Với cách làm sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa phương miền Trung như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã thực sự phát huy hiệu quả, trở thành cầu nối đưa pháp luật vào đời sống.
Tập trung vào những vấn đề dư luận quan tâm
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại tỉnh Quảng Nam luôn được các cấp, ngành, các địa phương chú trọng.
Ông Đặng Văn Đào, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam chia sẻ, các hoạt động PBGDPL liên tục đổi mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, kết hợp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, bám sát chuyển động của tình hình an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Tính đến 30/10/2022, các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam đã tổ chức 25 cuộc tuyên truyền trực tiếp với 1.215 người tham dự; tiến hành cấp phát 11.540 tài liệu, tờ gấp; biên soạn, in 5.000 sổ tay tuyên truyền pháp luật lao động. Đồng thời tổ chức 75 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 8.172 lượt người tham dự.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân khẳng định, tỉnh luôn quan tâm bố trí kinh phí phục vụ cho công tác PBGDPL. Việc “mềm hóa” các văn bản pháp luật đã từng bước được chú trọng, nâng cao hiệu quả tuyên truyền và nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý Nhà nước.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phổ biến các chính sách được dư luận quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp, cấp bách đến đời sống người dân. Hội đồng Phối hợp PBGDPL sẽ mở rộng, ưu tiên địa bàn vùng sâu, vùng xa, đối tượng đặc thù, tránh trùng lắp, tăng cường tuyên truyền trong nhà trường. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tư pháp cùng các cơ quan thông tin tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tấn báo chí, mạng xã hội, ứng dụng Smart Quảng Nam.
Chú trọng tới các nhóm đối tượng đặc thù
Đối với Quảng Ngãi, các cơ quan chức năng thực hiện PBGDPL thông qua các cuộc hội nghị trực tiếp, sinh hoạt Ngày Pháp luật… ở đơn vị, khu dân cư; đồng thời còn cấp phát tài liệu tuyên truyền và tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ như: “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm” tại các trường THPT; “Phụ nữ với pháp luật”; “Thanh niên với pháp luật”, “Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở các địa phương”…
Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thông qua hoạt động như: tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các đối tượng đặc thù là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh của các huyện: Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Bình Sơn, TX Đức Phổ…
Tương tự, tại TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết địa phương có các cách thức phổ biến phù hợp với từng nhóm đối tượng đặc thù như: Người lao động trong doanh nghiệp, nạn nhân bị bạo lực gia đình, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, người bị phạt tù được hưởng án treo…
Theo đó, chủ yếu là phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức trao đổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề; tổ chức hội diễn văn nghệ, thông tin lưu động có lồng ghép PBGDPL tại các điểm du lịch biển hoặc tổ chức kết hợp các hoạt động sinh hoạt hè, hoạt động thanh niên tình nguyện; xây dựng pano, áp phích, phát miễn phí các tài liệu, tờ gấp pháp luật; kết hợp PBGDPL về biển với việc tổ chức các cuộc triển lãm về chủ đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam…
“Trong những năm qua, UBND thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố tổ chức phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội, đoàn thể tổ chức các lớp tuyên truyền, PBGDPL và cảm hóa, giúp đỡ cho hàng ngàn lượt thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, học sinh bỏ học. Đồng thời, tổ chức các buổi giáo dục pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống theo hướng dẫn Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BCA-BQP-BGDĐT ngày 06/02/2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc tổ chức dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, phổ biến thông tin thời sự, chính sách và thực hiện chế độ sinh hoạt, giải trí cho phạm nhân vào sáng Thứ Bảy hằng tuần cho thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật hiện đang chấp hành hình phạt tù tại trại tạm giam để giúp họ an tâm, phấn đấu học tập, lao động, tin tưởng vào chính sách pháp luật của Nhà nước và nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn tù” - Chủ tịch UBND TP thông tin.
https://baophapluat.vn/