Hà Nội: Sáng tạo, linh hoạt trong tuyên truyền pháp luật

26/08/2021
Hà Nội: Sáng tạo, linh hoạt trong tuyên truyền pháp luật
Những năm qua, Hà Nội luôn xác định tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), coi đây là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống. Nhờ đó công tác PBGDPL trên địa bàn đạt kết quả tích cực với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Theo báo cáo tổng kết chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 và Kế hoạch số 204/KH-UBND của UBND TP Hà Nội thực hiện Chương trình này, công tác PBGDPL trên địa bàn Thủ đô đã được các cấp, các ngành triển khai rộng và hiệu quả.

Thành phố đã tăng cường giao lưu, đối thoại, nâng cao hiệu quả pháp luật thông qua việc tổ chức hội nghị, tọa đàm, giao lưu, giải đáp pháp luật. Từ năm 2017 đến tháng 6/2021, các cấp, các ngành của TP đã tổ chức 43.813 hội nghị với 7.741.739 lượt người tham dự. Việc tuyên truyền văn bản pháp luật mới, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp, các vấn đề nóng, bức xúc trong dư luận, những văn bản pháp luật triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP được được đẩy mạnh. TP tăng cường in ấn phát hành miễn phí hơn 23 triệu bản tài liệu PBGDPL đến sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và Nhân dân trên địa bàn.

Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc thiểu số, thanh thiếu niên, phụ nữ, công nhân, nạn nhân bị bạo lực gia đình, phạm nhân ở trại giam, cơ sở giáo dưỡng… được các cấp, các ngành quan tâm triển khai với nhiều nội dung, hình thức phù hợp. Việc PBGDPL trong nhà trường đã được các cấp, các ngành trên địa bàn Thủ đô đẩy mạnh.

Một trong những điểm nhấn trong công tác PBGDPL trên địa bàn thành phố đó là việc thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Mới đây nhất là cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” thu hút hơn 1 triệu người dự thi; cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng” thi qua hình thức xây dựng video… Việc PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng như qua Cổng/ Trang thông tin điện tử, qua hệ thống loa, mạng xã hội như zalo, facebook, fanpage, tin nhắn điện tử, thư điện tử, giao lưu trực tuyến, ứng dụng trên thiết bị điện tử… ngày càng được tăng cường.

Hàng tháng, TP đã chỉ đạo Sở Tư pháp biên soạn tài liệu pháp luật để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở. Trong các đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật về bầu cử, về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở Tư pháp đã biên soạn mức xử phạt vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch với nội dung dễ hiểu, ngắn gọn và đẩy mạnh tuyên mạnh tuyên truyền tới cán bộ và Nhân dân.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội đã đề nghị các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tuyên truyền để phòng, chống dịch bệnh, biểu dương các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật để phòng, chống dịch Covid-19, đấu tranh phê phán đối với tổ chức, cá nhân có hành vi phạm pháp liên quan đến phòng, chống dịch bệnh… Theo đó, các quận, huyện đã có nhiều cách thức tuyên truyền hiệu quả như: tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động bằng xe mô-tô và loa kéo vào các ngõ ngách để tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức đoàn xe mô hình ra quân tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; treo các cụm pano, băng rôn, áp phích trên dọc một số tuyến đường trung tâm với những thông điệp ngắn gọn, dễ nhớ như “Đeo khẩu trang thường xuyên và đúng cách để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả”, “Phòng, chống đại dịch Covid-19 là bảo vệ chính bạn, gia đình và xã hội…

Cùng với đó, TP cũng xây dựng nhiều mô hình mới trong cộng đồng dân cư như tổ dân phố điện tử, tổ tự quản khu nhà trọ, cầu thang pháp luật, loa kéo, chạy chữ trên truyền hình, video clip, infographic... Song song với đó, TP cũng tiếp tục nhân rộng và phát huy nhiều mô hình PBGDPL truyền thống có hiệu quả như các câu lạc bộ: “Nông dân với pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông”, “Câu lạc bộ lý luận trẻ”, “Câu lạc bộ sinh viên với pháp luật”; mô hình “Tổ phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý”, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”...

Thời gian tới, TP sẽ nhân rộng các cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác PBGDPL; đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để công tác này trên địa bàn ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam