Tiếp tục chương trình làm việc, hôm qua Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và sửa đổi bổ sung Điều 121 của Luật Đất đai; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.
Cư trú từ 3 tháng trở lên sẽ được mua nhà.
Sau nhiều lần đưa ra thảo luận lấy ý kiến tại các kỳ họp của Quốc hội cũng như Thường vụ Quốc hội, dự thảo mới đây nhất do Chính phủ trình Quốc hội đã có những thay đổi đáng kể trong việc quy định các đối tượng được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Cụ thể phân định người Việt Nam định cư ở nước ngoài nói chung thành 2 dạng là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam (vẫn là công dân Việt Nam), nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép cư trú tại Việt Nam từ 03 tháng trở lên thì cho phép đối tượng này có quyền sở hữu nhà để ở tại Việt Nam;
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam (theo quy định của Luật Quốc tịch năm 2008) nếu được phép cư trú tại Việt Nam từ 03 tháng trở lên và thuộc các diện: về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công với đất nước; nhà văn hoá, nhà khoa học, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam ở trong nước thì cũng được sở hữu nhà để ở tại Việt Nam;
Đối với người gốc Việt Nam không thuộc đối tượng thứ hai nêu trên, nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 03 tháng trở lên thì được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư.
Việc tách đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trên đồng thời bổ sung thêm một số đối tượng: người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước là dựa trên cơ sở quy định của Luật Quốc tịch năm 2008, kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành và để bảo đảm sự hài hoà, hợp lý trong vấn đề sở hữu nhà ở giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài với cá nhân nước ngoài quy định tại Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội.
Ngoài ra dự thảo mới nhất cũng quy định việc mua nhà chỉ được sử dụng nhà vào mục đích để ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Quy định này nhằm loại trừ những đối tượng phản động, chống phá đất nước khỏi diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, vì diện này sẽ không được phép nhập cảnh vào Việt Nam, đồng thời cũng phân biệt với hoạt động kinh doanh nhà ở theo pháp luật về kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, quy định này cũng sẽ tạo điều kiện để những người có nhu cầu thực sự về nhà ở được mua nhà khi về nước làm ăn, sinh sống.
Không nên quy định “cứng” về mức chỉ định thầu
Thủ tục hành chính (TTHC) trong đầu tư xây dựng cơ bản luôn là vấn đề số một của các nhà đầu tư hi mà thực tế vấn đề này đang là “rào cản” cho phát triển kinh tế. Sự phiền hà, phức tạp nhiều khi không phải do các Bộ, ngành địa phương tự ý “đẻ” ra mà do các văn bản luật không thống nhất (hiện nay TTHC đang được quy định ở nhiều văn bản khác nhau dẫn đến sự mâu thuẫn, chồng chéo).
Theo tờ trình của Chính phủ gửi UBTVQH, thì Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sẽ tập trung vào những vấn đề nhiều bức xúc trong các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản bao gồm các Luật: Xây dựng, đầu tư, đấu thầu, Doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, Đất đai, Bảo vệ môi trường, Phòng cháy chữa cháy và Nghị quyết 66 của Quốc hội.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, phạm vi nói trên là quá rộng. Luật này chỉ nên gói gọn trong những vấn đề thực sự bức xúc. Đồng tình với ông Thuận, ông Trần Thế Vượng đề nghị: cần có một tổng kết về thực tế áp dụng các luật nói trên trong đầu tư xây dựng cơ bản. Ông Vượng cũng cho rằng nếu chỉ sửa những vấn đề bức xúc nhất còn lại không sửa thì các văn bản luật sẽ trở nên phân tán. Khi đó, từng luật sẽ lại phải sửa đổi bổ sung thì sẽ rất mất thời gian, tốn kém.
Trong số các luật được đề xuất sửa đổi, Luật Đấu thầu được quan tâm nhiều hơn cả bởi lẽ thời gian qua những vướng mắc về thủ tục đấu thầu là rất phổ biến. Hiện nay, theo quy định hiện hành, chỉ định thầu được thực hiện trong trường hợp gói thầu dịch vụ tư vấn có giá dưới 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá gói thầu dưới 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trước tình hình biến động giá thời gian qua quy định cứng về mức chỉ định thầu là không còn phù hợp với sự trượt giá. Mặt khác, trong tình hình quy giảm kinh tế như hiện nay thì một số trường hợp cần chỉ định thầu (vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, các công trình có ý nghĩa đặc biệt phát triển kinh tế xã hội…). Vì vậy, Dự thảo Luật nên giao Chính phủ quy định để phù hợp với từng thời kỳ đảm bảo sự linh hoạt trong chỉ định thầu.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đấu thấu nhằm công khai, minh bạch, chống thất thoát trong đầu tư. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch đầu tư, thời gian qua tình trạng xin chỉ định thầu khá tràn lan. Quy định hạn mức chỉ định thầu mặc dù có thể chưa phù hợp nhưng hạn chế tình trạng này.
Thu Hằng
Nhiều ý kiến cho rằng trước tình hình biến động giá thời gian qua thì quy định cứng về mức chỉ định thầu là không còn phù hợp. Mặt khác, trong tình hình quy giảm kinh tế như hiện nay một số trường hợp cần chỉ định thầu (vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, các công trình có ý nghĩa đặc biệt phát triển kinh tế xã hội…nơi có ít nhà thầu) là cần thiết. Vì vậy, Dự thảo Luật nên giao Chính phủ quy định để phù hợp với từng thời kỳ đảm bảo sự linh hoạt trong chỉ định thầu. |