Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về phạm vi quản lý lý lịch tư pháp

16/04/2009
Trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lý lịch tư pháp chiều 15/4, các đại biểu đều cho rằng lý lịch tư pháp (LLTP) có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống dân sự của công dân. Việc ban hành Luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về LLTP.

Về phạm vi quản lý LLTP, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, mục đích của quản lý nhà nước về lĩnh vực LLTP là đáp ứng nhu cầu của cá nhân chứng minh người đó có hay không có án tích, ghi nhận việc xóa án tích nhằm tạo điều kiện cho người đã từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.

Từ năm 1999 đến năm 2008, các Sở Tư pháp đã tiếp nhận yêu cầu và cấp 699.495 phiếu LLTP cho công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú ở Việt Nam.

Thực tế việc cấp phiếu LLTP thời gian qua cho thấy, khi cơ quan, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài có nhu cầu cần biết LLTP của một người để cho xuất cảnh, nhập cảnh; cho nhập, thôi, trở lại quốc tịch, xin con nuôi; cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, kiểm toán, y dược tư nhân; tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, du học... thì điều mà cơ quan, tổ chức quan tâm là án tích và tình trạng thi hành án của người đó. Nội dung của phiếu LLTP mà cơ quan có thẩm quyền cấp cũng chỉ ghi người đó có án tích hay không có án tích, tình trạng thi hành án và đều được các cơ quan, tổ chức trong nước cũng như nước ngoài chấp nhận.

Vì vậy, theo các đại biểu, phạm vi quản lý LLTP được xác định bao gồm án tích và tình trạng thi hành án là phù hợp với thực tiễn yêu cầu cấp phiếu LLTP trong nước và thông lệ quốc tế.

Có đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi quản lý LLTP bao gồm cả các hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, quyết định xử phạt vi phạm hành chính và một số biện pháp xử lý hành chính đặc biệt khác… Thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, các loại quyết định nêu trên hiện do nhiều cơ quan áp dụng với nhiều mức độ và hình thức xử lý khác nhau, với số lượng rất lớn, nên việc theo dõi, cập nhật, quản lý các thông tin này trong phạm vi cả nước là chưa thể thực hiện được. Mặt khác, thực tế yêu cầu cấp phiếu LLTP thời gian qua cũng chỉ bao gồm những thông tin về án tích và tình trạng thi hành án nên việc quy định cập nhật, xử lý các thông tin về xử lý kỷ luật và xử lý vi phạm hành chính của cá nhân vào LLTP như án tích hình sự là điều mà các đại biểu cho rằng cần được cân nhắc để không ảnh hưởng quyền nhân thân của công dân.

Đối với các trường hợp bị truy nã, đình chỉ truy nã thì quá trình theo dõi các thông tin này hiện do cơ quan điều tra thực hiện và mục đích là phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm nên không cần bổ sung nội dung này vào phạm vi quản lý LLTP.

Bổ sung thêm ý kiến trong trường hợp này, ông Trần Thế Vượng - Trưởng Ban Dân nguyện lưu ý, cơ quan có thẩm quyền khi cấp phiếu LLTP không nên làm lộ thông tin về công dân đã từng có án tích nhưng đã được xóa án tích, nhằm tránh xâm phạm đời tư của công dân.

Về cơ quan quản lý LLTP, các đại biểu cho rằng, việc Chính phủ giao Bộ Tư pháp giữ chức năng quản lý nhà nước về LLTP, các Sở Tư pháp có nhiệm vụ cấp phiếu LLTP là phù hợp, bảo đảm tính kế thừa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu cấp phiếu LLTP.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ