Dự thảo Luật khám, chữa bệnh: Bác sỹ công được hành nghề tư.

20/04/2009
Cán bộ y tế trong nhà nước có quyền được làm việc, thậm chí là đứng ra thành lập, quản lý điều hành cơ sở khám bệnh tư nhân hay không? Đó là băn khoăn của phần lớn các thường vụ Quốc hội trong buổi thảo luận cuối tuần qua về dự thảo Luật Khám chữa bệnh.

Chỉ cấm thành lập bệnh viện tư nhân.

Trình bày tờ trình của Chính phủ trước UBTVQH trong phiên họp thứ 19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: trong khu vực nhà nước hiện đang có 13.439 cơ sở khám chữa bệnh (KCB), trong đó có 953 bệnh viện công với trên 200 ngàn giường bệnh. Thống kê của Bộ Y tế vào thời điểm 2007 cả nước có 280.521 cán bộ y tế làm việc trong khu vực nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng chỉ ra một thực tế rằng, đời sống cán bộ y tế trong khu vực nhà nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ y tế có tay nghề muốn làm thêm để cải thiện thu nhập, và người dân cũng có nhu cầu. Do vậy, nên cho phép họ được thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành các hình thức hành nghề KCB tư nhân (trừ trường hợp thành lập, quản lý bệnh viện tư nhân) để tận dụng chất xám, phát huy năng lực chuyên môn. Quy định như vậy cũng sẽ hạn chế việc chuyển dịch nguồn nhân lực y tế chất lượng cao từ khi vực nhà nước sang tư nhân.

Một số ý kiến đồng tình với giải thích của Bộ trưởng Bộ Y tế, tuy nhiên, theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - giáo dục, thanh, thiếu niên và Nhi đồng QH lại cho rằng: Không nên cho phép cán bộ y tế tham gia vào thành lập, điều hành các cơ sở KCB nói chung vì không tạo ra tách bạch. Ông Thi phân tích: nhiều Giám đốc, Phó giám đốc bệnh viện mở phòng khám tư dẫn đến hiện tượng đưa bệnh nhân của bệnh viện ra phòng khám của mình hoặc ngược lại đưa bệnh nhân của phòng khám vào sử dụng một số dịch vụ của bệnh viện công. Việc này sẽ rất khó cho nhà nước trong công tác quản lý.

Nhiều ý kiến đồng tình với ông Thi và cho rằng, việc cải thiện đời sống cho cán bộ y tế sẽ từng bước được thực hiện thông qua chế độ đãi ngộ với cán bộ y tế bằng nguồn ngân sách nhà nước và cải cách cơ chế tài chính trong ngành y.

Cấp chứng chỉ hành nghề cho cả bác sỹ công?

Một trong những điều kiện quan trọng đầu tiên đối với người hành nghề khám, chữa bệnh là phải có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật thì việc cấp chứng chỉ được thực hiện cho tất cả cán bộ y tế thuộc khu vực nhà nước và tư nhân. Chứng chỉ hành nghề chỉ có giá trị tối đa trong thời hạn 5 năm. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thì việc đặt ra thời hạn đối với chứng chỉ để ngành y tế có cơ hội rà soát lại năng lực cũng như y đức của người thầy thuốc.

Quan điểm này của dự thảo Luật được một số thường vụ ủng hộ. Bởi, cấp chứng chỉ cho cả cán bộ y tế công và tư thể hiện sự bình đẳng giữa những người hành nghề tại các cơ sở KCB nói chung. Thông qua việc cấp chứng chỉ sẽ chuẩn hoá được người hành nghề y. Quan trọng hơn, nó phù hợp với các quy định của quốc tế khi Việt Nam đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới, thừa nhận lẫn nhau chứng chỉ hành nghề KCB (trong khối các nước ASEAN hiện nay chỉ còn Việt Nam, Lào và Myanma là chưa thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế).

Tuy nhiên, với bộ máy đồ sộ như hiện nay (khoảng 250 ngàn cán bộ y tế) thì việc cấp chứng chỉ cho tất cả sẽ kéo theo sự tốn kém về tiền bạc và nhân lực. Có ý kiến còn tỏ rõ sự lo ngại về việc tổ chức thi, xin cấp chứng chỉ sẽ trở thành hình thức và dễ dẫn đến lợi dụng, tiêu cực. Ông Nguyễn Văn Thuận – Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Quốc hội đặt câu hỏi: khi Luật mới ra đời, các chứng chỉ hành nghề đã cấp (hiện mới cấp trong khối tư nhân theo Pháp lệnh hành nghề y , dược tư nhân- PV) có còn hiệu lực không hay phải thực hiện cấp đổi lại? Như thế thì lãng phí quá.

Cấp chứng chỉ: nên giao cho cơ quan quản lý.

Theo dự thảo Luật, thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn và thu hồi chứng chỉ hành nghề thuộc Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, do dự thảo có đưa vào quy định về thành lập Hội đồng tư vấn do Bộ trưởng và Giám đốc các Sở Y tế ra quyết định, nên nhiều ý kiến cho rằng, nên giao cho các Hội đồng này thẩm quyền nói trên. Các ý kiến này lập luận, giao cho các Hội đồng sẽ bảo đảm vai trò quản lý của nhà nước, bởi vì thành viên do Bộ trưởng Bộ y tế bổ nhiệm, loại trừ việc cơ quan quản lý nhà nước vừa cấp phép, vừa kiểm tra, thanh tra việc cấp chứng chỉ hành nghề.

Vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng: vấn đề cấp chứng chỉ là của cơ quan quản lý, Hội đồng chỉ có nhiệm vụ tư vấn chứ không thể thực hiện chức năng này. Phó Chủ tịch cũng không đồng ý với việc giao cho Bộ Quốc phòng thực hiện cấp chứng chỉ mà cần giao về cho một đầu mối là Bộ Y tế.

Thu Hằng