Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc (ĐHĐBLSTQ) lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ 10-12/5 tới, với việc thành lập Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam. Sự kiện này được đánh giá là bước ngoặt quan trọng trong việc đổi mới về tổ chức, hoạt động LS, khẳng định vị trí, vai trò của LS trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Để hiểu thêm về Đại hội và LĐLS, PLVN đã có cuộc trao đổi với LS.Nguyễn Thanh Bình – Chánh văn phòng Hội đồng lâm thời LS toàn quốc.
LĐLS sẽ lãnh đạo bằng phương pháp thuyết phục
PV: Xin ông cho biết, mối quan hệ giữa các LS và ĐLS sẽ được giải quyết như thế nào khi các LS và ĐLS trên cả nước đều là thành viên của LĐLS?
LS.Nguyễn Thanh Bình: Tuy cùng là thành viên của LĐLS nhưng LS là thành viên cá nhân, còn ĐLS là thành viên tổ chức nên tư cách thành viên của ĐLS và LS cũng có những điểm khác nhau theo qui định trong Điều lệ LĐLS. Song ở địa phương, LS và ĐLS vẫn giữ nguyên mối quan hệ giữa thành viên và tổ chức xã hội nghề nghiệp. Vì thế, không có vấn đề gì khiến thay đổi bản chất mối quan hệ giữa LS và ĐLS sau khi LĐLS được thành lập.
PV: LĐLS có phải là “cấp trên” của ĐLS hay không?
LS.Nguyễn Thanh Bình: Về hình thức, LĐLS không phải là “cấp trên” của ĐLS, nhưng thực chất LĐLS là cơ quan TƯ của các ĐLS, với quyền hạn, trách nhiệm được qui định trong Luật LS và Điều lệ LĐLS. LĐLS sẽ có sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất định đối với các ĐLS nhưng không thông qua mệnh lệnh hành chính, mà bằng phương thức vận động, thuyết phục để các ĐLS tự giác thực hiện các nghĩa vụ, các hoạt động cần thiết.
PV: LĐLS sẽ đóng vai trò như thế nào trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khi quản lý hoạt động LS?
LS.Nguyễn Thanh Bình: Đó sẽ là sự phối hợp giữa tính tự quản của LĐLS và hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan chức năng. LĐLS sẽ đại diện cho giới LS cả nước khi đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng về các giải pháp đảm bảo thuận lợi cho hoạt động của LS, phát huy được vai trò của giới LS.
LS được tự ứng cứ vào HĐLS
PV: Để trở thành thành viên HĐLS, các LS có được tự ứng cử và phải có những điều kiện nào?
LS.Nguyễn Thanh Bình: Vì đây là lần Đại hội đầu tiên nên HĐLT đã đưa ra danh sách dự kiến bầu vào HĐLS để các Đoàn và tổ đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Hiện danh sách đã có 58 ứng cử viên do có 1 LS tự ứng cử (LS.Lê Minh Công thuộc ĐLS TP.Hà Nội) và nhiều LS được giới thiệu thêm. Dự kiến đến trước 20/4, danh sách này sẽ được hiệp thương để chốt lại còn khoảng 40 ứng cử viên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bầu cử thống nhất. Như vậy, các LS được tự ứng cử trước và trong Đại hội. Điều kiện (được qui định trong Quyết định 76/QĐ-TTg về phê duyệt đề án thành lập tổ chức LS toàn quốc) cũng không quá khắt khe. LS chỉ cần đủ tư cách đạo đức, am hiểu về nghề nghiệp LS, có thời gian tham gia hoạt động của LĐLS là có thể ứng cử. Để đảm bảo thời gian tham gia hoạt động, chúng tôi ưu tiên cho các LS ở Hà Nội, TP.HCM – nơi đặt trụ sở và văn phòng đại diện của LĐLS.
PV: Nhiệm kỳ của ĐLS và LĐLS có trùng nhau hay không? Nếu không trùng thì phải giải quyết vấn đề nhân sự như thế nào khi Chủ nhiệm ĐLS là thành viên đương nhiên của HĐLS?
LS.Nguyễn Thanh Bình: Nhiệm kỳ của ĐLS do Điều lệ của từng Đoàn qui định. Còn dự thảo Điều lệ LĐLS, nhiệm kỳ của LĐLS là 5 năm. Như vậy, sẽ có trường hợp nhiệm kỳ của ĐLS và LĐLS không trùng nhau. Trong trường hợp này, vấn đề nhân sự của HĐLS cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng. Nếu ĐLS có Chủ nhiệm mới sau Đại hội, Chủ nhiệm mới của ĐLS sẽ đương nhiên thay thế vị trí thành viên HĐLS của Chủ nhiệm trước đó.
Sẽ có qui định thể về điều kiện thành viên
PV: Tại sao các ĐLS có thể là thành viên tổ chức của LĐLS còn tổ chức hành nghề LS lại không?
LS.Nguyễn Thanh Bình: Vấn đề này cũng đã được đưa ra bàn luận nhiều trong quá trình xây dựng dự thảo Điều lệ LĐLS. Tuy nhiên, LĐLS là tổ chức xã hội nghề nghiệp toàn quốc của giới LS, ĐLS là tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới LS ở địa phương nên có thể là thành viên của LĐLS. Còn tổ chức hành nghề LS là nơi LS thực hành nghề nghiệp, không phải nơi sinh hoạt xã hội như ĐLS nên nếu LĐLS được thành lập với tư cách là Hiệp hội LS thì các tổ chức hành nghề LS mới có thể tham gia với tư cách thành viên được.
PV: Vừa là thành viên ĐLS, vừa là thành viên LĐLS, liệu việc đóng phí thành viên có khiến LS rơi vào tình trạng “một cổ hai tròng” không, thưa ông?
LS.Nguyễn Thanh Bình: Tất nhiên khi dự thảo các qui định về vấn đề này, chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều để tạo điều kiện thuận lợi cho LS thực hiện nghĩa vụ đóng phí thành viên. Theo dự thảo Điều lệ LĐLS, LS sẽ đóng cả hai loại phí 1 lần cho ĐLS. Căn cứ vào mức và hình thức đóng do Đại hội thông qua, ĐLS sẽ trích theo tỷ lệ hoặc mức phí cụ thể để đóng phí thành viên của LS cho LĐLS.
PV: Hiện có không ít LS là người nước ngoài hành nghề ở Việt Nam. Vậy họ có điều kiện để trở thành thành viên của LĐLS hay không?
LS.Nguyễn Thanh Bình: Luật LS cũng qui định rõ LS phải là công dân Việt Nam nên sau nhiều cân nhắc, chúng tôi thấy rằng chưa đến lúc để các LS là người nước ngoài có thể là thành viên của LĐLS.
PV: Còn công dân Việt Nam hành nghề LS ở nước ngoài có thể là thành viên đương nhiên của LĐLS như các LS hành nghề trong nước?
LS.Nguyễn Thanh Bình: Điều này còn chờ quyết định của Đại hội và HĐLS trong các qui định cụ thể về điều kiện trở thành thành viên của LĐLS.
PV: Những LS bị áp dụng hình thức kỷ luật khai trừ khỏi ĐLS thì tư cách thành viên LĐLS của họ được xử lý như thế nào?
LS.Nguyễn Thanh Bình: Về nguyên tắc xử lý thành viên cá nhân (LS) là do ĐLS quyết định. LĐLS chỉ là cấp giải quyết khiếu nại tiếp theo về những quyết định xử lý kỷ luật của ĐLS. Đối với những LS bị khai trừ khỏi ĐLS thì đương nhiên mất tư cách thành viên LĐLS.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.
Hương Giang