Sở Tư pháp Lạng Sơn tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nông dân

28/12/2011
Vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh ban hành Kế hoạch liên tịch số 747/KHLT-TP-ND về việc thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nông dân và chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan tư pháp cấp huyện thực hiện, kết quả có 06/11 Phòng Tư pháp cấp huyện xây dựng kế hoạch phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp.

Căn cứ nội dung của Chỉ thị và chức năng nhiệm vụ của Ngành, trong 10 năm qua Sở Tư pháp đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công để tạo điều kiện cho Hội nông dân tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của Nông dân, cụ thể:

Thứ nhất về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ Hội và nông dân

Để công tác tuyên truyền pháp luật đến với nông dân có hiệu quả, Sở Tư pháp đã tham mưu xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến cơ sở, kết quả đã xây dựng được 80 Báo cáo viên pháp luật tỉnh, 181 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.558 Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và 2.674 cộng tác viên tuyên truyền pháp luật ở thôn, khối phố, đồng thời hằng năm đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, cung cấp tài liệu cho đội ngũ này. Với phương châm “hướng về cơ sở”, Sở Tư pháp đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền PBGDPL tại cơ sở cho nông dân, cụ thể: đã tổ chức được 199 hội nghị tập huấn nghiệp vụ PBGDPL và tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và nhân dân ở thôn, bản, tổ dân phố với tổng số lượt người được nghe là 9.733 lượt. Biên soạn và phát hành 1.500.000 tờ gấp pháp luật pháp luật (trong đó có 60.000 tờ gấp tuyên truyền bằng tiếng dân tộc Tày - Nùng); 9.443 cuốn sách pháp luật; 2.250 đĩa CD, trong đó có 750 đĩa CD bằng tiếng dân tộc Dao; 250 đĩa VCD, 532 Băng Cassette... gửi các xã, phường, thị trấn làm tài liệu tuyên truyền cho các đối tượng.

Chỉ đạo xây dựng được 226/226 Tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn với hàng trăm đầu sách pháp luật qua đó góp phần tạo điều kiện để nhân dân được tiếp cận pháp luật. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tiếp nhận, hướng dẫn và giải đáp trên sóng được 4.335 đơn, thư của khán giả nghe đài và xem truyền hình, thông qua chuyên mục còn tuyên truyền được 620 cuộc về nhiều lĩnh vực pháp luật.

Ngoài ra, Sở Tư pháp còn tham mưu cho Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh tổ chức được 09 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, trong đó có cuộc thi về Hòa giải viên giỏi, tìm hiểu Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình...; thành lập và chỉ đạo duy trì hoạt động đối với 122 Câu lạc bộ pháp luật ở cấp xã (gồm 05 câu lạc bộ pháp luật, 117 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý) trong đó có 01 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, trong các câu lạc bộ đều có thành viên là Cán bộ Hội nông dân cơ sở.

Nội dung pháp luật tuyên truyền tập trung vào pháp luật về dân sự, hình sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, bảo vệ và phát triển rừng, khiếu nại tố cáo, thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; chế độ chính sách của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn... đã thu hút được sự quan tâm của người nghe, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nông dân.

Thứ hai là công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho nông dân

Hiện nay ngoài Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước nước ở tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thành lập thêm 02 Chi nhánh của Trung tâm đặt tại huyện Hữu Lũng và huyện Đình Lập. Trong 10 năm qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh đã thực hiện được 317 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 317 lượt xã trên địa bàn tỉnh, trợ giúp miễn phí cho 3.279 người, trong đó hầu hết các đối tượng đều là Nông dân. Cử luật sư là cộng tác viên TGPL tham gia tố tụng để bảo vệ, bào chữa miễn phí cho 192 người; Kiến nghị đối với 28 vụ việc TGPL đến các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết.

Thông qua công tác trợ giúp pháp lý đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân, góp phần hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại không đúng địa chỉ, vượt cấp, kéo dài.

Thứ ba là công tác quản lý, hướng dẫn hoạt động đối với các Tổ hòa giải ở cơ sở

Với chức năng giúp UBND cùng cấp quản lý Nhà nước về công tác Hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh chỉ đạo xây dựng và củng cố các tổ hòa giải, đến nay toàn tỉnh có 2.232 Tổ hòa giải với 11.506 tổ viên hầu hết là hội viên Hội nông dân (100% thôn, bản khối, phố đều có tổ hòa giải), trong 10 năm qua các Tổ hoà giải đã tiến hành hoà giải thành 17.566 việc/tổng số 24.339 việc nhận hoà giải, đạt tỷ lệ 72,1%; trong đó: lĩnh vực dân sự là: 4.861 việc/6.018 việc, hôn nhân và gia đình: 1.810 việc/2.697 việc, đất đai: 7.986 việc/11.822 việc,  lĩnh vực khác : 2.909 việc/3.802 việc.

Nhằm giúp hoạt động hòa giải được đúng Luật các Thành viên Tổ hòa giải nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức và phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức pháp luật; cung cấp đầy đủ các các sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ và các sổ sách, biểu mẫu phục vụ cho công tác hòa giải. Thông qua công tác hòa giải tại cơ sở đã góp phần giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, hạn chế các vi phạm pháp luật và đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp của nhân dân.

Thứ tư là hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Nhằm góp phần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, thống nhất, đúng luật và có tính khả thi, trong 10 năm qua với chức năng, nhiệm vụ của mình Sở Tư pháp đã tích cực giúp UBND tỉnh trong công tác thẩm định, góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đến nay hầu hết các dự thảo văn bản do các sở, ngành, soạn thảo trước khi trình UBND tỉnh ban hành đều được chuyển đến Sở Tư pháp để tiến hành thẩm định, góp ý.

Sở Tư pháp đã thực hiện góp ý 02 văn bản của Trung ương (dự thảo Luật Khiếu nại và dự thảo  Luật Tố cáo), thực hiện thẩm định 01 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh (Quy chế tiếp công dân của tỉnh) về lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó có nội dung liên quan đến việc tạo điều kiện để Hội nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Hội Nông dân tham gia vào giải quyết khiếu nại tố cáo của Nông dân, các cấp ủy, đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Trước hết cần tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Bên cạnh đó cần chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ các cấp Hội Nông dân; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao hiểu biết pháp luật, hình thành ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Xuân Hưng