Thực trạng áp dụng một số quy định trợ giúp pháp lý tại tỉnh Tuyên Quang

27/03/2015
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003, thực hiện công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn miền núi rộng, địa hình chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, với 07 đơn vị hành chính, gồm 141 xã, phường, thị trấn, trong đó có 106 xã thuộc vùng khó khăn.
 

Để nâng cao hiệu quả quản lý và xác định rõ mức độ chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện, Luật trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành đã xác định rõ: “Đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý là việc áp dụng các tiêu chí chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý để đánh giá quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, việc tuân thủ quy tắc nghề nghiệp và áp dụng pháp luật của người thực hiện trợ giúp pháp lý; tạo cơ sở để xác định trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý đối với vụ việc trợ giúp pháp lý. Trước đó, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 11/2008/QĐ-BTP ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý sau khi hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tiêu chuẩn đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Ngày 05/01/2013, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BTP ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, thay thế cho Quyết định số 11/2008/QĐ-BTP. Các văn bản này đã thực sự trở thành công cụ hữu ích cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý nắm bắt thực trạng chất lượng vụ việc để có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý.     

Thực hiện Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ Tư pháp Ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã tham mưu cho Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch số 22/KH-STP ngày 17/5/2013 về Triển khai thực hiện Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; Trung tâm đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-TGPL ngày 21/5/2013 về việc phân công người đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Trung tâm đã thực hiện đánh giá chất lượng đối với 100% vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải theo đúng quy định của Thông tư số 02/2013.

Số lượng, chất lượng vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụngđược thực hiện từ ngày 05/01/2013 đến hết ngày 30/12/2014

Số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng đã thụ lý là 214 vụ việc, số vụ việc đã hoàn thành là 202/214 vụ việc, số vụ việc được đánh giá chất lượng là 202/202 việc (đạt 100%).

Kết quả đánh giá chất lượng: Số vụ đạt chất lượng tốt: 131/202 vụ việc (chiếm tỷ lệ 64,9%); số vụ việc đạt chất lượng: 71/202 vụ việc (chiếm tỷ lệ 35,1%); số vụ việc không đạt chất lượng: Không.

Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng được đánh giá chất lượng

100% vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng đều được Trung tâm đánh giá chất lượng vụ việc trước khi thanh toán tiền theo chế độ cho người thực hiện vụ việc.

Công tác chỉ đạo điều hành, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho 145 đại biểu là công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã đồng thời là cộng tác viên trợ giúp pháp lý và Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm, trong đó có nội dung phổ biến, quán triệt nội dung Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ Tư pháp Ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; Việc phổ biến, quán triệt Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý đã giúp cho người thực hiện trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức, xác định được sự cần thiết của việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và nâng cao trách nhiệm trong thực hiện trợ giúp pháp lý.

Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng đối với các vụ việc trợ giúp pháp lý

Hằng năm, Trung tâm thực hiện định kỳ việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 24 Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý đồng thời Trung tâm tham mưu với Sở Tư pháp xây dựng và ban hành Kế hoạch đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.

Qua công tác kiểm tra cho thấy, các vụ việc TGPL được Trung tâm tiếp nhận và phân công cho các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - cộng tác viên thực hiện kịp thời, theo đúng quy định; các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - cộng tác viên đã tích  cực tham gia vào các thủ tục trợ giúp pháp lý như nghiên cứu hồ sơ, hướng dẫn đương sự viết đơn, tham gia hòa giải, xác minh các tài liệu, chứng cứ có liên quan để phục vụ cho việc tham gia tố tụng; một số vụ việc bào chữa, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Trợ giúp viên pháp lý đã được HĐXX xem xét chấp nhận yêu cầu. Sau khi kết thúc vụ việc, Trung tâm đã phân công cho các Trợ  giúp viên pháp lý thực hiện việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo đúng trình tự, thủ tục của Bộ Tiêu chuẩn; chưa có đơn thư khiếu nại, tố cáo lên quan đến chất lượng vụ việc và đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang.

Thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý về Tiêu chí, quy trình đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

 Thuận lợi

Sau 2 năm thực hiện Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ Tư pháp Ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả như sau như: người thực hiện trợ giúp pháp lý biết vận dụng các tiêu chuẩn chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và bám sát quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, pháp luật về tố tụng, các văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và các tiêu chuẩn chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đã chủ động, khách quan, trung thực, áp dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bào chữa, bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý; Người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện đúng quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý ban hành kèm theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý đặc biệt là đối với những vụ việc phức tạp, điển hình; việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện thường xuyên, thành nề nếp. Qua đánh giá chất lượng vụ việc đã xác định được mức độ trách nhiệm, năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý, kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót, không để xảy ra vi phạm pháp luật hoặc khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại do trợ giúp pháp lý sai gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nâng cao chất lượng thực hiện TGPL……

Với kết quả trên cho thấy, phần lớn các vụ việc trợ giúp pháp lý đã đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Người thực hiện trợ giúp pháp lý đã vận dụng tương đối tốt các kỹ năng trong quá trình tham gia tố tụng, đảm bảo cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí tốt nhất cho người được trợ giúp pháp lý.

Hạn chế, vướng mắc, bất cập của Bộ Tiêu chuẩn

Việc áp dụng các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý về Tiêu chí, quy trình đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý còn một số hạn chế, bất cập cụ thể như sau:

- Khoản 1 Điều 10 quy định về sự "hài lòng" của người được trợ giúp pháp lý là thiếu tính định lượng, khó xác định. Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý không phải tất cả các vụ việc người được trợ giúp pháp lý đều tỏ ra hài lòng, vì người thực hiện trợ giúp pháp lý ngoài việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phù hợp với đạo đức xã hội còn phải tuân theo pháp luật. Khi người được trợ giúp pháp lý cung cấp các giấy tờ, thông tin có liên quan đến vụ việc, đối chiếu với quy định của pháp luật thì họ bất lợi, khi người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn, giải thích, có thể dẫn đến trường hợp phản ứng hoặc tổ thái độ không hài lòng. Như vậy, nếu áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 10 của Bộ Tiêu chuẩn thì khó xác định được sự hài lòng của người được trợ giúp pháp lý.

- Việc cho điểm đối với các trường hợp vụ án bị đình chỉ, hoãn, trả hồ sơ hoặc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong các vụ án dân sự thì việc chấm điểm theo các tiêu chuẩn tại khoản 6, 7 Điều 13 và khoản 5, 6 Điều 14 của Bộ Tiêu chuẩn khó thực hiện; việc đánh giá nhiều khi theo ý chí chủ quan, nhận định của người đánh giá.

- Điều 21 quy định về Nội dung đánh giá các "Mức độ", cơ sở để xác định các "mức độ" theo các quy định trong 4 khoản của Điều 21 thiếu cụ thể, khó xác định.

- Việc đánh giá bằng phương pháp lấy ý kiến phản hồi của người được TGPL, khảo sát, trực tiếp tiếp xúc với người được TGPL quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 22 không thực hiện được, do thực tế gặp khó khăn về kinh phí, con người.

- Khoản 2 Điều 24 quy định về thời hạn, thời gian quyết định việc đánh giá, phân công người đánh giá, kết luận chất lượng vụ việc, quy định này chỉ phù hợp với căn cứ a, b, c, đ khoản 1 Điều 24 (là những căn cứ có tính chất không thường xuyên, thực hiện theo kế hoạch hoặc theo yêu cầu đột xuất), đối với căn cứ tại điểm d, quy định trên không phù hợp, vì đây là việc làm thường xuyên của Trung tâm để chi trả tiền bồi dưỡng cho người thực hiện TGPL.

- Tương tự như vậy, Điều 30 quy định về Kết luận đánh giá, quy định nàu chỉ phù hợp khi đánh giá chất lượng vụ việc theo các căn cứ a, b, c, đ khoản 1 Điều 24, còn đối với căn cứ tại điểm d là không phù hợp, vì đây là việc làm thường xuyên, nhỏ lẻ theo thời điểm của từng vụ việc khi người thực hiện TGPL hoàn thành, Trung tâm thực hiện việc chi trả tiền bồi dưỡng cho người thực hiện TGPL.

 Để thực hiện 02 điều nêu trên (Điều 24 và Điều 30) Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp đã có văn bản số 108/CTGPL-QLCL ngày 04/4/2013 Hướng dẫn một số biểu mẫu nghiệp vụ đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.

Theo hướng dẫn trên, khi một vụ việc TGPL hoàn thành, để chi trả phụ cấp vụ việc cho người thực hiện TGPL (theo điểm d khoản 1 Điều 24) thì Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đều phải thực hiện các việc gồm: Quyết định phân công người đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, báo cáo kết quả đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, kết luận đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, đó là việc làm thường xuyên, nhỏ lẻ nhưng quy trình thủ tục rườm rà, cứng nhắc, mất nhiều thời gian trong khi biên chế ít, Trợ giúp viên pháp lý mỏng, phải thực hiện nhiều vụ việc, thường xuyên đi công tác cơ sở, thời gian tham gia tố tụng phụ thuộc nhiều vào lịch của các cơ quan tiến hành tố tụng...Thực tế mỗi năm Trung tâm có vài trăm vụ việc TGPL thì thủ tục hình thức trên đã chiếm mất nhiều thời gian, nhân lực của Trung tâm. Hướng dẫn trên chỉ phù hợp với việc thành lập Đoàn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL của cơ quan Sở Tư pháp hoặc Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp. Đề nghị Cục Trợ giúp pháp lý nghiên cứu hướng dẫn cho phù hợp, sát với thực tiễn và rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

* Nguyên nhân của vướng mắc, bất cập

- Một số quy định của Bộ tiêu chuẩn còn chung chung, mang tính hình thức, không có định lượng, khó xác định, quy trình rườm rà, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn; Người được trợ giúp pháp lý sau khi xét xử, một phần phải chấp hành hình phạt tù trong Trại giam; một phần cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức chưa đồng đều….

 Đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm soát chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong thời gian tới

- Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, trong phần A hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, Mục 3 về hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý lưu động quy định tại điểm 2: "Trong trường hợp hướng dẫn, giải đáp pháp luật đơn giản cho nhiều người cùng một lúc không phân biệt đối tượng thì không phải lập hồ sơ vụ việc nhưng được ghi trong biên bản lưu động". Như vậy, đối với những vụ việc được thực hiện trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động nêu trên (theo hình thức tư vấn pháp luật) đề nghị Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp hướng dẫn tiêu chuẩn, phương pháp và cách thức đánh giá hoặc quy định rõ những vụ việc tư vấn pháp luật như trên không nhất thiết phải đánh giá chất lượng vụ việc, để thống nhất việc thực hiện.

- Đề nghị Cục Trợ giúp pháp lý báo cáo Bộ Tư pháp xem xét, sửa đổi bổ sung một số quy định của Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ Tư pháp ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo hướng đơn giản, sát thực để văn bản có tính khả thi cao; Rà soát các quy định của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và các quy định có liên quan đến hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. 

- Đề nghị đổi mới, quy định rõ cơ chế tài chính về hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý để định kỳ hằng năm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia đánh giá chất lượng vụ việc theo đúng quy định của Bộ Tiêu chuẩn.

- Định kỳ hằng năm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá chất lượng vụ việc TGPL cho người đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 24 Bộ Tiêu chuẩn.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung và hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nói riêng.

 

                                                             Vũ Thanh Thủy