Thái Bình: Tổ chức Hội nghị báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992

08/12/2011
Thái Bình: Tổ chức Hội nghị báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992
Sáng ngày 08/12/2011, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức Hội nghị báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh. Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Phạm Văn Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên Tổ giúp việc, Tổ chuyên viên tổng kết Hiến pháp cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên có liên quan của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

Nội dung của dự thảo báo cáo bao gồm: Tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND. Đặc biệt tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp về mối quan hệ giữa HĐND tỉnh, UBND tỉnh với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ; Mối quan hệ giữa HĐND với UBND và Chủ tịch UBND; Mối quan hệ giữa HĐND các cấp và UBND các cấp; Tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp về tổ chức của HĐND, UBND theo cấp hành chính; tổng kết việc thi hành các quy định khác của Hiến pháp có liên quan đến tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND.

Hội nghị đã thông qua những nội dung cơ bản của dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, một số vấn đề cần quan tâm là theo quy định của Hiến pháp 1992, quyền hạn của Chủ tịch UBND được tăng cường. Một số quyền hạn trước đây thuộc tập thể UBND, nay chuyển cho Chủ tịch UBND: "Chủ tịch UBND có quyền đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản sai trái của UBND cấp dưới, đình chỉ thi hành Nghị quyết sai trái của HĐND cấp dưới, đồng thời đề nghị HĐND cấp mình bãi bỏ những Nghị quyết đó (Điều 124). Luật Tổ chức HĐND và UBND do Quốc hội khoá IX (kỳ họp thứ năm) thông qua ngày 21/6/1994 trên tinh thần Hiến pháp 1992 đã tăng cường quyền lực cho Chủ tịch UBND. Theo quy định tại Điều 52 của luật này Chủ tịch UBND có quyền điều động, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp; phê chuẩn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên khác của UBND cấp dưới trực tiếp....

Qua 19 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đạt được  những kết quả như: Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã góp phần quan trọng vào việc kiện toàn và củng cố một bước tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Hoạt động của HĐND UBND các cấp đã có đổi mới, phát huy được quyền chủ động, sáng tạo theo quy định của pháp luật. HĐND và UBND luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và có hiệu lực, hiệu quả. HĐND các cấp đã phát huy được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng chính quyền và thực thi pháp luật ở địa phương. Những thuân lợi cũng như những khó khăn vướng mắc, bất cập khi thi hành các quy định của Hiến pháp ở địa phương. Đa số các đại biểu đều nhất trí với dự thảo báo cáo tổng kết và đóng góp ý kiết về các vấn đề như: bố cục, nội dung của dự thảo báo cáo, các vấn đề về tổ chức và có nên tồn tại nữa hay không sự hoạt động của HĐND cấp huyện?

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá rất cao tinh thần làm việc của Tổ giúp việc, Tổ chuyên viên trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết. Riêng vấn đề về có duy trì sự tồn tại của HĐND cấp huyện nữa hay không cần đánh giá khách quan hơn và phải đợi kết quả sự chỉ đạo thí điểm bỏ HĐND cấp huyện của Trung ương và đồng thời yêu cầu Sở Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, trên cơ sở nội dung của dự thảo báo cáo tổng kết khẩn trương tập trung bổ sung các ý kiến của các đại biểu đóng góp vào dự thảo cần giải quyết triệt để từng vấn đề cần tổng kết trong báo cáo để trình kỳ họp HĐND tỉnh khóa tới và gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 theo đúng Kế hoạch.

 Tô Hoàng