Xây dựng phí tiếp cận thông tin: Sáu kinh nghiệm “vàng” cho Việt Nam!

11/09/2009
Với hơn 80 quốc gia trên thế giới đã ban hành luật về tiếp cận thông tin hoặc tự do thông tin thì Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình soạn thảo đạo luật này của mình. Một trong những quy định khá được quan tâm là xây dựng phí tiếp cận thông tin như thế nào để không tác động trở lại đến tính khả thi của Luật Tiếp cận thông tin. Quy định phí tiếp cận thông tin ở mỗi nước tuy khác nhau nhưng tựu trung thống nhất thành 6 nguyên tắc cơ bản.

Nên có chính sách miễn hoặc giảm phí

Luật về tiếp cận thông tin hay tự do thông tin của đa số các nước đều cho phép các cơ quan nhà nước được thu phí đối với người yêu cầu cung cấp thông tin nhằm bảo đảm bù đắp chi phí hoạt động cho các cơ quan nhà nước, tránh tình trạng quá tải đối với ngân sách nhà nước. Một trong những lý do giải thích cho việc quy định về phí tiếp cận thông tin là để tránh tình trạng công dân yêu cầu cung cấp thông tin một cách tùy tiện, không cần thiết. Điều này cần phải hạn chế tối đa, không để quá ảnh hưởng đối với hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, nhằm bảo đảm thông tin được đến với công chúng một cách dễ dàng thì một số nước thực hiện chính sách miễn giảm thuế trong trường hợp việc nộp phí có thể gây khó khăn cho người có yêu cầu và một số trường hợp cần khuyến khích. Chẳng hạn, Luật về tiếp cận thông tin của các cơ quan hành chính năm 1999 của Nhật Bản quy định: “đối với các trường hợp khó khăn về kinh tế hoặc có lý do đặc biệt khác ảnh hưởng đến khả năng chi trả các khoản phí cung cấp thông tin thì người đứng đầu cơ quan hành chính có thể quyết định giảm hoặc miễn phí cung cấp thông tin”. Hay theo Luật về công khai thông tin của các cơ quan chính quyền năm 1996 của Hàn Quốc, chi phí có thể được giảm hoặc miễn nếu như việc sử dụng thông tin là cần thiết đối việc bảo tồn và phát triển lợi ích công cộng. Luật của Vương quốc Anh cũng thực hiện chính sách miễn phí đối với các yêu cầu có chi phí dưới 600 bảng (cơ quan nhà nước) và dưới 450 bảng (cơ quan địa phương), ngoại trừ chi phí sao chép và bưu phí.

Từ kinh nghiệm trên, ông Cao Đăng Vinh (Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp) cho rằng, không nên quy định cụ thể các trường hợp được miễn, giảm phí trong dự thảo Luật Tiếp cận thông tin của Việt Nam mà nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể tùy thuộc vào chính sách trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, thực hiện miễn, giảm phí đối với thương binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng, con, em gia đình liệt sĩ và các hộ gia đình, cá nhân diện nghèo khó; miễn phí trong trường hợp tiếp cận và sử dụng thông tin vì mục đích phục vụ lợi ích của cộng đồng và xã hội; miễn phí nhằm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Giao quyền quyết định về phí cho cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin

Luật Tự do thông tin đều cho phép các cơ quan chính phủ được thu phí đối với người yêu cầu cung cấp thông tin. Trong Luật về tiếp cận thông tin ở mỗi quốc gia, mức độ quy định về phí tiếp cận thông tin cũng khác nhau nhưng tuyệt đại đa số các nước chỉ quy định nguyên tắc chung về thu phí tiếp cận thông tin (CH Séc, Slovakia, Tajikistan, Ba Lan…) để làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước quy định cụ thể về mức phí tiếp cận thông tin. Luật Tiếp cận thông tin của nhiều nước cũng giao quyền quyết định về mức phí mà người nộp đơn xin tiếp cận thông tin phải trả cho các cơ quan nhà nước, đồng thời cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan này về việc thông báo cho người yêu cầu về mức phí tiếp cận thông tin khi chấp nhận đơn yêu cầu cung cấp thông tin.

Theo Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin năm 1985 của Canada, người đứng đầu cơ quan tiếp nhận đơn xin tiếp cận tài liệu có thể yêu cầu một mức phí thêm nhằm chi phí cho việc tìm kiếm tài liệu hoặc chuẩn bị cho việc công khai một phần tài liệu và có thể yêu cầu người có yêu cầu phải trả trước khi được tiếp cận tài liệu. Việc thu phí phải được thông báo bằng văn bản tới người có yêu cầu về mức phí phải trả và trong thông báo phải nêu rõ người làm đơn yêu cầu có thể khiếu nại lên ủy viên thông tin về khoản tiền phải trả. Người đứng đầu cơ quan tiếp nhận đơn xin tiếp cận tài liệu có quyền quyết định thực hiện việc miễn, giảm hoặc hoàn trả phí tiếp cận tài liệu. Luật về quyền được thông tin năm 2005 của Ấn Độ cũng quy định, khi đưa ra một quyết định cung cấp thông tin có thu lệ phí hoặc bất kỳ khoản thu nào khác, quan chức thông tin công cộng TƯ hoặc quan chức thông tin công cộng của bang phải gửi thông báo cho người yêu cầu.

Không gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực thi quyền

Các quy định về phí tiếp cận thông tin là một trong những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến tính thực thi của Luật Tiếp cận thông tin rất được quan tâm. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy các khoản lệ phí thường hay gây ra tranh cãi. Việc quy định về các khoản phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tiếp cận thông tin, nó có thể làm tăng hoặc giảm các yêu cầu cung cấp thông tin từ phía các cơ quan chính phủ. Các khoản lệ phí cũng có thể tạo ra các rào cản hành chính không cần thiết và làm giảm số các yêu cầu hơn là một cơ chế để bồi hoàn các chi phí đã bỏ ra. Các hệ thống khác nhau được các nước sử dụng đều bảo đảm rằng chi phí không làm cản trở việc yêu cầu cung cấp thông tin.

Ở Ireland, sau khi các khoản lệ phí mới được ban hành đối với việc yêu cầu cung cấp thông tin và khiếu nại, số các yêu cầu giảm hơn 50%. Ở Nhật Bản, các cơ quan Chính phủ thì chia một yêu cầu thành nhiều yêu cầu khác nhau, do đó, thu lệ phí cao hơn và vượt quá khả năng chi trả của một người dân bình thường. Ở Ấn Độ, nhiều cơ quan đã yêu cầu phải nộp các hối phiếu ngân hàng có giá trị gấp đôi khoản tiền lệ phí nộp đơn hoặc từ chối việc tiếp cận thông tin bằng việc đặt ra các thủ tục hành chính rườm rà trong việc thu lệ phí. Ở Canada, các cơ quan TƯ và tỉnh thường yêu cầu các khoản lệ phí khá lớn khi tiếp nhận yêu cầu và đây là một thách thức đối với người yêu cầu trong việc nhận được thông tin mong muốn. Người này chỉ có thể nhận được thông tin nếu như có đủ tiền để trả lệ phí hoặc các dịch vụ trợ giúp pháp lý khác để khiếu nại về mức chi phí quá cao này thì mới có thể đảm bảo được quyền tiếp cận thông tin của mình. Ủy viên thông tin đã chỉ trích Chính phủ một cách mạnh mẽ vào năm 2006 sau khi Chính phủ yêu cầu phải nộp 1,6 triệu đô la cho một yêu cầu mà Ủy viên thấy rằng có thể thực hiện một cách nhanh chóng thông qua việc sử dụng các phần mềm hiện có. Ở Australia, các chi phí pháp lý để thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa quá cao dẫn đến chỉ có vài người có khả năng chi trả để thực hiện quyền của mình…

Vì vậy, ông Vinh nhấn mạnh, mức thu phí đối với việc cung cấp thông tin cần phải bảo đảm tính khả thi của Luật Tiếp cận thông tin, theo hướng tăng cường tính công khai, dân chủ trong hoạt động cơ quan nhà nước, giữ nguyên tắc mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền được thông tin và yêu cầu được cung cấp thông tin. “Quy định về phí tiếp cận thông tin cần bảo đảm một nguyên tắc quan trọng là không làm cho người yêu cầu bị nản lòng hay cảm thấy sợ chỉ vì mức phí phải nộp quá cao khi có yêu cầu cung cấp thông tin”, ông Vinh nói.

Không được mang tính chất kinh doanh

Chính vì quy định về phí tiếp cận thông tin có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tiếp cận thông tin của các tổ chức, cá nhân nên một nguyên tắc chung được thừa nhận ở tất cả các quốc gia là quy định về phí tiếp cận thông tin cần phải ở mức độ hợp lý, bảo đảm hoàn trả những chi phí cần thiết của nhà nước đã bỏ ra để cung cấp thông tin song cũng không được tạo ra rào cản hành chính đối với quyền tiếp cận thông tin. Về hiệu quả kinh tế, các khoản phí thường không được đặt ra nếu chi phí cho việc cung cấp thông tin nhỏ hơn chi phí hành chính cho việc thu và tiếp nhận các khoản phí này.

Yêu cầu về việc quy định một mức phí tiếp cận thông tin hợp lý không cản trở quyền tiếp cận thông tin đã được nêu trong một số điều ước quốc tế như Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề về môi trường (Công ước Aarthus), Công ước của Ủy ban kinh tế về châu Âu của Liên hợp Quốc về tiếp cận thông tin, tham gia của công chúng vào quá trình ra quyết định và tiếp cận công lý đối với các vấn đề môi trường (Công ước của UNECE). Các hệ thống khác nhau được các nước sử dụng đều đảm bảo rằng chi phí không làm cản trở việc yêu cầu cung cấp thông tin. Một số nước áp dụng hệ thống 2 cấp gồm mức phí đồng loạt cho mỗi lần yêu cầu cung cấp thông tin, cùng với chi phí xử lý thông tin tùy theo chi phí thực tế cho việc tìm và cung cấp thông tin. Phần thu sau cần miễn hoặc giảm đáng kể cho những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu cung cấp thông tin vì lợi ích công.

Không những thế, cung cấp thông tin được các quốc gia xác định là nghĩa vụ của nhà nước nên quy định về phí tiếp cận thông tin chỉ nhằm mục đích trang trải các chi phí hành chính, không có tính chất kinh doanh. Kinh nghiệm cho thấy, tốt nhất là nên hạn chế các khoản phí trong việc trang trải các chi phí thực sự của việc cung cấp thông tin và không bao gồm khoảng thời gian để cơ quan đó quyết định về việc có áp dụng các trường hợp ngoại lệ hay không, hay cung cấp các thông tin vì lợi ích công cộng và không nên thu phí đối với việc khiếu nại. Bởi vậy, các loại phí thường gặp là phí nộp đơn, tìm kiếm, sao chép và phí khiếu nại được quy định ở mức tối thiểu, áp dụng chung cho các loại thông tin.

Luật về quyền tiếp cận thông tin trong các tài liệu chính thức của CH Albani năm 1999 quy định, việc cung cấp thông tin về tài liệu chính thức có thể bị thu phí nếu như việc cung cấp đó gây ra phí tổn… Mức thu phí sẽ không được vượt quá chi phí thực tế của việc cung cấp dữ liệu. Chi phí trực tiếp gồm có chi phí cho vật liệu được dùng trực tiếp trong quá trình xử lý dữ liệu được yêu cầu. Hay theo Luật của Canada, người có yêu cầu được tiếp cận tài liệu có thể phải trả phí nộp đơn không vượt quá 25 đô la, phí sao chép, phí chuyển tài liệu sang một dạng khác hoặc sao chép dưới dạng khác và trong trường hợp nhất định có thể phải trả phí cho việc tìm kiếm tài liệu hoặc chuẩn bị cho việc công khai một phần tài liệu. Luật về tự do tiếp cận thông tin của CH Slovakia năm 2000 lại quy định: Lệ phí chỉ được thu đối với việc sao chép tài liệu và có thể bị hủy bỏ.

Mức phí được thông báo một cách rõ ràng

Các quy định về phí tiếp cận thông tin cần phải được quy định rõ ràng và công khai cho người yêu cầu tiếp cận thông tin để có thể dự đoán trước khả năng chi trả khi yêu cầu tiếp cận thông tin. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng mà nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị. Công ước Aarthus khuyến nghị, các cơ quan công quyền có ý định tính phí này cho việc cung cấp thông tin sẽ phải cung cấp cho những người xin bản liệt kê các loại phí có thể bị thu, chỉ ra các tình huống mà họ có thể bị thu hoặc được miễn và khi việc cung cấp thông tin phụ thuộc vào khoản phải trả trước của khoản phí này. Luật của Ấn Độ cũng khẳng định, khi đưa ra một quyết định cung cấp thông tin có thu lệ phí hoặc bất kỳ khoản thu nào khác, quan chức thông tin công cộng TƯ hoặc quan chức thông tin công cộng của bang phải gửi thông báo cho người yêu cầu, trong đó, nêu chi tiết về các khoản lệ phí cho việc cung cấp thông tin mà quan chức đó quyết định, cùng với những tính toán chi tiết về các khoản chi.

Tuy nhiên, gắn liền với trách nhiệm thông báo về phí tiếp cận thông tin thì luật của nhiều nước cũng quy định các cơ quan nhà nước chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin sau khi người yêu cầu đã thực hiện nghĩa vụ nộp phí trong thời hạn đã thông báo. Quyền tiếp cận thông tin chỉ được thực hiện sau khi đã nộp phí hoặc nộp tạm ứng (đặt cọc) phí. Ví dụ như quy định trong Luật của Anh: “Khi thông báo chi phí đã được gửi đến cho người yêu cầu thì cơ quan công quyền không có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho đến khi chi phí đó được thanh toán trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày thông báo chi phí được gửi đến nguyên đơn”.

Được quyền khiếu nại nếu bị thu phí quá cao

Quy định về phí tiếp cận thông tin được xác định là một công cụ hành chính, có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin. Việc sử dụng công cụ hành chính đó có thể bị lạm dụng tạo ra rào cản hành chính đối với quyền tiếp cận thông tin. Vì thế, bên cạnh yêu cầu bảo đảm quy định về phí tiếp cận thông tin một cách hợp lý trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích của nhà nước và công dân, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng cho các tổ chức, cá nhân khi yêu cầu cung cấp thông tin thì pháp luật của nhiều quốc gia cũng thừa nhận quyền khiếu nại đối với các hành vi lạm dụng phí tiếp cận thông tin để cản trở quyền cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân.

Tại Serbia, người yêu cầu cung cấp thông tin có thể khiếu nại lên Ủy ban thông tin có quyền giải quyết các khiếu nại liên quan đến việc từ chối cung cấp thông tin, trì hoãn cung cấp thông tin, thu các khoản phí quá cao, từ chối cung cấp thông tin dưới hình hoặc ngôn ngữ theo yêu cầu. Quyết đinh đưa ra có ràng buộc với các cơ quan nhà nước. Nếu cơ quan đó vẫn không chịu công bố thông tin, Ủy viên có thể yêu cầu Chính phủ cưỡng chế thi hành quyết định. Công ước của UNECE khuyến nghị: “Việc từ chối cung cấp thông tin phải thực hiện bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối. Lệ phí cung cấp thông tin nên được hạn chế ở một mức độ hợp lý. Cần phải quy định về quyền khiếu nại đến Tòa án hoặc một cơ quan độc lập để cơ quan này sẽ ra phán quyết chung thẩm mang tính ràng buộc về vấn đề này”. Luật của Canada nhấn mạnh, người đứng đầu cơ quan tiếp nhận đơn xin tiếp cận tài liệu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới người có yêu cầu về mức phí phải trả và trong thông báo phải nêu rõ người làm đơn yêu cầu có thể khiếu nại lên ủy viên thông tin về khoản tiền phải trả.

Đối với Việt Nam, nguyên tắc này phù hợp với Điều 30 Pháp lệnh Phí, lệ phí: “Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí không đồng ý với quyết định thu phí, lệ phí có quyền gửi đơn khiếu nại đến tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp phí, lệ phí”. Ông Cao Đăng Vinh (Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp) lưu ý, việc thu phí vượt quá chi phí thực tế phải được coi là một hành vi làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân và phải chịu các hình thức xử phạt tương ứng.

Thục Quyên

Nhiều chuyên gia cho rằng, các quy định về phí trong dự thảo Luật Tiếp cận thông tin của Việt Nam phải bảo đảm 2 nguyên tắc. Thứ nhất, phù hợp với các quy định pháp luật chuyên ngành về quản lý phí, lệ phí. Cụ thể là, Pháp lệnh Phí, lệ phí do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 28/8/2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2002; Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 6/3/2006) của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh trên. Thứ nhất, cần xuất phát từ tính chất, vị trí và vai trò của Luật Tiếp cận thông tin trong hệ thống pháp luật. Do là luật khung nên trong Luật Tiếp cận thông tin chỉ quy định mang tính nguyên tắc, chứ không cần thiết có hẳn một chương riêng quy định về phí.

 

Ở Việt Nam, cần phân biệt hai loại phí cho 2 loại thông tin: Đối với các thông tin phải công khai dưới các hình thức như đăng tải trên trang web, đăng công báo, niêm yết, tuyên truyền, phổ biến… thì miễn phí cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp cận thông tin. Đối với các thông tin thuộc diện cung cấp theo yêu cầu thì cần thu phí với mức thu cố định ban đầu và thu bổ sung nếu tổ chức, cá nhân yêu cầu được tiếp cận thông tin dưới hình thức bản in, bản sao, bản chụp hoặc các hình thức chuyển dạng thông tin khác có phát sinh chi phí cho các cơ quan cung cấp thông tin.