Yên Bái: Công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương

07/08/2021
Yên Bái: Công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương
Ngày 30/7, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế và triển khai kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 13/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện công tác pháp chế năm 2021 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Ngay sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực, Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát lại số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có mặt tại cơ quan, đơn vị mình, sắp xếp, bố trí biên chế làm nhiệm vụ pháp chế, đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung biên chế cho tỉnh Yên Bái để thực hiện việc bố trí cán bộ làm công tác pháp chế tại 14 cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có yêu cầu bắt buộc phải có tổ chức pháp chế. Sau khi có Quyết định bổ sung biên chế của Bộ Nội vụ cho tỉnh Yên Bái, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, kể cả các cơ quan không phải thành lập tổ chức pháp chế theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP bố trí cán bộ, công chức để làm công tác pháp chế. Tính đến ngày 01/4/2021, 14 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có bố trí cán bộ làm công tác pháp chế dưới hình thức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm (trong đó có 09 cơ quan mỗi cơ quan bố trí 01 cán bộ chuyên trách, còn lại 05 cơ quan bố trí cán bộ kiêm nhiệm). Tại các cơ quan ngoài 14 cơ quan được quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã bố trí được 07 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế. Ngoài ra, tại 05 doanh nghiệp nhà nước ở địa phương đã bố trí 05 người làm công tác pháp chế kiêm nhiệm.
Công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; bồi thường của nhà nước; phổ biến, giáo dục pháp luật; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai đồng bộ, tích cực và ngày càng đi vào nề nếp. Qua đó, góp phần hoàn thành khối lượng công việc lớn, kịp thời thống nhất về cơ chế, chính sách, góp phần củng cố hoàn thiện hệ thống hóa pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, tạo môi trường và hành lang pháp lý đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội thuận lợi, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân. Nhận thức của các ngành, các cấp về tầm quan trọng của công tác này được nâng lên. Công tác pháp chế đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp với cơ quan chuyên môn, kết quả thực hiện đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương. 
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt có những điểm bất cập về thể chế cũng như những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế. Do đó, tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận các khó khăn, vướng mắc và đưa ra các đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, Sở Tư pháp Yên Bái đã khen thưởng cho 04 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế trên địa bàn./.
                                              Đặng Anh Tuấn
                                              Sở Tư pháp Yên Bái