Bến Tre: Cần tạo bước đột phá trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

27/12/2011
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 2458/QĐ-UBND ngày 13/10/2009 về Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; việc thúc đẩy trợ giúp pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã được lãnh đạo địa phương quan tâm, phối hợp thực hiện đạt được những kết quả tương đối tốt, bước đầu triển khai có hiệu quả thiết thực. Nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật của người quản lý doanh nghiệp được nâng cao, phục vụ kinh doanh có hiệu quả.

Các doanh nghiệp của địa phương đã được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin, tra cứu văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành qua Trang thông tin điện tử của tỉnh và Công báo tỉnh; thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến doanh nghiệp thông qua các lớp tập huấn, hội nghị triển khai văn bản quy phạm pháp luật do các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức; được tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ pháp lý; các yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp luôn được tiếp thu, giải quyết kịp thời, thỏa đáng theo đúng quy định pháp luật thông qua các hình thức như: phúc đáp bằng văn bản, thông qua điện thoại hoặc được xem xét, giải quyết trực tiếp khi doanh nghiệp đến liên hệ tại cơ quan… Qua đó, đã giúp cho các doanh nghiệp hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, hạn chế rủi ro về mặt pháp lý trong hoạt động kinh doanh, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh.

Tuy nhiên, nhìn lại qua 03 năm triển khai công tác này, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn gặp không ít những khó khăn, hạn chế và chưa tạo được bước đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về hỗ trợ pháp lý trong giai đoạn hiện nay vì những lý do chủ yếu sau đây:

Một là, cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật chung của toàn tỉnh (Website tỉnh và Công báo tỉnh) mới được xây dựng, đang trong giai đoạn hoàn thiện nên việc truy cập còn nhiều hạn chế. Ở địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu pháp luật riêng để phục vụ cho công tác hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp.

Hai là, do khó khăn về kinh phí nên việc biên soạn tài liệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động doanh nghiệp còn hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này.

Ba là, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành có liên quan và chưa được tổ chức thường xuyên. Một bộ phận cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc hiểu và áp dụng pháp luật trong một số trường hợp chưa thống nhất giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, tạo nên những khó khăn nhất định đối với doanh nghiệp trong hoạt động.

Bốn là, một số doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở đóng ở các huyện, xã trong tỉnh nên khó tập trung trong việc tổ chức tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, khó trong việc tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp luật.

Năm là, công tác tuyên truyền, phổ biến tuy có được quan tâm, tổ chức triển khai nhưng chưa đồng bộ, chưa thường xuyên và thiếu chiều sâu. Hình thức và nội dung phổ biến pháp luật chưa thật sự thiết thực đối với doanh nghiệp; một số doanh nghiệp chưa có ý thức tốt trong việc tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp (ít tham gia hoặc tham gia một cách “chiếu lệ”), chưa sử dụng quyền được tư vấn pháp luật hoặc không chủ động tìm hiểu văn bản của Nhà nước có liên quan trước khi thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu hội nhập, xin đưa ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất: Thường xuyên, liên tục, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và Quyết định số 2458/QĐ-UBND; đồng thời có giải pháp tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp và tham gia tích cực của doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý pháp doanh nghiệp.

Thứ hai: Nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý. Tăng cường hơn nữa công tác điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp để có kế hoạch tổ chức, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp một cách có hệ thống, toàn diện, hợp lý và hiệu quả.

Thứ ba: Cần sớm thành lập và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp ở địa phương.

Thứ tư: Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dành cho doanh nghiệp cũng như việc xây dựng tài liệu, cẩm nang giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp thiết thực, mang lại hiệu quả cao.

Thứ năm: Các doanh nghiệp trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác pháp chế doanh nghiệp; chú trọng nghiên cứu, tự tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương và tỉnh ban hành có liên quan đến doanh nghiệp; phát huy và sử dụng có hiệu quả quyền được tư vấn pháp luật trước khi thực hiện các hoạt động kinh doanh... Có như vậy các doanh nghiệp mới có thể phòng ngừa, chủ động trong giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động của mình, nhất là trong điều kiện kinh tế hội nhập như hiện nay./.

Huỳnh Nguyên – Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre