Hà Giang tổng kết 08 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh

27/03/2015
Thực hiện Công văn số 182/BTP - TGPL ngày 20/01/2015 của Bộ Tư pháp về việc tổng kết 08 năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý. Qua 8 năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, cụ thể như sau: 
   

Thực trạng triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, hướng dẫn và triển khai thực hiện Luật trợ giúp trợ giúp pháp lý ở địa phương UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành 24 văn bản các loại bao gồm: 13 Kế hoạch; 02 Công văn; 9 Quyết định. Giới thiệu, quảng bá và tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý tại các đợt trợ giúp pháp lý lưu động cho trên 160.000 lượt người; phát 721.180 tờ gấp pháp luật bao gồm cả tiếng Việt và tiếng Mông; cấp cho UBND các xã hơn 10.000 băng catsset tuyên truyền hoạt động trợ giúp pháp lý bằng tiếng dân tộc Mông tại các phiên chợ, các buổi sinh hoạt cộng đồng

Về cơ cấu tổ chức hiện nay Trung tâm có 02 phòng chuyên môn và 03 chi nhánh trực thuộc. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp thành lập 11 Tổ cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh do Trưởng phòng Tư pháp làm Tổ trưởng. Toàn tỉnh Hà Giang hiện nay có 04 Văn phòng luật sư với 6 luật sư hành nghề; 02 Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh và Hội bảo trợ tư pháp; 01 văn phòng tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh.

Đối với đội ngũ cộng tác viên là luật sư: thường xuyên tham gia tố tụng là 03 người, các luật sư đều là cán bộ nghỉ hưu, tuổi cao chủ yếu thực hiện các vụ việc tại các địa bàn gần trung tâm thành phố. Đối với địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa thuộc 6 huyện nghèo nơi tập trung đông nhất số người được trợ giúp pháp lý các luật sư rất ít, thậm chí là không tham gia trợ giúp pháp lý, do giao thông đi lại khó khăn. Năm 2010, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến năm 2020” theo đó chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực tại chỗ như: vận động những cán bộ trong ngành Toà án, Kiểm sát, Công an, Tư pháp, Thi hành án dân sự

Kết quả  hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương: Trong 08 năm triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý (tính từ năm 2007 đến năm 2014, tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý đã thực hiện được là: 9.876 vụ việc. Hầu hết các vụ việc trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đều được thực hiện thông qua hình thức tư vấn pháp luật (chiếm 96,17%), tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đáp ứng 100% nhu cầu trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật của người được trợ giúp pháp lý. Tỷ lệ vụ án có Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư cộng tác viên tham gia là 609/7.718 vụ được giải quyết (trong số 7.888 vụ đã thụ lý) chiếm 7,09 %. Tỷ lệ tính bình quân trong 8 năm, năm 2014 tỷ lệ chiếm 13,5 % Tỷ lệ các vụ việc có sự tham gia của trợ giúp pháp lý từ giai đoạn điều tra, khởi tố là 181/616 vụ việc chiếm 29,3%.

Từ thực tiễn triển khai Luật trợ giúp pháp lý, về phía tỉnh Hà Giang có một số kiến nghị, đề xuất như sau:  Sớm sửa đổi, bổ sung Luật trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, theo đó về nội dung cần bổ sung thêm một số diện người được trợ giúp pháp lý, quy định rõ trách nhiệm thực hiện trợ giúp pháp lý của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý và chế tài khi vi phạm; quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của chuyên viên làm việc trong tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên viên được thực hiện một số hình thức trợ giúp pháp lý như tư vấn pháp luật, hòa giải… (giống như các cộng tác viên) trừ hoạt động tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, bởi vì về trình độ các chuyên viên là cử nhân luật và thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý; sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho phù hợp. Sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự trong đó khẳng định tư cách pháp lý về sự tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên trợ giúp pháp lý; quy định việc giải thích cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật tố tụng, quyền được trợ giúp pháp lý là một thủ tục bắt buộc để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật các cơ quan tiến hành tố tụng và bảo đảm được quyền được trợ giúp pháp lý của người dân. Nâng cao mức thù lao vụ việc tham gia tố tụng cho phù hợp với các văn bản pháp luật khác và điều kiện thực tiễn hiện nay.

Hoàng Hồng