Ngày 9/3/2009, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội, Ban Quản lý chung Dự án ETV2 đã tổ chức Lễ kết thúc dự án nhằm báo cáo kết quả hoạt động của dự án ETV2 sau 3 năm thực hiện. Tham dự buổi lễ gồm đại diện các cơ quan hữu quan của Chính phủ Việt Nam, đại diện Uỷ ban Châu Âu, các đại sứ các nước thành viên Liên minh Châu Âu, đại diện khối doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông tại Việt Nam.
Chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Châu Âu cho Việt Nam (ETV2) là một chương trình tổng thể do Uỷ ban Châu Âu (EC) và Chính phủ Việt Nam phối hợp tài trợ với tổng số vốn viện trợ của EC là 11.034.800 Euro. Mục đích của Dự án ETV2 là hỗ trợ ba Bộ (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học và Công nghệ) của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc cải cách thuộc khuôn khổ Chiến lược phát triển kinh tế xây dựng giai đoạn 2001-2010 và theo định hướng của Chiến lược tổng thể và tăng trưởng, xoá đói, giảm nghèo. Dự án ETV2 được khởi động vào cuối năm 2005 và được thực hiện đến tháng 4 năm 2009.
Dự án ETV2 được Chính phủ triển khai theo cơ chế phân quyền và được chia thành 6 hợp phần, mỗi hợp phần có những mục tiêu và hoạt động để triển khai: Hợp phần 1: Chính sách Tài chính và Dịch vụ Tư vấn pháp lý; Hợp phần 2: Các chính sách về Thuế; Hợp phần 3: Hải quan; Hợp phần 4: Kế toán, kiểm toán và Bảo hiểm; Hợp phần 5: Phân tích Thống kê và Công cụ Chính sách; Hợp phần 6: Tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng.
Dự án được hỗ trợ 7225 ngày chuyên gia kỹ thuật quốc tế (với sự tham dự của gần 100 chuyên gia) được huy động bởi 2 tập đoàn tư vấn là Atos Origin - Bỉ và Afnor – Pháp.
Mục tiêu tổng thể của dự án ETV2 là: (i) Đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; (ii) Tạo thuận lợi cho quá trình ra quyết định trong khu vực công và khu vực tư nhân, xây dựng các chính sách, kế hoạch, chiến lược và pháp luật minh bạch, hợp lý, rõ ràng thông qua việc tăng cường năng lực xây dựng pháp luật, chính sách và các phương tiện thực hiện.
Trên thực tế, ETV2 đã làm việc với 92 nhóm công tác có kỳ vọng cao và chuyên môn tốt nhất của 16 cơ quan ban ngành khác nhau của Việt Nam.
ETV2 không phải là một chương trình hỗ trợ kỹ thuật riêng rẽ mà là một sự tiếp cận toàn diện và bài bản đối với sự phát triển thể chế, thiết lập một nền tảng xây dựng năng lực và hợp tác giữa các bộ, và đem lại sự linh hoạt cần thiết để trở nên thích ứng với các thay đổi trong môi trường kinh tế và tài chính Việt Nam.
Các kết quả đạt được của dự án ETV2:
· Hợp phần 1: Chính sách Tài chính và Dịch vụ Tư vấn pháp lý
Hợp phần này hỗ trợ dịch vụ tư vấn đặc biệt về chính sách thuế; tham gia xây dựng 3 bộ luật (Thuế Thanh nhập Doanh nghiệp, Thuế Bảo vệ môi trường, và Thuế Nhà đất) theo chương trình cải cách thuế; thiết kế quy trình chuẩn hoá tư vấn pháp lý trong hệ thống tài chính; thiết kế và tiến hành thu thập ý kiến về việc thiết lập Trung tâm thông tin Pháp luật Tài chính; hỗ trợ xây dựng quy chế minh bạch trong quản lý tài chính công
- Kết quả đạt được:
+ Luật mới về Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản dưới luật đã được áp dụng;
+ Bản dự thảo đầu tiên của Luật thuế Bảo vệ môi trường đã được soạn thảo;
+ Dự thảo Luật thuế nhà đất sẽ được Quốc hội khoá XII Thông qua năm 2009 và Luật thuế tài sản đã được soạn thảo;
+ Sách về văn bản pháp luật có liên quan đến Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế VAT, Luật Thuế Thu nhập cá nhân đã được xuất bản;
+ Quyết định thành lập Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ Tài chính tháng 2/2008 và Quy chế hoạt động của Hội đồng đã được soạn thảo;
+ CLB 45 tuyên truyền viên của Bộ tài chính đã được thành lập trong tháng 8/2007;
+ Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi các quy định minh bạch, công khai quản lý tài chính công;
+ Trung tâm thông tin Pháp luật Tài chính đã khai trương tháng 1/2009;
+ Cuốn Cẩm nang về kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được xuất bản;
+ Quyết định của Bộ Tài chính về mục lục Ngân sách mới được ban hành và bắt đầu áp dụng từ 01/01/2009. Sách và hướng dẫn mục lục Ngân sách mới được xuất bản và phân phát cho các đơn vị liên quan.
· Hợp phần 2: Thuế
Các hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ hợp phần này nhằm chú trọng vào việc phát triển một cách bền vững khuôn khổ pháp lý và hệ thống quản lý thuế của Việt Nam; tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng hệ thống pháp luật về thuế phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, trang bị cho cán bộ thuế những kiến thức và kinh nghiệm theo thông lệ quốc tế.
- Kết quả đạt được:
+ 350 cán bộ ngành thuế đã được đào tạo về quản lý dự án và quản lý thay đổi, triển khai luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thanh tra thuế, thanh tra kiểm tra nội bộ và dự báo số thu;
+ Chương trình nâng cao nhận thức công chúng và giới thiệu Luật thuế TNCN đã được hoàn thiện và đang trong giai đoạn triển khai;
+ Các văn bản dưới luật Quản lý thuế được xây dựng và đưa vào áp dụng (7/2006);
+ Hỗ trợ xây dựng Quy chế về hoạt động Thanh tra kiểm tra nội bộ trong ngành thuế và Quy chế phòng chống tham nhũng (2008);
+ Thuế TNCN và các văn bản dưới luật đã được ban hành và thực hiện tại Việt Nam từ tháng 1/2009;
+ Xây dựng Mô hình dự báo số thu tháng, số thu theo sắc thuế GTGT, dự báo thuế TNDN, Thuế tiêu thụ đặc biệt và định hướng mô hình dự báo thuế TNCN.
· Hợp phần 3: Hải quan
Mục đích của hợp phần này nhằm hỗ trợ nỗ lực cải cách và hiện đại hoá của Tổng cục Hải quan Việt Nam nhằm cải thiện các điều kiện khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới; góp phần vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo thông qua huy động nguồn lực và thuận lợi hoá thương mại; tiến tới chính sách tạo thuận lợi thương mại thông qua thúc đẩy hiệu quả và tính minh bạch của thương mại quốc tế bằng cách đó giúp môi trường kinh doanh trở nên hấp dẫn hơn với đầu tư nước ngoài.
- Kết quả đạt được:
+ Các chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm Phân loại hàng hoá và phòng thí nghiệm của Tổng cục Hải quan đã được thay đổi phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế;
+ Hơn 60 cán bộ Tổng cục Hải quan và 30 doanh nghiệp đã được đào tạo về các kỹ thuật phân loại hàng hoá; 160 cán bộ hải quan đã được đào tạo các kỹ thuật kiểm tra phương tiện giao thông và kỹ năng thẩm vấn.
+ Các thiết bị kiểm tra cơ bản được mua sắm;
+ Các thủ tục và hướng dẫn phù hợp với các yêu cầu của khung WCO/APEC SAFE đã được Tổng cục Hải quan áp dụng; các thủ tục và hướng dẫn xây dựng Chuơng trình doanh nghiệp ưu tiên (CEO) được chuẩn bị;
+ Chương trình doanh nghiệp ưu tiên thử nghiệm đã được giới thiệu đối với 3 doanh nghiệp chính (quan hệ đối tác Hải quan và doanh nghiệp);
+ Hiệp định hỗ trợ lẫn nhau sửa đổi được ban hành và thực thi;
+ Công tác tổ chức thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Tổng cục Hải quan đã được cải thiện;
+ Luật tăng cường quyền sở hữu trí tuệ đã được xem xét và chỉnh sửa (2006).
· Hợp phần 4: Kế toán, Kiểm toán và Bảo hiểm
Kế hoạch tổng thể của hợp phần là triển khai trên diện rộng các chính sách của Chính phủ Việt Nam, đưa Việt Nam tiến đến một thị trường cởi mở hơn, đảm bảo điều kiện cho kinh tế tư nhân và các công ty nước ngoài tự do kinh doanh tại Việt Nam.
- Kết quả đạt được:
+ Quyết định số 48/2007 về Chế độ Kế toán dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quyết định số 32/2007 Quy định về Kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán và kiểm toán được ban hành năm 2007;
+ Bản dự thảo lần thứ 3 Luật Kiểm toán độc lập đã được đệ trình (dự kiến sẽ ban hành vào năm 2010);
+ Thông tư số 72/2007 về hướng dẫn đăng ký hành nghề kế toán và Thông tư 161/2007 về hướng dẫn thực hiện 16 chuẩn mực Kế toán Việt Nam ban hành 2007; Nghị định số 45 và 46/2007/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Hướng dẫn chế độ tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và Thông tư 155, 156 về giám sát và quản lý bảo hiểm đã được thông qua (3/2007);
+ Xây dựng đánh giá Chiến lược phát triển thị trường Bảo hiểm giai đoạn 2003-2010 và Tư vấn xây dựng chiến lược giai đoạn 2010-2015;
+ Tư vấn, hướng dẫn xây dựng Bảng tỷ lệ tử vong áp dụng chung cho thị trường Việt Nam (dự kiến ban hành 2011);
+ Soạn thảo nhiều sổ tay nghiệp vụ về cấp phép doanh nghiệp, tái bảo hiểm, cạnh tranh, phê chuẩn sản phẩm, dịch vụ bán bảo hiểm qua biên giới ...
· Hợp phần 5: Phân tích thông kê và Công cụ chính sách
Mục tiêu của hợp phần là hỗ trợ việc ra các quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các chính sách, chiến lược, kế hoạch và luật pháp rõ ràng, hợp lý và minh bạch.
- Kết quả đạt được:
+ Xây dựng và hoàn thiện khung quản lý chất lượng và thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
+ Kế hoạch tổng thể ứng dụng Công nghệ thông tin đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được xây dựng, hoàn thiện và phê duyệt; cán bộ CNTT được trang bị các khái niệm CNTT và TT tiên tiến;
+ Cung cấp và lắp đặt Hội thảo truyền hình trực tuyến; Trung tâm dữ liệu thứ hai và Cáp quang ngầm kết nối 2 trung tâm dữ liệu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
+ Đề xuất những kiến nghị cải tích nhằm nâng cao năng lực phân tích và dự báo bước đầu triển khai tại Bộ Khoa học và Đầu tư.
· Hợp phần 6: Tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng
Hợp phần này có nhiệm vụ nâng cao kiến thức và lòng tin đối với hoạt động đo lường, tiêu chuẩn hoá, thử nghiệm và chất lượng thông qua hài hoà các quy trình đánh giá sự phù hợp, khung pháp lý và cơ sở hạ tầng chất lượng với các yêu cầu quốc tế.
- Kết quả đạt được:
+ Luật Tiêu chuẩn và Các quy định kỹ thuật đã được ban hành và áp dụng (1/2007);
+ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá đã được áp dụng (1/2008); Luật Đo lường đang được soạn thảo;
+ Cơ sở dữ liệu WTO –TBT đã được xây dựng; Đồng hồ Đo lường Công nghiệp và Đo lường Khoa học phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế;
+ Bộ tiêu chuẩn quốc tia được cập nhật và hoàn thiện bởi Bộ Khoa học và Công nghệ;
+ Năng lực kỹ thuật của cán bộ thử nghiệm chất lượng của các phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm kỹ thuật 1,2,3 – Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TC TCĐLCL) đã được nâng cao;
+ Hệ thống chứng nhận đã được cải thiện, kiến thức về tư vấn, chứng nhận sản phẩm và hệ thống của TC TCĐLCL được tăng cường;
+ Khung pháp lý và năng lực về an toàn thực phẩm và thuỷ sản của hệ thống NAFIQAD được nâng cao;
+ Hệ thống chất lượng Việt Nam (bao gồm Giám sát thị trường) được cải tiến với các quy trình mới và các khoá đào tạo dành cho Cục Quản lý Chất lượng hàng hoá và Hệ thống quản lý thị trường.
Đỗ Thanh Hương