Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ tháng 01/2007. Bên cạnh những lợi ích là thành viên của WTO, Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn khi phải đối mặt với các tranh chấp trong khuôn khổ WTO cũng như nắm vững các quy định đồ sộ của tổ chức này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về Trung tâm tư vấn luật WTO (The Advisory Centre on WTO Law - ACWL), một tổ chức liên chính phủ có chức năng giúp các nước đang phát triển, các nước kém phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi là thành viên của WTO trong lĩnh vực: tư vấn pháp luật về WTO; hỗ trợ các bên và bên thứ ba trong giải quyết tranh chấp; đào tạo về pháp luật của WTO cho các cán bộ của Chính phủ.
1. Một vài nét về Trung tâm tư vấn luật WTO (ACWL)
a. Giới thiệu về Trung tâm ACWL
ACWL có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ là tổ chức liên chính phủ được thành lập vào năm 2001 với chức năng hỗ trợ các nước thành viên WTO và nước kém phát triển về các vấn đề pháp lý trong WTO. ACWL tư vấn pháp luật về WTO cho các nước thành viên, hỗ trợ các nước bảo vệ lợi ích của mình trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO với chi phí thấp nhất, tổ chức các khoá tập huấn hàng năm và các chương trình đào tạo tập sự luật sư thương mại. Hiện nay, chỉ có tám luật sư nhưng hàng năm ACWL cung cấp khoảng 100 ý kiến pháp lý và hỗ trợ cho 2/3 các vụ tranh chấp mà các bên hoặc bên thứ ba là các nước đang phát triển tại cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO.
ACWL hoạt động độc lập với WTO, và không phải thành viên nào của WTO cũng là thành viên của ACWL. Hiện nay, Trung tâm có 37 thành viên, trong đó có 10 nước phát triển và 27 nước đang phát triển (hai phần ba số lượng nước đang phát triển là thành viên của WTO đã gia nhập Trung tâm). 45 nước kém phát triển là thành viên của WTO hoặc đang trong quá trình gia nhập WTO đã đăng ký sử dụng dịch vụ của ACWL.
Mục tiêu của ACWL là thúc đẩy các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nắm bắt được những quyền và nghĩa vụ của mình theo luật WTO và có được cơ hội bình đẳng để bảo vệ lợi ích của mình trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Tổng Giám đốc WTO - ông Pascal Lamy đã nói “để đảm bảo các lợi ích về pháp luật trong WTO được chia sẻ giữa các quốc gia thành viên, ACWL sẽ đóng góp vào tính hiệu quả của hệ thống pháp luật WTO, cụ thể là các thủ tục về giải quyết tranh chấp và nhận thức mục tiêu phát triển của WTO”.
ACWL cung cấp dịch vụ pháp luật miễn phí cho các vấn đề liên quan tới pháp luật và thủ tục của WTO. ACWL cung cấp dịch vụ về các biện pháp mà các nước thực hiện cũng như các đề nghị tư vấn của các nước bao gồm cả văn bản pháp luật dự kiến ban hành. Điều này cũng giúp cho các nước nhận thức được mục tiêu chính sách thương mại theo cách thức phù hợp với pháp luật WTO. ACWL cung cấp tư vấn về biện pháp mà các nước cân nhắc thực hiện liên quan tới những thách thức trong thủ tục giải quyết tranh chấp WTO. Ví dụ, ACWL giúp các nước đánh giá thực tế về những cơ hội thắng lợi của mình trong cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO. Cuối cùng, ACWL cung cấp về các vấn đề pháp luật phát sinh trong việc ra quyết định và đàm phán trong khuôn khổ WTO. Trong những trường hợp này, ACWL giúp các nước có được nhận thức đầy đủ về các khía cạnh pháp lý trong các vấn đề được thảo luận.
ACWL hỗ trợ nguyên đơn, bị đơn hoặc bên thứ ba trong các vụ kiện giải quyết tranh chấp trong WTO. ACWL sẽ hỗ trợ trong tất cả các giai đoạn của tranh chấp. ACWL có mức phí thấp nhất và mức phí dựa trên mức độ phát triển và thị phần thương mại của các nước nhận được hỗ trợ. Nếu nhân viên của ACWL không thể hỗ trợ cho các nước thành viên của ACWL hoặc các nước kém phát triển do xung đột lợi ích thì ACWL có thể hỗ trợ thông qua các tư vấn bên ngoài. Để giúp cho việc lựa chọn luật sư cho các nước mà nhân viên của ACWL không thể phục vụ được, ACWL đã thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật bên ngoài bao gồm các công ty luật và cá nhân có kinh nghiệm trong cơ chế giải quyết tranh chấp WTO.
Hàng năm, ACWL cung cấp khoá đào tạo 6 tháng về luật WTO và thủ tục giải quyết tranh chấp WTO. Khoá đào tạo bắt đầu vào tháng 10 và kết thúc vào tháng 3 của năm tiếp theo. Khoá học được diễn ra tại trụ sở của ACWL vào thứ năm trong thời gian nghỉ trưa. Thành viên tham gia hai phần ba khoá học sẽ được trao chứng chỉ đào tạo. Khoá học này do Giám đốc điều hành và các luật sư ACWL trực tiếp giảng dạy. Họ sẽ cung cấp cho học viên những thông tin về phân tích luật WTO và thẩm quyền dựa trên cơ sở kinh nghiệm thực tế của mình. Hơn thế nữa, ACWL còn cung cấp các hội thảo chuyên đề về những vấn đề hiện đang được quan tâm.
Chương trình đào tạo thực tập cho luật sư thương mại của ACWL được đánh giá rất cao. Các khoá đào tạo này sẽ là cơ hội cho hai hoặc ba nhân viên của chính phủ làm việc về các khía cạnh pháp lý liên quan tới chính sách thương mại được mở rộng kinh nghiệm chuyên môn của mình thông qua việc tham gia làm việc cùng nhân viên ACWL trong thời gian 9 tháng. Chương trình thường bắt đầu vào giữa tháng 9 và kết thúc vào giữa tháng 6 năm sau. Các thực tập sinh sẽ được hỗ trợ các luật sư của ACWL trong việc chuẩn bị ý kiến pháp lý và hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Họ cũng được tham gia các khoá đào tạo và hội thảo của ACWL. Sau khi kết thúc khoá học, thực tập sinh sẽ phải cam kết làm việc cho chính phủ của mình.
b. Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của ACWL bao gồm Đại hội đồng (General Assembly), Hội đồng điều hành (Management Board) và Giám đốc điều hành (Executive Director).
Đại hội đồng là cơ quan ra quyết định cao nhất, họp 2 lần một năm, có chức năng giám sát, đánh giá hoạt động của Trung tâm, thông qua các quy định và dự toán ngân sách hàng năm do Hội đồng điều hành soạn thảo. Đại hội đồng bao gồm đại diện của các nước thành viên và đại diện của các nước kém phát triển.
Hội đồng điều hành gồm 6 thành viên làm việc với tư cách cá nhân, trong đó 03 thành viên do các nước đang phát triển chỉ định, 02 thành viên do các nước phát triển chỉ định và 01 thành viên đại diện cho các nước kém phát triển. Hội đồng ra các quyết định cần thiết nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động của Trung tâm, soạn thảo dự toán ngân sách và báo cáo lên Đại hội đồng.
2. Những lợi ích nếu Việt Nam tham gia ACWL
a. Đội ngũ cán bộ pháp lý của các Bộ, ngành đặc biệt là những cán bộ pháp lý đang làm việc về các vấn đề liên quan tới WTO có được cơ hội đào tạo để nâng cao năng lực theo các hình thức:
ACWL cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý, bằng việc sử dụng dịch vụ này, các cán bộ pháp lý của Việt Nam sẽ có cơ hội làm việc trực tiếp với các chuyên gia quốc tế hàng đầu về các vấn đề liên quan tới WTO như đã trình bày ở trên cũng như xử lý các vụ kiện trong khuôn khổ WTO. Thông qua các hoạt động này, trình độ và năng lực của cán bộ của nước ta sẽ được nâng cao
Việt Nam có thể cử cán bộ đi thực tập, tham gia làm việc tại Trung tâm theo Chương trình luật sư tập sự của ACWL và tham gia các khoá đào tạo hoặc hội thảo chuyên đề do ACWL tổ chức.
b. Nhận được các tư vấn pháp lý liên quan tới quy định của WTO
Việt Nam mới gia nhập WTO được hơn 2 năm và trong khoảng thời gian này thì những quy định của WTO vẫn còn rất mới mẻ đối với chúng ta. Như đã trình bày ở trên ở phần giới thiệu ACWL, nếu Việt Nam trở thành thành viên của Trung tâm này thì Việt Nam sẽ nhận được những ý kiến tư vấn pháp lý miễn phí, đặc biệt rất hữu ích cho quá trình điều chỉnh các quy định của pháp luật trong nước đảm bảo thích ứng với các cam kết của Việt Nam với WTO. Ngoài ra Việt Nam cũng sẽ nhận được những ý kiến tư vấn miễn phí của các luật sư hàng đầu của WTO về các vấn đề như: hoạch định chính sách thương mại phù hợp với luật của WTO; đánh giá khả năng thành công khi tham gia vào giải quyết tranh chấp và các vấn đề kỹ thuật trong quá trình đàm phán hoặc ra quyết định trong khuôn khổ WTO.
c. Nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình giải quyết tranh chấp
Sau khi trở thành thành viên của WTO, Việt Nam đã phải đối mặt với 2 vụ kiện trong khuôn khổ WTO với tư cách là bên thứ ba. Trong quá trình tham gia các vụ kiện này, Việt Nam cũng gặp phải những hạn chế về năng lực chuyên môn, chính vì vậy những hỗ trợ của các luật sư đầu ngành về WTO trong quá trình giải quyết tranh chấp là rất quý báu đối với Việt Nam. Hiện nay, có rất nhiều nước đang phát triển sử dụng hỗ trợ kỹ thuật của ACWL như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… Với việc tham gia trung tâm này, Việt Nam sẽ có cơ hội nhận được những hỗ trợ kỹ thuật trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết tranh chấp.
d. Tiết kiệm được chi phí kiện tụng
Mức phí sử dụng dịch vụ hỗ trợ pháp lý trong giải quyết tranh chấp của ACWL là khá thấp so với mức phí nếu Việt Nam phải thuê tư vấn, luật sư từ các công ty luật nước ngoài. Chi phí thuê luật sư nước ngoài để theo kiện tại WTO rất cao, thường từ 200-1000 USD/giờ (có khi cao hơn tuỳ thuộc tính chất từng vụ việc). Trong điều kiện của Việt Nam, nếu phải chi trả hàng trăm thậm chí là hàng triệu USD cho việc thuê các công ty luật nước ngoài thực sự sẽ trở thành gánh nặng cho Chính phủ và doanh nghiệp. Hơn thế nữa, việc giải quyết tranh chấp trong WTO đòi hỏi luật sư phải thực sự rất chuyên sâu do tính chất phức tạp của vụ việc; do đó, việc tìm kiếm một công ty hay một luật sư phù hợp là rất khó khăn.
3. Thủ tục gia nhập ACWL
Theo quy định của ACWL, các nước gia nhập phải nghiên cứu Dự thảo Nghị định thư gia nhập ACWL. Sau khi nhất trí với nội dung của Dự thảo, Ban Điều hành Trung tâm sẽ trình Dự thảo lên Đại hội đồng phê duyệt. Sau khi được Đại hội đồng phê duyệt, đại diện của nước gia nhập và đại diện của ACWL sẽ chính thức ký Nghị định thư. Nghị định thư sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày lưu chiểu văn kiện gia nhập.
Bùi Hương Quế - Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
(Nguồn:www.acwl.ch)