Dấu ấn đậm nét trong phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương

07/11/2022
Dấu ấn đậm nét trong phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương
Năm 2022, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương chỉ đạo phối hợp với UBND các địa phương làm điểm tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam gồm: TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Nghệ An, Bắc Ninh và tổ chức sự kiện hưởng ứng tại Trường Cao đẳng Luật miền Bắc (Thái Nguyên).
Lan tỏa Ngày Pháp luật Việt Nam về cơ sở
10 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã không ngừng sáng tạo, đổi mới nội dung, phương pháp phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL, đảm bảo quyền và các điều kiện tiếp cận rộng rãi thông tin. Cụ thể, thành phố đã tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án lừa đảo qua mạng xã hội; tổ chức các “Kiot thông tin Đại đoàn kết” để tư vấn pháp luật cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và nhân dân; tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và Hội thi tìm hiểu Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thanh niên…
Tại tỉnh Nam Định, sau 10 năm triển khai thi hành Luật PBGDPL, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ngày càng được nâng cao, từng bước ngăn ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật.
Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp PBGDPL; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL; triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án PBGDPL gắn với nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, địa phương.
Còn tại Nghệ An, việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật là một trong những hình thức triển khai có hiệu quả, tạo được hiệu ứng tích cực, rộng rãi trong xã hội. Sau 10 năm, tỉnh đã tổ chức được 4.237 cuộc thi, thu hút 2.938.263 lượt người tham gia. Từ năm 2013 đến nay tỉnh đã tổ chức được 85.711 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các lớp tập huấn với 13.662.090 lượt người tham gia. Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã được lan tỏa sâu rộng hướng về cơ sở, nhất là địa bàn các bản người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo…
Hàng năm, VKSND, TAND đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hơn 300 phiên tòa xét xử lưu động các vụ án hình sự tại UBND cấp xã, trại giam. Các câu lạc bộ pháp luật được duy trì với nhiều loại hình và có hiệu quả cao như: “Phụ nữ với pháp luật”; “Phòng, chống bạo lực gia đình”; “Nông dân với pháp luật”; “Thanh niên tuần tra, giữ yên biên giới”, “Câu lạc bộ pháp luật trong trường học”...
Còn tại Bắc Ninh, thông qua việc triển khai Ngày Pháp luật, các cơ quan, đơn vị đã duy trì hình thức lồng ghép việc PBGDPL định kỳ tại các buổi họp cơ quan, đơn vị, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các câu lạc bộ. Cùng với đó là một số mô hình nổi bật như: Tuyên truyền tại các khu nhà trọ, tuyên truyền trong các giờ tan ca, qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ; các trang mạng xã hội zalo, facebook, đặc biệt là ở trên xe đưa đón công nhân lao động về nơi nghỉ và nơi làm việc…
Tìm hiểu pháp luật trở thành công việc tự thân của mỗi người
Để tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng trở thành chuẩn mực trong ứng xử của người dân, hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã có những chỉ đạo sát sao, thiết thực tại sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật ở các địa phương.
Tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị TP cần tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ chủ yếu như: Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ trưởng yêu cầu, việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam phải thiết thực, hiệu quả, xuất phát từ yêu cầu quản lý từng cấp, từng ngành ở địa phương. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng, công tác PBGDPL nói chung. Từ đó, tạo thói quen tìm hiểu pháp luật như là công việc hàng ngày, tự thân của mỗi người và của toàn xã hội để ngày 9/11 không chỉ là ngày tôn vinh luật pháp, người làm công tác pháp luật, mà còn đi vào tiềm thức của toàn thể nhân dân về tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Tại Nam Định, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường công tác PBGDPL tạo tiền đề để tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả. Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng mạnh về cơ sở, bảo đảm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, lấy quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân là mục tiêu phục vụ, là điểm xuất phát cũng là đích đến cao nhất của pháp luật, theo tinh thần “pháp luật không bỏ ai ở lại phía sau”.
Đồng thời, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ pháp lý phục vụ theo tinh thần cải cách hành chính, để hỗ trợ tối đa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đặc biệt là phát huy tinh thần chủ động, tích cực, tự giác trong học tập, tìm hiểu, thực hiện pháp luật của nhân dân; nhất là vai trò gương mẫu, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.
Tại tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khả thi các chủ trương, đường lối của Đảng, các nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Nhà nước cấp trên giao; tăng cường công tác PBGDPL tạo tiền đề để tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả… Đồng thời, tiếp tục xây dựng, duy trì, nâng cao chuẩn tiếp cận pháp luật cấp xã gắn với thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, bảo đảm thực chất, lấy kết quả thụ hưởng của nhân dân làm mục tiêu thực hiện theo tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Phát biểu chỉ đạo tại tỉnh Thái Nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật hiệu quả để ngày 9/11 dần trở thành ngày hội của toàn dân, tạo nét đẹp văn hóa “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ pháp lý theo tinh thần cải cách hành chính, cải cách tư pháp như luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, hộ tịch, trợ giúp pháp lý để giúp người dân, doanh nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình...
 

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc trao tặng 20 suất học bổng động viên, khích lệ các em học sinh nghèo vượt khó tỉnh Bắc Ninh.
 
Tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật của tỉnh Bắc Ninh, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu “Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại” đã đặt Bắc Ninh trước những cơ hội, thời cơ mới nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Bày tỏ tin tưởng tỉnh Bắc Ninh sẽ sớm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đã đề ra, Thứ trưởng mong muốn các cấp chính quyền và người dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác pháp luật và tư pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật đi cùng với nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được phố biến, tuyên truyền tới các tổ chức, người dân để cùng nhau thực hiện, giám sát thực hiện.

https://baophapluat.vn/