Sở Tư pháp vừa có báo cáo kết quả tổ chức điều tra, khảo sát về tình hình thi hành pháp luật về lao động, việc làm năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Qua công tác điều tra, khảo sát cho thấy nhiều kết quả tích cực về tình hình thi hành pháp luật về lao động, việc làm tại địa phương.
Triển khai thực hiện kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 226/QĐ-UBND ngày 30/01/2023 của UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về lao động, việc làm thông qua hình thức phát phiếu khảo sát trực tiếp đối với người lao động thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa.
Việc khảo sát được thực hiện từ ngày 16/10/2023 đến ngày 27/10/2023 tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa), với 156 phiếu phát ra và thu về 156 phiếu (đạt 100%). Kết quả khảo sát như sau:
Đối với đánh giá về hồ sơ, thời gian quy định và công tác xét duyệt hồ sơ khi thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp: có 118/156 ý kiến (chiếm 76%) cho rằng hồ sơ thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp đơn giản, thành phần hồ sơ rõ ràng; 37/156 ý kiến nhận xét tiêu chí hồ sơ phù hợp, 01ý kiến đánh giá khó thực hiện. Có 53% ý kiến cho rằng quy định thời gian giải quyết hồ sơ là nhanh chóng, 40% đánh giá là phù hợp, 6% nhận xét thời gian xét duyệt hồ sơ còn dài. 97% ý kiến đánh giá công tác xét duyệt hồ sơ được thực hiện đúng quy định, đảm bảo thời gian, không gặp khó khăn, phiền hà.
Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, người lao động đánh giá quy trình, hồ sơ và thời gian giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp đơn giản, rõ ràng, phù hợp các tiêu chí đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về trợ cấp thất nghiệp và thuận tiện cho người lao động thực hiện; công tác xét duyệt hồ sơ được cơ quan quản lý chủ quản thực hiện đúng quy định, tạo điều kiện tốt cho người lao động.
Về mức trợ cấp thất nghiệp, có 115/156 ý kiến (khoảng 73%) đánh giá mức trợ cấp thất nghiệp hiện nay là phù hợp; khoảng 12% đánh giá là cao, 15% cho rằng trợ cấp vẫn ở mức thấp. Có 146/156 ý kiến (khoảng 94%) cho biết không có kiến nghị đối với mức trợ cấp thất nghiệp hiện hành; 6% ý kiến đề nghị tăng mức trợ cấp. Có 95% ý kiến nhận xét các phương thức chi trả trợ cấp thất nghiệp hiện nay rất thuận tiện cho người lao động.
Phần lớn người lao động đánh giá mức trợ cấp thất nghiệp hiện hành là phù hợp, phương thức chi trả thuận tiện, tuy nhiên, vẫn có một số ít cho rằng mức trợ cấp vẫn còn thấp, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản.
Về công tác hỗ trợ đào tạo nghề: có 92/156 ý kiến (khoảng 59%) cho biết chưa thực hiện hồ sơ đăng ký học nghề tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, 64/156 ý kiến (41%) cho biết đã được xét duyệt hỗ trợ học nghề và được cơ quan chủ quản hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong đào tạo nghề, các điều kiện hưởng hỗ trợ học nghề dễ đáp ứng; các chương trình, lớp dạy nghề đem lại hiệu quả và tính ứng dụng thực tiễn cao, trong số này có 43 người (67%) cho biết công việc gần nhất có liên quan tới ngành nghề được hỗ trợ đào tạo.
Về hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác hỗ trợ đào tạo nghề,
giới thiệu việc làm và trợ cấp thất nghiệp: có 125/156 ý kiến (khoảng 80%) đánh giá công tác hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan chủ quản hiện nay đạt chất lượng tốt; thủ tục, hồ sơ được hướng dẫn nhiệt tình, nhanh gọn, tư vấn đầy đủ, cụ thể. Quá trình người lao động thực hiện hồ sơ hầu như không gặp khó khăn (chiếm 62%), có 59 người lao động (38%) gặp khó khăn nhưng không đáng kể, có 51/59 người (86%) được cơ quan chủ quản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, hỗ trợ nhiệt tình. Có 100/156 ý kiến (khoảng 64%) cho biết thường xuyên hoặc thỉnh thoảng được mời tham dự các Hội nghị/Hội thảo/Chương trình giới thiệu/xúc tiến việc làm, trong đó có 82 ý kiến (82%) đánh giá các Hội nghị/Hội thảo/Chương trình giới thiệu việc làm đem lại hiệu quả cao, tạo được nhiều cơ hội việc làm cho người lao động cũng như giúp người sử dụng lao động tiếp cận được thị trường lao động nhanh nhất. Có 93/156 người lao động (60%) cho biết đã tìm được việc làm phù hợp nhu cầu thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa; trong đó, thời gian trung bình gắn bó công việc là 02 năm trở lên (chiếm 42%), từ 03 tháng đến dưới 02 năm (chiếm 44%) và dưới 03 tháng (chiếm 15%).
Phần lớn người lao động đánh giá cao công tác hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan chủ quản và công tác tạo cầu nối kết nối cung – cầu thị trường lao động hiện nay, đem lại các giá trị lao động bền vững.
Về thái độ công vụ và trình độ chuyên môn của công chức, viên chức
khi tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về lao động, việc làm: có 140/156 ý kiến (chiếm 90%) đánh giá thái độ lịch sự, hòa nhã, tận tình; 10% ý kiến đánh giá thái độ ở mức tạm được. có 75/156 ý kiến (khoảng 48%) đánh giá trình độ giải quyết công việc của nhân viên Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa tương đối nhanh, chính xác; có 71/156 ý kiến (khoảng 46%) đánh giá rất nhanh chóng, chuyên nghiệp.
Người lao động được khảo sát đánh giá thái độ công vụ và trình độ chuyên môn của công chức, viên chức khi tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về lao động, việc làm ở mức tốt, đem lại sự hài lòng cho công dân.
Qua tổng hợp kết quả phiếu khảo sát, người lao động có một số kiến nghị, đề xuất như tăng mức trợ cấp (cụ thể 3 triệu đồng/tháng) và tính mức hưởng trợ cấp theo lương cơ bản trung bình 01 năm (thay vì 06 tháng như hiện tại). Người lao động cũng mong muốn được hỗ trợ đào tạo nghề các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn; Nấu ăn, pha chế, làm bánh; Lái xe; Dược; Kỹ thuật viên spa, làm nail, trang điểm; Nghề mộc, điện lạnh, hàn – tiện. Bên cạnh đó, người lao động cũng đề xuất được đào tạo nghề chuyên sâu hơn (hiện nay chỉ đào tạo ở trình độ sơ cấp), chương trình học có khung giờ đa dạng hơn cũng như xem xét tổ chức thêm hình thức đào tạo trực tuyến; cơ quan nhà nước nên tổ chức lớp đào tạo kỹ năng mềm miễn phí (về xử lý tình huống, giao tiếp ứng xử…) cùng cơ hội thực hành trong thực tế; tổ chức nhiều hơn các Hội nghị/chương trình giới thiệu/xúc tiến việc làm, đa dạng hóa việc làm cũng như hình thức tổ chức (trực tiếp, trực tuyến) để nhiều thành phần lao động có thể tiếp cận được; đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông để người lao động nắm bắt được thông tin nhanh chóng và kịp thời.
Từ kết quả khảo sát cho thấy: hiện nay, các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục đăng ký trợ
cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề và đăng ký nhu cầu việc làm được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch. Công tác xét duyệt hồ sơ được thực hiện đúng quy định, tạo thuận lợi cho công dân. Người lao động được hướng dẫn, tư vấn đầy đủ, kịp thời, nhiệt tình và thường được mời tham dự các Hội nghị/chương trình giới thiệu/xúc tiến việc làm. Thái độ công vụ và trình độ chuyên môn của công chức, viên chức được đánh giá cao.