Cách đây 76 năm, sau cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ra tuyên cáo trước Quốc dân đồng bào, cũng như toàn thế giới về việc thành lập Nội các thống nhất quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Ngày 07/11/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 715/TTg về Ngày truyền thống Ngành Tư pháp, trong đó tại Điều 1 quy định “Hàng năm lấy ngày 28/8 là Ngày truyền thống của Ngành Tư pháp”.
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của Ngành Tư pháp cả nước, nhìn lại chặng đường 38 năm (ngày 17/5/1983, UBND tỉnh có Quyết định số 326/QĐ-UBTH thành lập hệ thống Tư pháp tỉnh Thanh Hóa), Ngành Tư pháp Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp; sự phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể; sự giúp đỡ của các tầng lớp Nhân dân; đặc biệt là nhiệt huyết, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành, Ngành Tư pháp Thanh Hóa nói chung và Sở Tư pháp nói riêng đã và đang không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hội đồng PBGDPL tỉnh Thanh Hóa tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định 1521/QĐ-TTg
Nổi bật là Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã làm tốt công tác tham mưu và thẩm định việc ban hành các thể chế, chính sách phù hợp, có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước, tạo môi trường lành mạnh trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là thể chế và cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết XIX của Đảng bộ tỉnh; tham mưu về pháp lý trong xử lý các vụ việc phức tạp tồn đọng khi thực hiện các dự án đầu tư, công trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh việc xử lý, giải quyết 105 vụ việc. Thực hiện thẩm định, tham gia ý kiến dự thảo văn bản được HĐND, UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, từng bước nâng cao ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong tầng lớp cán bộ và Nhân dân, làm cơ sở để tỉnh triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo… Hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp ngày càng nề nếp, chuyên nghiệp hơn và phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của công dân, tập trung công tác chỉ đạo bán đấu giá quyền sử dụng đất, tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 09/3/2018 của UBND tỉnh về quy định bán đấu giá quyền sử dụng đất. Đảm bảo việc bán đấu giá quyền sử dụng đất công khai, minh bạch, đúng pháp luật, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Công tác Hành chính tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động quản lý, đăng ký hộ tịch đã đi vào nền nếp. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 3000 trường hợp so với cùng kỳ, tỷ lệ giải quyết trước và đúng hạn đạt 99.9%. Thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý, tỷ lệ vụ việc tham gia tố tụng tăng cao… Những kết quả nêu trên của ngành Tư pháp đã góp phần hoàn thành kế hoạch chung của tỉnh, tiếp tục đưa tỉnh Thanh Hóa phát triển.
Đ/c Hoàng Văn Truyền – PGĐ Sở Tư pháp chụp ảnh lưu niệm cùng một số thí sinh xuất sắc trong Cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng” năm 2021
Trong tình hình dịch bệnh Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp, để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác Tư pháp những tháng cuối năm 2021, Ngành Tư pháp sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như:Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó chú trọng chỉ đạo, triển khai các chương trình, kế hoạch công tác, có tính khả thi cao, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, địa phương và chương trình công tác của Ngành. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các kế hoạch công tác đã ban hành. Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ đối với Tư pháp cơ sở; Tăng cường công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở. Kịp thời phát hiện, xử lý hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc. Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong khi giải quyết yêu cầu của người dân, nhất là trong các lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản, hộ tịch, lý lịch tư pháp. Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc và thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những kết quả đã đạt được cùng những định hướng chỉ đạo điều hành trong thời gian tới công tác Tư pháp năm 2021 hấn đấu sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần vào kết quả chung của toàn tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Bùi Đình Sơn – Giám đốc Sở Tư pháp