Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) về cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và công chức làm công tác THADS. Điểm nổi bật trong Nghị định này là quy định hệ thống cơ quan THADS trực thuộc theo ngành dọc: Chi cục THADS huyện trực thuộc tỉnh, Cục THADS thuộc Tổng cục THADS
Thành lập các Vụ chuyên môn ở Tổng cục Thi hành án dân sự
Trừ hệ thống tổ chức THA trong quân đội được quy định bởi những điều luật riêng, hệ thống tổ chức THADS được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất, gồm có: Ở Trung ương Tổng cục THADS là cơ quan quản lý THADS trực thuộc Bộ Tư pháp. Cấp tỉnh Cục THADS tỉnh, TP trực thuộc TW là cơ quan thuộc Tổng cục THA. Cấp huyện, Chi cục THADS trực thuộc Cục THADS tỉnh.
Về cơ cấu tổ chức, cán bộ của Tổng cục THADS, một điểm mới là thay vì tổ chức thành các Phòng chuyên môn như hiện nay, Nghị định quy định Tổng cục có các Vụ chuyên môn. Cụ thể, bao gồm: Văn phòng; Vụ quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành bản án, quyết định dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình, phá sản, trọng tài thương mại (gọi là Vụ nghiệp vụ I); Vụ quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành phần dân sự, tiền, tài sản, vật chứng trong bản án, quyết định hình sự, hành chính và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến tài sản (Vụ nghiệp vụ II); Vụ giải quyết khiếu nại tố cáo; Vụ tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch tài chính; Trung tâm dữ liệu, thông tin và thống kê THADS.
Nghị định cũng quy định cơ cấu cán bộ của Tổng cục gồm Tổng cục trưởng, không quá 3 Phó Tổng cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương, Phó vụ trưởng và tương đương; các thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp và công chức khác.
Chi cục: chủ yếu có các chấp hành viên sơ cấp
Với tên gọi mới Nghị định cũng quy định rõ vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức, cán bộ của Cục, Chi cục THADS. Theo đó, Cục THADS tỉnh có Cục trưởng đồng thời là Thủ trưởng cơ quan THADS; Phó Cục trưởng đồng thời là Phó Thủ trưởng cơ quan THADS; Chấp hành viên sơ cấp; Chấp hành viên trung cấp; Chấp hành viên cao cấp; Thẩm tra viên THA; Thẩm tra viên chính THA; có thể có Thẩm tra viên cao cấp THA; Thư ký THA và công chức khác.
Tương tự, Chi cục THA có Chi cục trưởng đồng thời là thủ trưởng cơ quan THADS, Phó Chi Cục trưởng là Phó trưởng THA. Chi cục có Chấp hành viên sơ cấp; Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên THA, Thư ký THA và công chức khác. Đặc biệt, Chi cục THA huyện sẽ chịu sự chỉ đạo của UBND cấp huyện, có trách nhiệm báo cáo UB cùng cấp về chủ trương, biện pháp tăng cường công tác THADS trên địa bàn và thực hiện báo cáo công tác THADS trước Hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật.
Riêng đối với hệ thống tổ chức THA trong quân đội, Nghị định quy định ở Bộ Quốc phòng là Cục THA trực thuộc Bộ Quốc phòng, với cơ cấu gồm có 7 phòng ban (Phòng kế hoạch tổng hợp, Phòng quản lý chỉ đạo nghiệp vụ, Phòng kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, Phòng tổ chức cán bộ ngành, Phòng hành chính vật tư, Ban khoa học công nghệ và thông tin, Ban tài chính)
UBND các cấp: có trách nhiệm thành lập Ban chỉ đạo THA
Lần đầu tiên, quy định về Ban chỉ đạo THADS được quy định cụ thể ở một Nghị định của Chính phủ. Trên thực tế, Ban chỉ đạo THADS đã được thành lập và tồn tại ở hầu hết các địa phương (cả cấp tỉnh, huyện, thậm chí đến xã). Tuy nhiên do chưa có một văn bản có hiệu lực cao điều chỉnh nên hiệu quả từ mô hình này là không đồng đều giữa các địa phương.
Nghị định số 74/2009/NĐ-CP mới ban hành nói trên ngoài quy định về trách nhiệm phối hợp chỉ đạo, tạo điều kiện cho cơ quan THADS thi hành nhiệm vụ còn quy định: UBND cấp tỉnh, TP, UBND cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo THADS để tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan THADS cùng cấp.
Thành phần Ban chỉ đạo gồm có: Trưởng Ban chỉ đạo là Chủ tịch hoặc 1 Phó chủ tịch UBND; Phó trưởng Ban chỉ đạo là Thủ trưởng cơ quan THADS cùng cấp; Các ủy viên gồm: đại diện lãnh đạo cơ quan Tư pháp, Công an, Tài chính, tài nguyên môi trường; đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân và Mặt trận tổ quốc.
Bình An
Ông Nguyễn Văn Luyện – Cục trưởng Cục THADS, Bộ Tư pháp Việc cần làm ngay khi Nghị định có hiệu lực (01/11/2009) là tổ chức lễ ra mắt cho tất cả các cơ quan THADS trên cả nước. Từ nay trở đi, việc bổ nhiệm lại Trưởng THADS tỉnh, huyện cũng sẽ khẩn trương được tiến hành. Theo chủ trương mới cấp tỉnh có thể có Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên sơ cấp. Tuy nhiên, với Chấp hành viên cao cấp sẽ hạn chế tối đa có ở cấp tỉnh (mà chỉ có thể có ở một vài địa phương đặc thù). Cấp tỉnh chủ yếu có Chấp hành viên trung cấp. Còn cấp huyện chủ yếu là Chấp hành viên sơ cấp. Mặc dù chia ngạch Chấp hành viên (sơ cấp, trung cấp, cao cấp) tuy nhiên đội ngũ Chấp hành viên hiện có sẽ không phải thi mà chỉ rà soát để chuyển ngang. |
Hệ thống tổ chức THADS : - Ở Trung ương là Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp - Cấp tỉnh là Cục THADS tỉnh, TP trực thuộc TW - Cấp huyện là Chi cục THADS trực thuộc Cục THADS tỉnh. |