Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Phúc - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc trao đổi với chúng tôi liên quan đến Đề án 30 về đơn giản hoá TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010. Ông Phúc cho biết:
CCHC bao gồm cả vấn đề thể chế, chính sách, bộ máy, cán bộ và TTHC. Như vậy, thực ra TTHC chỉ là một bộ phận của CCHC song lại là khâu bức xúc nhất của người dân và DN. Đây là phản ánh được ghi nhận của báo giới, của nhân dân, của Quốc hội. Vì thế, Chính phủ đã chọn khâu TTHC là khâu đột phá bằng việc phê duyệt Đề án 30. Đến thời điểm này, chúng ta đã hoàn thành tốt đẹp giai đoạn 1 của Đề án 30. Có thể nói, lần đầu tiên nước ta đã thống kê một cách tương đối đầy đủ ở 4 cấp chính quyền được trên 5.500 TTHC. Lần đầu tiên 100% bộ ngành đã ban hành quyết định công bố Bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình. Lần đầu tiên, 60/63 địa phương ban hành quyết định công bố Bộ TTHC chung áp dụng tại cấp huyện và cấp xã. Điều quan trọng nhất là suốt quá trình phát triển 64 năm của nước ta, các TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước được công khai và người dân hay bất cứ một người nào đó có thể dùng công nghệ thông tin để kiểm soát một xã A, xã B, ngành A, ngành B có bao nhiêu thủ tục và cách làm các thủ tục đó như thế nào.
Quyết tâm chính trị của Chính phủ và Thủ tướng
* Trước đây chúng ta cũng đã tiến hành một số đề án liên quan tới CCHC nhưng hiệu quả chưa cao. Đề án 30 được triển khai khá quyết liệt nhưng làm thế nào để kết quả trên của Đề án phát huy hiệu quả không rơi vào tình trạng này không?
- Đúng là trước đây chúng ta đã tiến hành một số lần song chưa được như mong muốn. Còn lần này, trong giai đoạn 1, chúng ta đã huy động cả bộ máy, hệ thống cán bộ từ TƯ đến địa phương tập trung làm công việc này dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng với sự tham mưu của Tổ Công tác chuyên trách CCTTHC đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên. Đặc biệt, chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn hết sức cụ thể về các khái niệm về TTHC, cách thống kê, cách sử dụng phần mềm… cho tất cả các tỉnh thành. Vì vậy, kết quả bước đầu theo số liệu của chúng tôi là rất tốt đẹp và thành công. Có được kết quả đó trước hết là quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tập trung vào khâu đột phá CCTTHC. Thứ 2 là, chúng tôi đã lựa chọn những phương pháp tốt, trưng dụng nhiều cán bộ giỏi của các bộ, ngành và địa phương để làm công tác này một cách tập trung, chuyên nghiệp và được trang bị một hệ thống thiết bị công nghệ thông tin phù hợp phục vụ cho công việc. Thứ 3 là, chúng tôi có những chính sách, quy chế để thực hiện vấn đề này, ví dụ cán bộ làm công việc này được quan tâm hơn về mặt tinh thần, vật chất, hệ số lương, thậm chí Thủ tướng còn quy định ngành nào, địa phương nào mà không làm tốt công tác CCTTHC thì không được khen thưởng, nâng lương mặc dù làm tốt các công việc khác… Nói chung, có nhiều biện pháp tổng hợp cùng với quyết tâm cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nên công việc tuy khó nhưng chúng ta vẫn hoàn thành.
* Cái đích cuối cùng của việc thống kê các TTHC là xây dựng và hoàn chỉnh Bộ Cơ sở dữ liệu quốc gia? Vấn đề này được tính toán ra sao, thưa ông?
- Những thủ tục quan trọng thì chúng ta đã biết qua việc công bố rồi, còn những thủ tục nhỏ lẻ sẽ tiếp tục bổ sung hoặc loại bỏ. Giai đoạn 1 dù chỉ làm nhiệm vụ thống kê, nhưng lại có ý nghĩa lịch sử rất lớn lao trong việc tiến tới một Bộ TTHC hoàn chỉnh của nước ta. Việc công khai, minh bạch các TTHC giúp người dân giám sát được các hoạt động hành chính của bộ máy nhà nước, từ đó tính chuyên nghiệp của bộ máy được nâng lên, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực ở các cơ quan hành chính nhà nước một cách hiệu quả. Ví dụ, một Việt kiều muốn làm hộ chiếu, làm visa, gia hạn visa thay vì mù mờ thông tin, nay chỉ cần truy cập internet, xem bộ TTHC là có thể biết rõ nơi và những việc mình cần phải làm. Từ giảm thiểu được vấn đề làm thủ tục, tiết kiệm được các chi phí không chính thức… nên chi phí xã hội giảm nhanh, góp phần vào đầu tư phát triển. Việc có Bộ TTHC còn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của chúng ta. Như trên đã nói, chúng tôi trưng dụng 30 cán bộ giỏi từ các bộ ngành để làm công việc tích hợp Bộ TTHC thành Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Công việc này không tốn kém mà giai đoạn tốn kém nhất là thống kê tại chính các bộ, ngành.
Con người vẫn là nhân tố quyết định
* Có chế tài gì không khi phát hiện địa phương không thực hiện TTHC mà địa phương công bố?
- Địa phương công bố công khai cả trên internet và công sở thì không chỉ dân mà có cả cấp trên giám sát. Đáng lưu ý, nếu những TTHC nào không được công bố là coi như hết hiệu lực. Thứ hai, trong quá trình thực hiện Đề án, chúng tôi có hội đồng tư vấn. Đó cũng là một kênh giám sát và ngoài ra có thêm kênh giám sát của tổ công tác trung ương. Đương nhiên, dù có giám sát đến đâu đi nữa mà lãnh đạo không công tâm, cán bộ quan liêu, tham nhũng, thì cũng khó mà giảm khâu hành dân. Trước đây phụ trách tỉnh Quảng Nam, tôi từng chỉ đạo lãnh đạo huyện Thăng Bình nếu không làm được sẽ bị trừ lương. Nếu lần hai không được bị xử lý nặng hơn. Tóm lại, lãnh đạo phải thường xuyên giám sát. Phẩm chất, năng lực cán bộ mà không ra gì, anh có đơn giản thủ tục trời cũng chẳng ăn thua. Phải xem anh nắm được cán bộ thế nào, thực hiện luật cán bộ công chức ra sao… Nghĩa là một mình Tổ Công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ sẽ chẳng làm được gì nếu không có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của từng cấp ủy.
* Thưa ông, có thể lượng hóa được kết quả của Đề án 30 không?
- Việc lượng hóa thực hiện theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, phải đợi kết thúc toàn bộ ba giai đoạn của đề án mới công bố số liệu này. Nhưng ngay bây giờ, nếu muốn, cũng có thể tính toán được. Đơn cử, khi tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã của tỉnh Hòa Bình sáp nhập về Hà Nội, có tới 2,5 triệu người phải làm lại chứng minh thư nhân dân (CMTND). Khi làm, mỗi người phải nộp khoảng 3.000 đồng đến 6.000 đồng tiền lệ phí cấp đổi CMTND. Vị chi, dân phải tốn 8-15 tỷ đồng, cơ quan hành chính phải tổ chức lực lượng để làm việc này. Trước tình hình trên, để có lợi cho dân, Tổ Công tác đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý quyết định không đổi CMTND và cho phép người ở các địa bàn đó tiếp tục sử dụng CMTND cho đến hết thời hạn quy định.
6 tỉnh thành lớn hoàn thành giai đoạn 2 trước 30/10/2009
* Có thể hiểu, việc thống kê các TTHC chỉ là một giai đoạn của Đề án 30. Giai đoạn tiếp theo làm những nhiệm vụ gì, phải đạt những yêu cầu nào, thưa Bộ trưởng?
- Đúng là Đề án mới đi được 1/3 chặng đường. Sang giai đoạn 2 là rà soát thủ tục. Mới đây, Thủ tướng đã giao chỉ tiêu, trên cơ sở Bộ TTHC đã được công bố đó, các bộ, ngành và địa phương phải đơn giản hoá tối thiểu 30% các quy định về TTHC. Thời hạn báo cáo kết quả về Tổ Công tác là trước ngày 28/2/2010. Như vậy, sắp tới chúng ta sẽ loại bỏ những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp hoặc những quy định liên quan đến thể chế đã lạc hậu. Chẳng hạn, từng có hai xã có điều kiện giống nhau mà xã này có 100 TTHC, trong khi xã bên cạnh có trên 200 TTHC. Tức là có xã tự "đẻ" ra văn bản để gây phiền nhiễu cho người dân và DN. Riêng 6 tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM, Cần Thơ và một số bộ, ngành có TTHC đang gây bức xúc cho dân và doanh nghiệp (DN) thì phải tiến hành rà soát nhanh, rà soát ngay và hoàn thành để gửi về trước ngày 30/10/2009.
* Chắc chắn là sẽ có những thủ tục không có lợi cho dân, cho DN nhưng có lợi cho bộ, ngành. Như vậy, sẽ có cơ chế ra sao để có loại bỏ những thủ tục “hành” dân?
- Việc cắt giảm thủ tục đương nhiên hết sức phức tạp vì nó liên quan đến quyền lợi nhưng tinh thần lớn nhất phải là vì người dân, vì DN. Đây là quan điểm chính thống. Ngoài việc các cơ quan Nhà nước chủ động rà soát, phát hiện ra những thủ tục không hợp lý, hợp pháp, chúng ta còn phải lắng nghe người dân, lắng nghe DN, lắng nghe các tổ chức để họ giúp mình phát hiện ra những thủ tục phiền hà, loại bỏ. Khi phát hiện ra những thủ tục phiền hà, không hợp lý, người dân có thể phản ánh trực tiếp tới Trang tin điện tử của Tổ công tác. Người dân và DN cũng sẽ phát hiện những thủ tục lạc hậu, thông qua báo chí khi tới đây chúng tôi sẽ mở chuyên mục trên các báo. Đồng thời, theo Nghị định kiểm soát TTHC sắp ban hành (dự kiến trong tháng 10/2009), mọi thủ TTHC sẽ phải được đăng ký ở cơ quan chức năng, do cơ quan TƯ kiểm soát. Lúc đầu dự định xây dựng Luật về TTHC nhưng do chưa có kinh nghiệm nên trước mắt chúng ta chỉ xây dựng ở mức nghị định mà thôi. Nói chúng, chúng tôi đang làm hết mức để cố gắng càng gần với mong muốn của dân càng tốt.
Đơn giản thủ tục, sửa đổi mẫu đơn
* Đất nước đang hội nhập, WTO có nhiều nguyên tắc, yêu cầu minh bạch các TTHC. Đề án 30 chắc sẽ giúp Việt Nam không bị tụt hậu với thời cuộc?
- Đúng vậy! Văn bản, TTHC của chúng ta quá nhiều, nhiều đến mức không ít lãnh đạo bộ ngành và địa phương cũng không biết lĩnh vực mình phụ trách có những TTHC gì, có bao nhiêu. Thế mới dẫn đến chuyện nhiều nơi ban hành TTHC chồng chéo, thậm chí còn sáng tác ra, mới dẫn đến chuyện TTHC lúc thế này lúc thế khác. Vì thế, Đề án 30 Trong quá trình làm, chúng tôi có phê bình quyết liệt những bộ, ngành và địa phương không làm đúng tiến độ. Ngay cả bộ, ngành hay địa phương nào chưa tập huấn cho giai đoạn 2 cũng bị phê bình công khai.
* Người dân từng phải làm “đơn xin…” cho những việc thuộc quyền lợi của mình. Đây là hình thức làm mất đi sự bình đẳng giữa dân với chính quyền sở tại được chính quyền. Sau đó, do thay đổi nhận thức, chúng được đổi thành “đơn đề nghị”. Đề án 30 có làm những việc tương tự thế này không, thưa Bộ trưởng
- Trong các giai đoạn tiếp theo của Đề án 30, chúng tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng thay thế một số mẫu đơn, mẫu văn bản để tạo bình đẳng giữa cơ quan nhà nước và người dân. Ví dụ nhỏ như trước đây, chúng ta gọi là Giấy phép đầu tư, nay đã thay đổi thành Giấy chứng nhận đầu tư…
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Hoàng Thư (thực hiện)