Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù nói chung là việc một quốc gia thực hiện chuyển giao người nước ngoài phạm tội đã bị toà án của quốc gia đó kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật về nước mà người bị kết án là công dân hoặc một nước khác đồng ý tiếp nhận để tiếp tục thi hành bản án. Luật Tương trợ tư pháp ra đời và có hiệu lực 01/7/2008 với một chương riêng (chương V) từ Điều 49 đến Điều 60 chứa đựng các quy định về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục, chi phí trong chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù trở thành văn bản pháp lý đầu tiên tạo cơ sở cho việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
1. Lợi ích của việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù
Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù mang lại lợi ích cho cả ba bên: nước chuyển giao, nước nhận chuyển giao và người bị kết án. Trước hết, đối với người bị kết án phạt tù, họ phải chịu hình phạt với rào cản về ngôn ngữ và văn hoá, điều đó sẽ có thể làm giảm khả năng cải tạo của họ. Việc chuyển giao sẽ tạo các lợi ích về vật chất và tinh thần như môi trường xã hội, điều kiện sống, điều kiện thăm nom, động viên của người thân và bạn bè,… làm cho họ tích cực cải tạo, sửa chữa sai lầm. Việc chuyển giao người bị kết án về quê hương của họ cũng làm giảm gánh nặng về tài chính và tình cảm cho gia đình và giảm nhu cầu cần sự trợ giúp lãnh sự đối với công dân bị kết án ở nước ngoài. Nâng cao cơ hội cải tạo cho người được chuyển giao thông qua việc tiếp cận với chương trình giáo dục, làm việc và cải tạo cũng như sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng. Đối với nước chuyển giao, việc chuyển giao làm giảm các chi phí nhà nước đó bỏ ra trong quá trình giam giữ, cải tạo người đó. Đối với nước nhận chuyển giao, việc chuyển giao cho phép nước nhận sẽ giám sát họ khi được tha và dần dần giúp tù nhân tái hoà nhập cộng đồng. Thực chất, việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù không phải là giải pháp khoan dung hơn cho người bị kết án. Mục đích của nó là thi hành hình phạt ở nước bị kết án trong môi trường cải tạo tốt hơn.
2. Căn cứ chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù
Điều 49, khoản 2 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 (sau đây gọi tắt là Luật) quy định:
“Việc chuyển giao được thực hiện căn cứ vào điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khi có yêu cầu của người đang chấp hành hình phạt tù hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao hoặc nước tiếp nhận; trường hợp chưa có điều ước quốc tế liên quan đến việc chuyển giao thì việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo thoả thuận trực tiếp giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước liên quan trên cơ sở quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế”.
Từ quy định trên có thể thấy có thể dựa trên hai căn cứ để thực hiện việc chuyển giao là (1) điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc (2) thoả thuận trực tiếp giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước liên quan (trường hợp chưa có điều ước quốc tế liên quan đến việc chuyển giao) nhưng phải tuân theo các quy định Luật Tương trợ tư pháp và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã ký Hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với Hungari năm 1985 (chương III); Cộng hoà Ba Lan năm 1993 (chương IV); và đang tiến hành các thủ tục ký kết với Australia, Anh, Thái Lan, Hàn Quốc. Chủ thể có thể đưa ra yêu cầu chuyển giao là: (1)Người đang chấp hành hình phạt tù, (2) Cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao (nước nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù), (3)Cơ quan có thẩm quyền của nước nhận chuyển giao.
3. Điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù
Điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù được quy định cụ thể tại Điều 50 của Luật và chia làm hai trường hợp: Điều kiện đối với người đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài được tiếp nhận về Việt Nam và điều kiện đối với người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam được chuyển giao cho nước ngoài.
a.Đối với người đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài có thể được tiếp nhận về Việt Nam để thi hành hình phạt tù khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam: Điều 5 Luật quốc tịch năm 2008 quy định: Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam. Người có có quốc tịch Việt Nam theo Điều 13 Luật này, là: (1) Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này. (2) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
Trước đây, dự thảo Luật có quy định điều kiện đầu tiên là người đó phải là công dân Việt Nam và thông thạo tiếng Việt. Tuy nhiên, sau đó đã bỏ quy định thông thạo tiếng Việt xuất phát từ thực tế, nhiều người là công dân Việt Nam nhưng sinh sống ở nước ngoài nhiều năm, ít có cơ hội sử dụng tiếng mẹ đẻ, không thể bắt họ phải thông thạo tiếng Việt.
- Có nơi thường trú cuối cùng ở Việt Nam: Luật quy định điều kiện có nơi thường trú cuối cùng ở Việt Nam là điều kiện bắt buộc. Điều 12 Luật Cư trú quy định: Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
- Hành vi phạm tội mà người đó bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam: Thực chất điều kiện này là cụ thể hoá nguyên tắc tội phạm kép. Thực tế là các nước trên thế giới đều nỗ lực đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng mỗi nước lại có sự khác biệt về văn hoá, kinh nghiệm lập pháp và sự khác biệt trong cách nhìn nhận về mỗi tội danh. Do vậy, Luật quy định hành vi phạm tội mà người đó bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của Việt Nam nghĩa là hành vi đó cũng được coi là tội phạm hình sự nhưng không nhất thiết là phải giống mội tội phạm cụ thể nào đó tương ứng ở Việt Nam.
- Vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành hình phạt tù phải còn ít nhất là một năm; trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này còn ít nhất là sáu tháng: Trong quy định về dẫn độ, Luật quy định thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất là sáu tháng. Đối với chuyển giao, thời hạn còn lại là 1 năm, trong trường hợp đặc bịêt là 6 tháng. Luật chưa quy định rõ trong những trường hợp nào được coi là trường hợp đặc biệt. Thời hạn chưa chấp hành hình phạt tù còn lại tính từ thời điểm nhận đựơc yêu cầu chuyển giao từ một trong các bên: nước chuyển giao, nước nhận chuyển giao hoặc người đang chấp hành hình phạt tù. Việc quy định thời hạn nhằm bảo đảm thời gian tiếp tục chấp hành án phạt tù tại Việt Nam vẫn có ý nghĩa giáo dục, cải tạo người đó, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng. Quy định này cũng phù hợp với các điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế.
- Bản án đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó tại nước chuyển giao: Quy định này có nghĩa là bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành và không còn thủ tục liên quan đến việc phúc thẩm hoặc xem xét lại bản án của toà án đã tuyên theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm.
- Có sự đồng ý của nước chuyển giao: Việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù về Việt Nam phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao.
- Có sự đồng ý của người được chuyển giao: Có sự đồng ý của người được chuyển giao thể hiện thông qua văn bản thể hiện nguyện vọng của người đang chấp hành hình phạt tù tại nước ngoài đối với việc chuyển giao đó. Việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù thường xuất phát từ mục đích nhân đạo đối với người bị kết án, tạo những lợi ích nhất định để họ cải tạo tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người đó không muốn được chuyển giao về nước mình mang quốc tịch vì xấu hổ, mặc cảm, tai tiếng đối với bạn bè, người thân về tội mà họ phạm phải ở nước ngoài… Do vậy, Luật quy định trong mọi trường hợp phải có sự đồng ý của người được chuyển giao. Đây là một điểm khác biệt cơ bản để phân biệt “dẫn độ” và “chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù”. Dẫn độ thể hiện chủ quyền quốc gia không phụ thuộc vào người phạm tội bị kết án có đồng ý hay không. Ngoài ra, hai chế định này còn có điểm khác nhau ở chỗ, trong chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, người chuyển giao là người phạm tội và bị kết án trên nước chuyển giao, sau đó chuyển về quốc gia mà người đó mang quốc tịch hoặc có quan hệ cộng đồng để tiếp tục thi hành bản án đã tuyên đối với họ. Còn dẫn độ là trường hợp một người phạm tội ở một nước, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bỏ trốn sang nước khác nên quốc gia này yêu cầu quốc gia kia dẫn độ người đó về để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành bản án hình sự đã có hiệu lực đối với người đó.
Điều kiện này thường được quy định là điều kiện bắt buộc trong pháp luật quốc tế và pháp luật các nước. Ngoài ra, theo Nghị định thư bổ sung Công ước năm 1993 của Cộng đồng châu âu về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù (Additional Protocol to the Convention on the Transfer of Sentenced Persons) kí ngày 18/12/1997 thì việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù không nhất thiết phải có sự đồng ý của người được chuyển giao nếu:
- Có lệnh trục xuất có hiệu lực đối với người đang chấp hành hình phạt tù tại nước bị kết án, người bị kết án sẽ bị chuyển giao về quốc gia gốc (country of origin) để họ tiếp tục thi hành hình phạt;
- Người bị kết án bỏ trốn từ quốc gia bị kết án đến quốc gia gốc để lẩn tránh việc thi hành hình phạt đã tuyên đối với họ, quốc gia gốc (country of origin) phải thi hành hình phạt thay mặt quốc gia kết án.
Trong cả hai trường hợp nói trên phải có sự đồng ý của quốc gia nhận chuyển giao.
b.Đối với người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam chuyển giao cho nước ngoài: về cơ bản phải có điều kiện như đối với người đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài tiếp nhận về Việt Nam. Ngoài ra, còn phải thoả mãn điều kiện:
- Là công dân của nước tiếp nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn hoặc có người thân thích tại nước tiếp nhận chuyển giao; người được chuyển giao phải đưa ra các tài liệu để chứng minh mình là công dân của nước tiếp nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn hoặc có người thân thích tại nước tiếp nhận chuyển giao.
Vậy, thế nào là người thân thích, đối tượng nào được coi là người thân thích của người đang chấp hành hình phạt tù? Những người là cha mẹ nuôi có được coi là người thân thích hay chỉ có những người có quan hệ máu mủ ruột thịt mới được coi là người thân thích? Luật Tương trợ tư pháp không chỉ ra những đối tượng nào được coi là người thân thích. Tuy nhiên, có thể xem xét hai cơ sở sau:
(1)Người thân thích của người được giám hộ theo quy định tại Điều 59, khoản 1 Bộ luật dân sự năm 2005 là những người sau: “Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác, chú, cậu, cô, dì của người được giám hộ”.
(2)Ngoài ra, Người thân thích của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị can, bị cáo theo quy định tại Mục II.4.B Nghị Quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 là những người sau:
“Người thân thích của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị can, bị cáo là người có quan hệ sau đây với một trong những người này:
* Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi;
* Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột;
* Là cụ nội, cụ ngoại của một trong những người trên đây; là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; là cháu ruột mà họ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột”.
Về điều kiện này, pháp luật Úc quy định:
Người đang chấp hành hình phạt tù đang ở Úc có thể nộp đơn chuyển giao tiếp tục thi hành án từ Úc sang một nước khác nếu họ: (1) là công dân nước ngoài (2) có mối liên hệ cộng đồng với nước ngoài. Người đang chấp hành hình phạt tù có thể đề nghị chuyển giao sang Úc nếu (1) người bị kết án phạt tù là công dân Úc (2) được phép cư trú ở Úc theo Đạo luật di cư năm 1958 và có mối liên hệ cộng đồng với Nhà nước hoặc lãnh thổ Úc. Mối liên hệ cộng đồng giữa người đang chấp hành hình phạt tù với nước nhận chuyển giao hoặc nước ngoài nếu: (1) người đang chấp hành hình phạt tù trước khi bỏ tù đã sinh sống ở nước đó hoặc lãnh thổ đó (2) người đang chấp hành hình phạt tù có vợ hoặc chồng (bao gồm cả vợ hoặc chồng trên thực tế), bố, mẹ, ông bà hoặc con cái sống ở nước đó (3) có một người bạn thân thiết sống ở nước đó hoặc có mối liên hệ thường xuyên với người đó.
- Người đó đã thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự, hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu tài sản và các trách nhiệm pháp lý khác trong bản án: Có nghĩa là nếu trong bản án hình sự do Toà án Việt Nam tuyên đối với người đó ngoài hình phạt chính là hình phạt tù còn chứa các hình phạt bổ sung như hình phạt tiền, tịch thu tài sản và các trách nhiệm pháp lý khác (trách nhiệm dân sự) thì chỉ có thể thực hiện được việc chuyển giao khi người đó đã hoàn thành trách nhiệm của mình đối với các nghĩa vụ đó. Quy định này nhằm bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân Việt Nam do hành vi phạm tội của người đó mang lại.
Từ chối chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù
Mặc dù người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 50 của Luật về chuyển giao ra nước ngoài nhưng cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định tại Điều 51 của Luật vẫn có thể từ chối việc chuyển giao người đó nếu:
1. Khi có căn cứ cho rằng người được chuyển giao có thể bị tra tấn, trả thù hoặc truy bức tại nước tiếp nhận chuyển giao;
2. Việc chuyển giao có thể phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam.
Dương Thị Bích Đào - Vụ Pháp luật quốc tế