Những thành tích nổi bật trong công tác Tư pháp trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2011

27/12/2011
Nhìn lại một năm qua với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp tỉnh Kon Tum đã khắc phục, vượt qua những khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội trong chương trình, kế hoạch đề ra cũng như các nhiệm vụ chính trị đột xuất được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tin tưởng giao phó.

Các mặt công tác của ngành đều hoàn thành theo đúng chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đẩy mạnh xuống cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... giúp cho nhân dân từng bước nâng cao được nhận thức và chấp hành tốt hơn chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cũng được quan tâm triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành, 100% số VBQPPL ở cấp tỉnh được Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền ký ban hành. Sở đã trình UBND tỉnh dự thảo Quyết định ban hành quy chế xây dựng và quản lý cộng tác viên kiểm tra VBQPPL trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết quy định mức chi đặc thù đảm bảo cho công tác kiểm tra xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL. Chất lượng thẩm định không ngừng được nâng cao, chưa có trường hợp nào xảy ra sai sót, các ý kiến thẩm định được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đánh giá cao. Công tác tự kiểm tra VBQPPL ngày càng được chú trọng, năm 2011, Sở Tư pháp đã thu thập, kiểm tra được 5.172 văn bản do HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành (cấp tỉnh 88, cấp huyện 5.084). Qua kiểm tra đã phát hiện một số sai sót về nội dung, hình thức kiến nghị xử lý theo quy định. Ở cấp huyện đã có những chuyển biến tích cực, các Phòng Tư pháp đã phát huy được vị trí, vai trò của mình trong việc thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản ở địa phương. Các Phòng Tư pháp đã thẩm định tính pháp lý đối với 27 dự thảo VBQPPL, đạt gần 90% tổng số VBQPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành.

Hoạt động công chứng, chứng thực đã đi vào nề nếp, quy củ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức. Sở đã đề nghị UBND tỉnh thành lập và đăng ký hoạt động đối với Văn phòng công chứng Việt Hoàng - Đây là Văn phòng công chứng đầu tiên được thành lập tại tỉnh Kon Tum. Năm 2011, Phòng công chứng số I tỉnh Kon Tum đã công chứng được 8.728 trường hợp, với phí công chứng thu được 2.911.150.500đ. UBND các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chứng thực được trên 231.005 trường hợp, với lệ phí thu được trên gần 1.411.782.000đ.

Công tác hộ tịch được ngành Tư pháp tỉnh coi trọng, chỉ đạo triển khai đồng bộ, bền bỉ trong một thời gian dài nên công tác này ngày càng nề nếp, chặt chẽ góp phần đảm bảo quyền cơ bản của công dân đối với vấn đề nhân thân được nhân dân rất hoan nghênh. Năm 2011, toàn tỉnh đã đăng ký khai sinh cho 13.171 trường hợp; khai tử 1.153 trường hợp; kết hôn 3.726 trường hợp. Công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài: Sở đã trình UBND tỉnh giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn cho 11 trường hợp; đăng ký khai sinh cho 03 trường hợp; đăng ký lại việc sinh cho 01 trường hợp.

Hoạt động bổ trợ tư pháp có những chuyển biến tích cực, các tổ chức giám định tư pháp được củng cố, kiện toàn, hầu hết các giám định viên đều được cấp thẻ hành nghề. Sở Tư pháp đã tổ chức các hội nghị tập huấn nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên đáp ứng được yêu cầu khi thi hành nhiệm vụ. Đoàn luật sư tỉnh có 05 luật sư hoạt động tại 02 Văn phòng luật sư, trong năm các tổ chức hành nghề luật sư đã nhận bảo vệ, bào chữa, đại diện được 376 việc; tư vấn, TGPL được 245 việc nhìn chung hoạt động của các Văn phòng luật sư cơ bản đáp ứng yêu cầu bào chữa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Công tác bán đấu giá tài sản ngày càng nề nếp, hiệu quả năm 2011, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh đã tổ chức bán đấu giá thành 119 hợp đồng bán đấu giá, với giá đã bán được là 87.135.779.448đ. Mặc dù, chưa được bố trí có biên chế theo quy định, nhưng bằng sự cố gắng nỗ lực, Sở Tư pháp vẫn triển khai có hiệu quả công tác lý lịch tư pháp (LLTP) theo quy định của Luật LLTP, năm 2011 đã cấp mới 167 Phiếu LLTP cho công dân, cập nhật, xử lý được 462 thông tin LLTP.

Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) đã được tăng cường, trong đó TGPL lưu động xuống vùng sâu, vùng xa được ưu tiên đẩy mạnh. Trung tâm TGPL đã phối hợp với chính quyền các cấp, các đoàn thể tổ chức TGPL, lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã góp phần rất lớn vào việc ổn định tình hình an ninh, chính trị, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, nhất là đối tượng nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Trong năm, Trung tâm giải quyết được 1.740 việc TGPL cho trên 1.500 người bằng nhiều hình thức khác nhau.

Là cơ quan Thường trực BCĐ thực hiện NQ 49-NQ/TW của tỉnh, Sở Tư pháp đã giúp Thường trực Tỉnh ủy làm tốt công tác kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan tư pháp địa phương thực hiện đúng theo lộ trình cải cách tư pháp của BCĐ cải cách tư pháp Tung ương. Công tác cải cách hành chính được ngành quan tâm đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực công chứng, chứng thực, lý lịch tư pháp nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức. Toàn ngành Tư pháp đã rà soát, thống kê bổ sung đề nghị công bố được 176 thủ tục (trong đó, sửa đổi 48, ban hành mới 10, thay thế: 0; bãi bỏ 01). Ở cấp tỉnh (thực hiện tại Sở Tư pháp) 106, cấp huyện 22, cấp xã 48 thủ tục. Việc tiến hành rà soát, bổ sung các thủ tục hành chính được tiến hành chặt chẽ, khoa học, đơn vị đã báo cáo kết quả rà soát, thống kê trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố. Sở Tư pháp đã triển khai áp dụng Đề án quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008, qua đánh giá đạt kết quả tốt (đã được gia hạn lần thứ 2).

Việc thực hiện quy chế dân chủ trong đơn vị được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật ở tất cả các mặt hoạt động của ngành; nội quy, quy chế trong đơn vị được tăng cường, đẩy mạnh. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được lãnh đạo ngành đặc biệt quan tâm, đối với các đơn thư thuộc thẩm quyền được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, khách quan, đúng pháp luật. Những trường hợp vi phạm pháp luật, kỷ luật hành chính, công vụ đều được đưa ra xử lý theo đúng quy định. Đối với các khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền đều được hướng dẫn tận tình, đảm bảo được quyền lợi của công dân.

Triển khai Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV, Sở Tư pháp kiện toàn, củng cố bộ máy tổ chức của đơn vị, với việc thành lập các Phòng Hành chính tư pháp - Bổ trợ tư pháp; Văn bản pháp quy; Tuyên truyền pháp luật và bố trí nhân sự, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho các phòng. Các đơn vị trực thuộc Sở đã được củng cố, kiện toàn đến nay đều đi vào hoạt động hiệu quả, nề nếp. Sở đã tiếp nhận và phân công công tác đối với 05 CCVC đến công tác tại Văn phòng Sở và tại các đơn vị trực thuộc. Các Phòng Tư pháp được bố trí từ 3 đến 5 biên chế, tư pháp cơ sở đảm bảo 1 cán bộ chuyên trách một số xã, phường, thị trấn đã bố trí được 2 cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch. Sở Tư pháp đã cử trên 20 lượt CBCCVC của ngành tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng dài ngày và ngắn ngày nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cơ bản, đáp ứng được yêu cầu công việc.

Sở Tư pháp cũng là đơn vị đi đầu trong việc giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ, những đóng góp của ngành đối với xã Ngọc Linh, huyện ĐăkGLei- một trong những xã khó khăn và xa xôi nhất của tỉnh được Tỉnh ủy đánh giá cao. Từ khi có sự giúp đỡ của Sở Tư pháp, xã Ngọc Linh đã có những bước ổn định, phát triển vượt bậc về trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Đặc biệt, với s giúp đỡ mọi mặt của Sở Tư pháp, xã Ngọc Linh đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Phong trào thi đua yêu nước được duy trì thường xuyên, có chất lượng; hoạt động của các đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên, nữ công không ngừng được đổi mới về hình thức, nội dung sinh hoạt. Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Sở đã lồng ghép việc đọc các mẫu chuyện về tấm gương mẫu mực trong sinh hoạt và làm việc của Người vào các buổi chào cờ vào thứ Hai hàng tuần. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, năm 2011 Sở Tư pháp đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì và đồng chí Giám đốc Sở được tặng Huân chương Lao động Hạng Ba. 

Tự hào về những kết quả đã đạt được, song cũng cần phải thấy rằng, thực tiễn triển khai công tác tư pháp ở tỉnh Kon Tum đã và đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế đáng quan tâm như: cấp uỷ, chính quyền một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác tư pháp, chưa thật sự thấu đáo đối với công tác tư pháp. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền pháp luật ở các ngành, địa phương, đặc biệt là cơ sở còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đồng đều, một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Một số văn bản pháp luật liên quan chưa được triển khai đúng thời gian nên làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngành như việc chi cho công tác tuyên truyền, chế độ bồi dưỡng cho hoà giải viên. Hoạt động của HĐPH cấp huyện, cấp xã chưa thường xuyên, chưa có kế hoạch cụ thể, chi tiết nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Việc thực hiện quy định pháp luật về hộ tịch, chứng thực còn gặp nhiều khó khăn do trình độ của cán bộ tư pháp hạn chế, khối lượng công việc ngày càng nhiều nhưng biên chế ít. Kinh phí dành cho công tác tư pháp ở các địa phương, nhất là công tác tuyên truyền pháp luật, kiểm tra văn bản còn hạn chế. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số đơn vị trong ngành và một số đơn vị có liên quan đến công tác tư pháp chưa kịp thời, nội dung còn sơ sài, chưa thật sự chính xác, chưa đánh giá được thực trạng, tình hình công tác tư pháp nên ảnh hưởng rất lớn trong việc tổng hợp tình hình chung và đề ra các biện pháp, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác trong thời gian tiếp theo.

Dẫu còn những tồn tại, hạn chế nhưng có thể khẳng định rằng kết quả đạt được của Tư pháp Kon Tum là rất quan trọng, đáng ghi nhận. Trong khí thế của thành tích đã đạt được, năm mới 2012, mỗi CBCC của ngành tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, học tập rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi đạo đức, tác phong, tin chắc rằng ngành Tư pháp Kon Tum sẽ đạt được những kết quả to lớn hơn nữa nhằm đưa công tác Tư pháp tỉnh nhà lên tầm cao mới, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.