Chủ động cung cấp các thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng dịch vụ công

30/05/2022
Chủ động cung cấp các thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng dịch vụ công
Ở Trung ương, Bộ Tư pháp đã “vào cuộc” hết sức quyết liệt thì ở địa phương, các Sở Tư pháp cũng đã chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg. Nhờ đó, việc giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch tại địa phương đạt nhiều kết quả rất tích cực.
Đa số địa phương đã cung cấp dịch vụ công thiết yếu về hộ tịch
Theo Báo cáo của các Sở Tư pháp, đến nay, các địa phương đều đã thành lập Tổ công tác triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) do lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng ban, trong đó đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp là thành viên. Trên cơ sở những nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, Tổ công tác đã ban hành Kế hoạch hành động và Quy chế hoạt động của Tổ công tác. Đại diện các Tổ công tác của địa phương đã tham gia Hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ tại Đề án 06 do Văn phòng Chính phủ chủ trì. Với vai trò là thành viên của Tổ công tác, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch triển khai việc số hóa sổ hộ tịch, hỗ trợ các sở, ngành thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Quyết định số 06/QĐ-TTg.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, về cơ bản, các địa phương đã chủ động thực hiện cung cấp dịch vụ công (DVC) đối với 3 thủ tục hành chính (TTHC) thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch. Theo rà soát trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC cấp tỉnh tính đến ngày 25/5/2022, thực hiện tại cấp xã: Đăng ký khai sinh có 63/63 tỉnh đã triển khai, đăng ký khai tử có 49/63 tỉnh đã triển khai, đăng ký kết hôn có 39/63 tỉnh đã triển khai; thực hiện tại cấp huyện: Đăng ký khai sinh có 41/63 tỉnh đã triển khai; đăng ký khai tử có 37/63 tỉnh đã triển khai; đăng ký kết hôn có 23/63 tỉnh đã triển khai.
Đối với thành phố Hà Nội, đơn vị được lựa chọn thí điểm triển khai thực hiện Đề án 06/CP, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng và lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan đối với dự thảo Kế hoạch triển khai thí điểm Đề án 06/CP, đặc biệt là Quy trình tái cấu trúc 3 TTHC thiết yếu lĩnh vực Tư pháp (khai sinh - khai tử - kết hôn) thực hiện tại địa phương, đảm bảo việc kết nối với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung và Cổng DVC quốc gia.
Thời gian qua, thông qua Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung việc đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân tại các cơ quan đăng ký hộ tịch về cơ bản ổn định, đáp ứng yêu cầu của người dân. Về việc thực hiện kết nối liên thông giữa Cổng DVC/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 25/5/2022, đã có 49/63 tỉnh triển khai kết nối liên thông dữ liệu.
Cho đến nay, các địa phương đều đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - trợ cấp mai táng phí. Riêng thủ tục đăng ký thường trú và xóa đăng ký thường trú đang được thực hiện thủ công, do thẩm quyền đăng ký thường trú có thay đổi theo quy định của Luật Cư trú.
Tăng cường truyền thông về các DVC thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch
Có thể thấy, ngoài sự “vào cuộc” của Bộ Tư pháp thì Sở Tư pháp địa phương đã có sự chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, công tác đôn đốc, chỉ đạo được thực hiện tương đối quyết liệt, xuyên suốt, cơ bản. Mặc dù vậy, quá trình triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg cho thấy còn một số “điểm nghẽn” nhất định trong việc phối hợp.
Vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác tư pháp tại các địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các địa phương trong thời gian tới cần đẩy mạnh tăng cường quán triệt, truyền thông về ý nghĩa của Đề án 06, vai trò của dữ liệu hộ tịch và các DVC thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch, quán triệt trong và ngoài ngành về chức năng nhiệm vụ của cơ quan Tư pháp ở Trung ương và địa phương, không nhầm lẫn, nhận/giao nhiệm vụ không đúng chức năng. Chủ động trong việc thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin, kết quả triển khai Đề án 06 ở địa phương, chia sẻ, xin ý kiến kịp thời các đơn vị thuộc Bộ khi có vướng mắc phát sinh.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường chất lượng công tác đăng ký, thống kê hộ tịch; thường xuyên, chủ động rà soát, đối chiếu dữ liệu để bảo đảm tính thống nhất, chính xác của dữ liệu. Đẩy nhanh hoạt động số hóa sổ hộ tịch, bảo đảm tiến độ số hóa theo đúng thời hạn quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP.
Đặc biệt là khẩn trương bám sát việc triển khai thực hiện các Công văn chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, Công điện số 104/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là việc cung cấp các TTHC thiết yếu trên Cổng DVC/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh và việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa Cổng DVC/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp. Đồng thời, ổn định, bảo đảm chất lượng, số lượng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số như giai đoạn hiện nay./.
Hà Sơn