Nhiều điểm mới trong Luật Giáo dục sửa đổi

07/04/2009
Hiệu trưởng các trường phổ thông hoặc giám đốc Sở giáo dục và  Đào tạo có quyền lựa chọn sách giáo khoa (SGK) để sử dụng trong giảng dạy, học tập tại trường, địa phương mình; sinh viên các trường sư phạm được vay tín dụng ưu đãi thay vì được miễn học phí như trước đây... Đó là một trong nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung (Dự thảo) được Bộ Giáo dục và Đào tạo – cơ quan chủ trì xây dựng Luật này đưa ra lấy ý kiến các cơ quan liên quan mới đây.

Theo Dự thảo, thay vì chỉ có một bộ SGK dùng thống nhất trong cả nước như hiện nay, tới đây, sẽ có nhiều bộ SGK để hiệu trưởng các trường phổ thông hoặc giám đốc Sở giáo dục và  Đào tạo lựa chọn. Tuy nhiên, Dự thảo cũng quy định rõ, SGK muốn được đưa vào sử dụng trong giảng dạy và học tập, trước hết phải được Hội đồng quốc gia thẩm định, sau đó phải được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Thời gian đào tạo trình độ tiến sỹ quy định ”cứng” hơn. Theo đó, thời gian đào tạo tiến sỹ đối với người có trình độ thạc sỹ là ba năm, trừ trường hợp đặc biệt được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định (hiện, quy định này là từ hai đến ba năm). Cũng theo Dự thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ cho các trường đại học, cao đẳng (theo Luật Giáo dục hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc này).

Một điểm mới nữa của Dự thảo: “học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm được hưởng tín dụng ưu đãi; được ưu tiên trong việc xét cấp học bổng, trợ cấp xã hội theo quy định; khi ra trường nếu làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân thì không phải hoàn trả khoản tín dụng đã sử dụng để chi trả học phí”. Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa ra quy định mới này nhằm khắc phục thực trạng nhiều sinh viên các trường sư phạm, khoa sư phạm khi học thì được miễn học phí nhưng khi ra trường lại không làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

            Dự kiến, Quốc hội khoá 12 sẽ thông qua Luật  Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trong năm nay.

Khánh Ngọc