Đoàn Luật sư (ĐLS) TP.Hà Nội (với hơn 1.200 thành viên) là ĐLS lớn thứ hai trên toàn quốc (sau ĐLS TP.HCM), lại đóng trên địa bàn Thủ đô nên góp phần khá quan trọng trong quá trình phát triển của đội ngũ và nghề LS ở nước ta, cũng như quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc (Đại hội) lần thứ nhất. Vì vậy, PLVN đã trao đổi cùng LS.Nguyễn Chiến – Phó Chủ nhiệm ĐLS TP.Hà Nội về công tác nhân sự của Đại hội này.
PV: Theo ông, chức danh Chủ tịch của Liên đoàn Luật sư (LĐLS) nên được bầu theo cách thức và qui trình nào (trực tiếp tại Đại hội hay do Hội đồng luật sư toàn quốc (HĐLSTQ) bầu như qui định trong Đề án nhân sự Đại hội)?
LS.Nguyễn Chiến: Việc quy định cách thức và quy trình bầu chức danh Chủ tịch và các chức danh lãnh đạo khác của LĐLS trong Đề án nhân sự Đại hội dựa trên tính chất đặc thù của LĐLS là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hiện có hơn 5.000 LS thành viên cùng các ĐLS thành viên và sẽ tiếp tục phát triển. Thực tế, các tổ chức có đông thành viên cũng đều áp dụng qui trình và cách thức bầu cử như vậy. Điều đó chứng tỏ đây là qui trình bầu cử phù hợp và có hiệu quả.
Được tổ chức dưới hình thức Đại hội đại biểu nên đại biểu tham dự Đại hội của LĐLS phải là những LS tiêu biểu, được lựa chọn từ các ĐLS địa phương bằng một qui trình thống nhất, chặt chẽ và dân chủ (qua Đại hội ĐLS). Các đại biểu được chọn sẽ đại diện cho thành viên các ĐLS bằng lá phiếu mang tính đại diện, dân chủ, công khai để bầu ra HĐLSTQ. Vì thế, HĐLSTQ gồm Chủ nhiệm của các ĐLS trong 61 tỉnh, thành và những LS tiêu biểu do Đại hội bầu ra sẽ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của giới LS tất cả các vùng miền trong cả nước. Vì vậy, việc HĐLSTQ bầu ra Chủ tịch LĐLS và Ban Thường vụ là phù hợp với tính chất đặc thù của tổ chức LĐLS ở nước ta hiện nay, đảm bảo tính đại diện, dân chủ.
Hơn nữa, nếu qui định để Đại hội bầu Chủ tịch LĐLS thì sẽ gặp nhiều khó khăn sau này. Vì nếu trường hợp Chủ tịch LĐLS không tiếp tục đảm nhận được vị trí giữa nhiệm kỳ thì các ĐLS lại phải tổ chức Đại hội để cử đại biểu đi dự Đại hội đại biểu LS toàn quốc. Điều đó sẽ gây ra nhiều phức tạp, tốn kém về tiền bạc, thời gian… cho các thành viên LĐLS. Do đó, với cơ chế bầu gián tiếp, trong những trường hợp cần bầu Chủ tịch thay thế giữa nhiệm kỳ thì chỉ cần tiến hành tại cuộc họp của HĐLSTQ. Như vậy, vừa đảm bảo tính đại diện, dân chủ, vừa đảm bảo thời gian, yêu cầu về người lãnh đạo một tổ chức xã hội – nghề nghiệp mang tầm quan trọng như LĐLS.
PV: Yêu cầu quan trọng nhất đối với các ứng cử viên cho chức danh Chủ tịch LĐLS theo ông là gì?
LS.Nguyễn Chiến: Tôi đồng tình với những tiêu chuẩn của ứng cử viên vào chức danh Chủ tịch LĐLS mà Đề án nhân sự Đại hội đưa ra. Xuất phát từ thực tiễn bản thân cũng đang giữ trọng trách lãnh đạo một ĐLS có đông thành viên nên tôi thấy, yếu tố uy tín, trách nhiệm và năng lực quản lý tầm vĩ mô sẽ rất cần thiết để một người có thể lãnh đạo một tổ chức xã hội – nghề nghiệp như LĐLS.
Việc trở thành thành viên, tham gia các hoạt động của LĐLS là tùy thuộc vào tính tự nguyện của mỗi thành viên. Vì thế, nếu người lãnh đạo không đủ uy tín thì khó có thể qui tụ được đội ngũ LS đông đảo cùng đứng chung trong một tổ chức hoạt động bằng nguyên tắc tự quản.
Bên cạnh đó, LĐLS là “ngôi nhà chung” của giới LS toàn quốc nên người lãnh đạo nhất thiết phải có năng lực quản lý tầm vĩ mô mới có thể điều hành, chỉ đạo hoạt động các ĐLS thống nhất trên nền tảng đặc thù của từng địa phương, trong khuôn khổ chính sách, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Và cũng xuất phát từ yếu tố tự nguyện, tự quản của LĐLS mà người lãnh đạo phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, nhiệt tình với các hoạt động của LĐLS để làm gương, thu hút các thành viên trong tổ chức.
PV: Ông có cho rằng cần phải quan tâm đến thâm niên hành nghề LS đối với những người ứng cử vào chức danh Chủ tịch và các Phó Chủ tịch của LĐLS hay không? Vì sao?
LS.Nguyễn Chiến: Ngoài những yêu cầu chung của một LS, thành viên HĐLSTQ, Ban Thường vụ, người lãnh đạo LĐLS phải đáp ứng những tiêu chuẩn riêng. Song theo tôi, người có thâm niên hành nghề LS dài hay ngắn không đồng nghĩa với năng lực quản lý tầm vĩ mô, khả năng điều hành, chỉ đạo hoạt động thống nhất các ĐLS phù hợp với đặc thù của từng địa phương, trong khuôn khổ chính sách, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Việc hiểu được toàn diện hoạt động và nghề LS không nhất thiết phải là người có thâm niên hành nghề LS, mà những người đã từng làm công tác pháp luật có tiếp xúc với LS và hoạt động LS cũng có thể hiểu nhiều về nghề LS. Điều này không có gì là mới mẻ trên thế giới bởi nhiều lãnh đạo của LĐLS hay ĐLS của nhiều quốc gia không phải là những người đã hành nghề LS lâu năm, mà họ được bầu là vì được đánh giá là am hiểu về LS, nghề LS, có năng lực quản lý ở tầm vĩ mô, có uy tín trong cộng đồng LS và giới tư pháp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hương Giang