán bộ làm việc kiêm nhiệm, do đó, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay chưa cao;

Thứ ba, kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu tập trung, chưa được thực hiện một cách đồng bộ trên cả nước, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này;

Thứ tư, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ pháp lý chưa được đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả, dẫn đến tình trạng bỏ trống nhiều địa bàn hoặc không đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp ở các địa bàn kinh tế,  xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn khó tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp luật.

Đối với phương thức thứ hai, việc hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ pháp lý cũng chưa được các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm, đầu tư đúng mức. Trên thực tế, các Chương trình, Đề án đã được ban hành từ trước đến nay chủ yếu chỉ tập trung vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung hoặc một số lĩnh vực pháp luật cụ thể như pháp luật về lao động, sở hữu trí tuệ... mà chưa có một Đề án, Chương trình toàn diện về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ tư pháp đã xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, ngày 05/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg  phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014.

Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được ban hành sẽ triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

 3. Nội dung Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014

 Chương trình được triển khai trên phạm vi toàn quốc, trong đó  tập trung triển khai điểm tại 07 địa phương được lựa chọn là: Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Quảng Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Nội (2010 - 2011). Trên cơ sở đánh giá tổng kết hiệu quả hoạt động của Chương trình tại các địa phương nêu trên, Chương trình sẽ được tổ chức triển khai nhân rộng hoạt động tại các địa phương khác (2012 - 2014) và có định hướng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến năm 2020 để bảo đảm kết quả của Chương trình có tác động lâu dài. Chương trình được thực hiện thông quan 03 dự án cụ thể sau:

Dự án 1: Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp

Dự án này bao gồm các hoạt động: điều tra, khảo sát, đánh giá hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của một số Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong đó có việc xây dựng trang thông tin hỗ trợ pháp lý chính cho doanh nghiệp  để cung cấp đầy đủ, kịp thời, toàn diện thông tin pháp lý có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ các Chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên một số phương tiện phát thanh, truyền hình; tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật.

Dự án triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các thông tin pháp lý một cách kịp thời, nhanh chóng từ nhiều nguồn khác nhau; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật và thói sử dụng tư vấn pháp luật của người quản lý doanh nghiệp.

Dự án 2: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể

Dự án bao gồm các hoạt động: điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động; bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Dự án triển khai có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức về pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; bảo đảm khoảng 65.000 doanh nghiệp được bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh; nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác pháp chế doanh nghiệp, bảo đảm khoảng 9.700 cán bộ pháp chế doanh nghiệp được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp, qua đó, cán bộ pháp chế, người tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp có đủ năng lực tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp về các vấn đề có liên quan đến việc thực thi pháp luật trong doanh nghiệp; việc hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương này được hỗ trợ tư vấn về các vấn đề cơ bản của pháp luật kinh doanh.

Dự án 3: Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Dự án này bao gồm các hoạt động: điều tra, khảo sát thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng tiêu chí, yêu cầu đối với cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng quy trình chuẩn của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Dự án triển khai sẽ tăng cường năng lực cho tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và pháp chế các Sở, ban, ngành thuộc UBND cấp tỉnh để đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường năng lực cho các đơn vị thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 66/2008/NĐ-CP.

4) Tổ chức triển khai Chương trình.

Để triển khai các hoạt động của Chương trình, Bộ Tư pháp đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình (thành viên Ban chỉ đạo là Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp), Ban chỉ đạo có nhiệm vụ lập kế hoạch thực hiện các hoạt động của Chương trình và phân công các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động của Chương trình.

Bộ Tư pháp cũng đã thành lập Ban quản lý Chương trình; ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Thông tư này hướng dẫn nội dung chi, mức chi hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và nội dung chi, mức chi thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp theo Quyết định số 585/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Để Chương trình được triển khai đúng tiến độ, Ban chỉ đạo Chương trình đã lập kế hoạch thực hiện các hoạt động của Chương trình (kế hoạch quý IV/2010, kế hoạch 2010 - 2011, kế hoạch 2010 - 2014 và kế hoạch khảo sát). Theo kế hoạch, giai đoạn 2010 - 2011 sẽ tổ khảo sát tại các địa phương làm điểm để đánh giá nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; triển khai các hoạt động của dự án 1 và triển khai điểm các hoạt động của 03 dự án 07 địa phương đã được lựa chọn . Giai đoạn đoạn 2 (2012 - 2014) sẽ triển khai các hoạt động còn lại của Chương trình và tổ chức nhân rộng kết quả đối với các địa phương khác.

5) Đánh giá chung

Như vậy, với ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp theo Quyết định 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã được đánh giá là hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo bước đột phá trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; khắc phục cơ bản tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật; đáp ứng cơ bản yêu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức thực hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng mô hình hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Để thực hiện có hiệu quả và phát huy mọi nguồn lực của Chương trình thì cần phải chủ động phối hợp của các cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện của doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động cụ thể của Chương trình. Qua đó, sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.

Lê Văn Nhật