Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) - tạo điều kiện thuận lợi cho lưu chuyển hàng hoá trong khu vực

02/04/2009
Với mục tiêu dỡ bỏ các rào cản để tạo điều kiện thuận lợi về lưu chuyển hàng hoá trong nội khối ASEAN, tại Hội nghị Hội đồng AFTA lần thứ 21 và Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 39, các nước ASEAN đã quyết định xây dựng một hiệp định điều chỉnh toàn diện tất cả các lĩnh vực về thương mại hàng hoá trong ASEAN, Hiệp định này thay thế Hiệp định chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung để thực hiện Khu vực thương mại tự do ASEAN (CEPT/AFTA) đã ký năm 1992. Việc xây dựng hiệp định toàn diện về thương mại hàng hoá cũng nhằm thực hiện mục tiêu chung của Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 mà trong đó tự do hoá đầu tư và thương mại được xác định là một trong những yếu tố quan trọng cơ bản.

Hiệp định CEPT/AFTA được ký năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1995, 2003) đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại nội khối ASEAN trong hơn 15 năm qua, đặc biệt là vai trò của nó trong tự do hoá lưu chuyển hàng hoá. Tuy nhiên, để tiến tới thiết lập một thị trường và cơ sở sản xuất đồng nhất để thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 thì với những quy định bất cập và số lượng nghị định thư sửa đổi, bổ sung quá nhiều, Hiệp định CEPT/AFTA tỏ ra không còn phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới. ATIGA được xây dựng theo nguyên tắc kế thừa quy định trước đây trong CEPT/AFTA đồng thời đưa vào những quy định phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại hàng hoá, chính vì vậy ATIGA ra đời đã được đáng giá là văn bản hoàn chỉnh điều chỉnh toàn diện tất cả các lĩnh vực về thương mại hàng hoá trong ASEAN, phù hợp với tầm nhìn của một cộng đồng kinh tế ASEAN năng động và đồng thời khẳng định quyết tâm của các thành viên ASEAN trong việc hướng tới mục tiêu cao nhất về hội nhập kinh tế của Cộng đồng kinh tế ASEAN bằng việc tạo ra một hành lang pháp lý cao nhất trong tự do hoá thuế quan trong khu vực.

Một số nội dung cơ bản của Hiệp định

Hiệp định gồm có 11 chương với 98 điều và các phụ lục về lộ trình tổng thể cắt giảm, xoá bỏ rào cản thuế quan, phi thuế quan của các thành viên kể từ khi Hiệp định có hiệu lực tới năm 2012 (linh hoạt đến năm 2018 đối với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam)) và các một số phụ lục khác. Các chương của Hiệp định bao gồm:

-         Chương 1: Những quy định chung;

-         Chương 2: Tự do hoá thuế quan;

-         Chương 3: Quy tắc xuất xứ;

-         Chương 4: Các biện pháp phi thuế quan;

-         Chương 5: Tạo thuận lợi cho thương mại;

-         Chương 6: Hải quan;

-         Chương 7: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp;

-         Chương 8: Kiểm dịch động thực vật;

-         Chương 9: Các biện pháp đền bù thương mại;

-         Chương 10: Các điều khoản về thể chế;

-         Chương 11: Các điều khoản cuối cùng.

Về nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN), theo quy định của ATIGA nguyên tắc này chỉ áp dụng trong lĩnh vực thuế quan, theo đó một nước thành viên ASEAN tham gia hiệp định thương mại tự do với một nước không phải là thành viên ASEAN có cam kết cắt giảm thuế quan nhanh hơn hay có ưu đãi hơn so với cam kết trong nội bộ ASEAN thì các nước thành viên ASEAN khác có quyền yêu cầu đàm phán để được hưởng ưu đãi đó. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc có cho hưởng ưu đãi đó hay không hay hưởng đến mức độ nào sẽ do nước ký kết đơn phương quyết định. Nếu nước ký kết đồng ý cho một nước thành viên ASEAN hưởng ưu đãi đó thì phải dành ưu đãi cho tất cả cho tất cả thành viên ASEAN còn lại.

Về cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN, nhằm minh bạch hoá các chính sách liên quan đến thương mại hàng hoá, Điều 13 quy định các thông tin thuộc cơ sở dữ liệu thương mại như các quy định, thủ tục hải quan, thủ tục hành chính, biểu thuế, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, danh sách thương nhân hợp pháp trong ASEAN… phải được công bố trên trang web của ASEAN. Điều này quy định Ban thư ký ASEAN là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng và cập nhật các cơ sở dữ liệu đó.

Về tự do hoá thuế quan, ngoài những quy định kế thừa về lộ trình cắt giảm thuế quan theo Hiệp định CEPT/AFTA  và các Nghị định thư sửa đổi bổ sung (các nước ASEAN 6 gồm Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Thái lan sẽ xoá bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2010, các nước CLMV vào năm 2015 với một số linh hoạt đến năm 2018), ATIGA quy định cụ thể hơn dòng thuế được linh hoạt lùi thời hạn xoá bỏ đến năm 2018 đối với các nước CLMV là 7% số dòng thuế thuộc danh mục cắt giảm và các nước này cũng được lùi thời hạn công bố lộ trình xoá bỏ thuế quan tổng thể thêm 6 tháng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. ATIGA quy định trong trường hợp gặp khó khăn đột xuất hay đặc biệt các nước thành viên có quyền điều chỉnh hoặc ngừng cam kết thực hiện nghĩa vụ cắt giảm, xoá bỏ thuế quan tại Điều 19. Các nước thành viên khác có quyền yêu cầu tham vấn hay đàm phán với nước có điều chỉnh hay tạm ngừng cam kết thực hiện nghĩa vụ, tuy nhiên yêu cầu đền bù chỉ được đặt ra với các nước có quyền lợi cung cấp đáng kể (là nước đạt mức xuất khẩu bình quân trong ba năm bằng 20% tổng nhập khẩu mặt hàng liên quan từ ASEAN vào thị trường nước yêu cầu điều chỉnh hay tạm ngừng cam kết thực hiện nghĩa vụ cắt giảm, xoá bỏ thuế quan) và nếu yêu cầu đền bù trong trường hợp này không được đáp ứng thì nước có quyền lợi cung cấp đáng kể được quyền áp dụng biện pháp trả đũa ở mức độ tương đương thông qua ngừng hoặc điều chỉnh ưu đãi đối với nước đó. Quy định về nghĩa vụ hồi tố được tiếp tục kế thừa Hiệp định CEPT/AFTA, theo đó mỗi thành viên có nghĩa vụ ban hành văn bản pháp lý thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan từ ngày 01/01 hằng năm, trong trường hợp ban hành văn bản muộn hơn ngày 01/01 thì nước đó mặc nhiên phải chấp nhận áp dụng hồi tố từ ngày 01/01, quy định này nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ một cách công bằng mà không vì lý do khách quan hay chủ quan nào khác.

Về quy tắc xuất xứ, ATIGA kế thừa toàn bộ Bộ quy tắc xuất xứ đã được sửa đổi và quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Hiệp định CEPT/AFTA, ngoài tiêu chí xuất xứ thuần tuý, cộng gộp với 40% hàm lượng khu vực đã được quy định như trước đây, các quy định về chuyển đổi mã số thuế, quy tắc xuất xứ cụ thể (PSR) được quy định linh hoạt hơn nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc cam kết nội khối phải tương đương hoặc thuận lợi hơn so với cam kết dành cho các nước đối tác trong các khu vực mậu dịch tự do ASEAN cộng. ATIGA cũng quy định về việc thành lập Tiểu ban về Quy tắc xuất xứ chịu trách nhiệm đám phán và giám sát việc thực thi các cam kết về Quy tắc xuất xứ trong ATIGA.

Về các biện pháp phi thuế quan, được quy định tại Chương 4, theo đó các nước còn áp dụng hạn ngạch thuế quan sẽ dỡ bỏ TRQ (hạn ngạch thuế quan) theo ba gói thống nhất với Chương trình làm việc về xoá bỏ hàng rào phi thuế quan. Các nước thành viên ASEAN sẽ xoá bỏ hàng rào phi thuế quan theo ba gói với thời gian quy định cụ thể tại Điều 42 của Hiệp định: Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái lan sẽ xoá bỏ lần lượt vào các năm 2008, 2009 và 2010; Philippines xoá bỏ lần lượt vào các năm 2010, 2011, 2012; các nước CLMV xoá bỏ lần lượt vào các năm 2013, 2014, 2015, có linh hoạt tới năm 2018.

Về quy định thể chế, kế thừa quy định của Hiệp định CEPT/AFTA, ATIGA quy định Hội đồng AFTA là cơ quan giám sát thực hiện Hiệp định. Thành viên của Hội đồng AFTA gồm cấp Bộ trưởng của quốc gia thành viên và Tổng thư ký ASEAN. Điều 10 cũng quy định Hội nghị các quan chức kinh tế cấp cao ASEAN (SEOM) giúp việc cho Hội đồng AFTA thông qua Uỷ ban điều phối thực hiện Hiệp định ATIGA và các cơ quan chuyên trách khác. Ở mỗi nước thành viên thành lập một cơ quan AFTA quốc gia làm đầu mối giám sát các vấn đề trong quá trình thực hiện Hiệp định.

Ngoài những nội dung cơ bản nêu trên, ATIGA còn có một số quy định khác về ngoại lệ chung, ngoại lệ an ninh, tạo thuận lợi cho thương mại, biện pháp đền bù thương mại, mối liên hệ giữa ATIGA với các hiệp định khác…vv.

Việt Nam cùng chung quan điểm với các nước thành viên ASEAN khác trong việc tạo ra một thể chế nhằm đẩy mạnh tự do hoá lưu chuyển hàng hoá nhằm thúc đẩy thương mại hàng hoá trong ASEAN, do vậy Việt Nam luôn tích cực tham gia trong cả quá trình đàm phán, soạn thảo Hiệp định, với những linh hoạt dành cho các nước CLMV trong ATIGA hi vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội để có chiến lược kinh doanh phù hợp cho doanh nghiệp mình. ASEAN là thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, do vậy với việc tham gia ATIGA chắc chắn sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều thuận lợi trong chính sách phát triển thương mại hàng hoá. Cùng với việc tham gia ATIGA, Việt Nam cũng là một bên trong Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (gọi tắt là ACIA) không những sẽ góp phần nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực mà còn từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trong các diễn đàn kinh tế quốc tế.

TTT