Hà Nội: Nhiều hình thức phổ biến pháp luật hiệu quả trong nhà trường

19/08/2021
Hà Nội: Nhiều hình thức phổ biến pháp luật hiệu quả trong nhà trường
Bằng sự chủ động và những cách làm sáng tạo, hiệu quả, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường trên địa bàn Thủ đô những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Với sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và hướng dẫn của Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và đào tạo, các quận, huyện trên địa bàn đã kịp thời tuyên truyền, triển khai những văn bản pháp luật mới trong công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL trong nhà trường nói riêng tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Cùng với đó, bằng sự chủ động và những cách làm sáng tạo, hiệu quả, công tác PBGDPL trong nhà trường trên địa bàn Thủ đô những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. 100% các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố thực hiện kế hoạch tuyên truyền PBGDPL chú trọng các nội dung về Luật Giáo dục; Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em; Luật Giao thông đường bộ; Bảo vệ môi trường; Phòng chống tham nhũng… Tất cả các trường học đã thực hiện nghiêm túc Ngày pháp luật vào thứ hai của tuần đầu hằng tháng thông qua các buổi sinh hoạt tập trung, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, bản tin và lồng ghép vào các bài giảng của giáo viên dạy các môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh học…

Các trường xây dựng kế hoạch thực hiện công tác PBGDPL bảo đảm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ thời gian và rõ hiệu quả”; ưu tiên các mô hình mới để tuyên truyền sát với đối tượng học sinh, gắn kết quả thực hiện với tiêu chí thi đua của năm học. Các nhà trường đã cố gắng, chủ động trong việc PBGDPL bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép trong các tiết học, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, câu lạc bộ pháp luật, hòm thư tố giác, tổ chức hội thảo, tọa đàm… Những hoạt động này góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của học sinh, tạo cho các em từng bước có hành vi ứng xử văn hóa, thanh lịch, nhân văn.

Vừa qua, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” đến năm 2021, nhiều hoạt động tuyên truyền, thiết thực được Phòng Giáo dục và đào tạo các quận, huyện xây dựng, triển khai thực hiện như: Tuyên truyền giáo dục bảo đảm trật tự an toàn giao thông; bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; học sinh không tham gia giao thông bằng xe máy phân khối lớn khi chưa đủ điều kiện; phòng, chống ùn tắc giao thông cổng trường… đến giáo viên và học sinh. Phòng Tư pháp đã phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo, cơ quan công an, đoàn thanh niên và các cơ quan tổ chức liên quan tổ chức tuyên truyền pháp luật về nhiều lĩnh vực như: phòng chống dịch Covid-19, an toàn giao thông đường bộ, phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em… tại một số trường học trên địa bàn.

Ngoài ra, việc giải đáp pháp luật qua đường dây nóng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức thi viết trên giấy, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến cũng là một trong những thế mạnh của Thủ đô nhiều năm qua, ngày càng được các trường học chú trọng triển khai và thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn thành phố tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng một số ít lãnh đạo các trường học coi việc tuyên truyền PBGDPL là của riêng ngành tư pháp hoặc của cấp trên, chưa thấy được tầm quan trọng của công tác này. Một số trường điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, hình thức và phương pháp tổ chức còn cứng nhắc, kinh phí hạn chế…

Trong thời gian tới, để tăng tính hiệu quả cho hoạt động PBGDPL trong nhà trường, các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô cần tiếp tục quán triệt, triển khai việc thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” đồng thời, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật am hiểu pháp luật, có kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL nhằm tăng cường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này.

Cùng với đó, Sở Giáo dục và đào tạo TP.Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các trường tăng cường công tác ngoại khoá; Tổ chức ký cam kết thi đua giữa các lớp, giữa các học sinh với nhau về thực hiện tốt, không vi phạm các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến học sinh. Các nhà trường cũng cần tăng cường phối hợp với lực lượng công an để thường xuyên theo dõi và xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh về vi phạm pháp luật trong nhà trường; tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình-nhà trường-xã hội...
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam