Hà Giang tăng cường công tác trợ giúp pháp lý năm 2015 cho người khuyết tật

27/03/2015
Ngày 25/3/2015 UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 445/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2015. Theo đó:
 

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật để đông đảo người khuyết tật biết về quyền được trợ giúp pháp lý và tiếp cận với dịch vụ này.  Đảm bảo yêu cầu, quyền lợi cho người khuyết tật khi có nhu cầu được trợ giúp pháp lý (chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng) cho người khuyết tật. Lựa chọn các hoạt động trợ giúp pháp lý phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị và đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; lồng ghép với các Chương trình, Đề án khác về người khuyết tật.

Tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý

 Cung cấp tờ thông tin về trợ giúp pháp lý tại các địa điểm như: Trụ sở Hội Người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, trụ sở UBND các xã, thị trấn; Biên soạn tài liệu truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tập phát cho Câu lạc bộ; tham gia viết tin, bài có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho chuyên trang, chuyên mục, bản tin. Lồng ghép việc truyền thông, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với các Chương trình, Đề án khác thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật ở địa phương (về các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề…)

Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

 Khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh để triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý (theo lĩnh vực pháp luật, theo các dạng tật như: khiếm thính, khiếm thị, khiếm khuyết vận động...).  Thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức trợ giúp pháp lý (Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác), trong đó chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng cho người khuyết tật khi có yêu cầu. Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn nơi có nhiều người khuyết tật; tại các Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các tổ chức khác của người khuyết tật khi có yêu cầu. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Hoàng Hồng