Sở Tư pháp Quảng Ngãi với công tác tuyên truyền và rà soát văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường

08/12/2011
Để các văn bản pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường thực sự đi vào cuộc sống, Sở Tư pháp Quảng Ngãi với vai trò là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh về công tác tư pháp, đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản về bảo vệ môi trường như: Nghị quyết số 41 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị 29 năm 2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41; Chỉ thị số 34 năm 2004 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ Quảng Ngãi; Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và các văn bản liên quan cho gần 200 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường còn được lồng ghép trong các chương trình phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… để tuyên truyền các nội dung về đất đai, khiếu nại tố cáo, hôn nhân và gia đình, bảo vệ môi trường, tập huấn cho cấp xã theo Đề án 212, đề án II; phối hợp với UBND thành phố Quảng Ngãi triển khai thí điểm mô hình “Ngày pháp luật” để tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 117 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; in 100.000 tờ gấp, 1.000 tờ áp phích với các khẩu hiệu, thông điệp về bảo vệ môi trường cấp phát đến các khu dân cư, hộ gia đình, trường học để chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Quảng Ngãi; tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội thi “Thanh niên tuyên truyền pháp luật giỏi” tỉnh Quảng Ngãi lần thứ nhất dưới hình thức sân khấu hóa với nội dung tập trung vào các quy định pháp luật về dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường… cho 07 câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật” tại 6 huyện, thành phố (Đức Phổ, Mộ Đức, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi). Đồng thời, Sở đã biên soạn hơn 60 câu hỏi và giải đáp pháp luật liên quan đến nội dung trên để tuyên truyền rộng rãi các quy định về bảo vệ môi trường.

Đối với công tác rà soát văn bản, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 07 năm 2010, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu và tổ chức triển khai rà soát các văn bản QPPL liên quan đến công tác bảo vệ môi trường do HĐND và UBND tỉnh ban hành từ năm 1989 đến năm 2011 để kịp thời loại bỏ những văn bản có nội dung không còn phù hợp với pháp luật, chồng chéo, mâu thuẫn làm cho hệ thống văn bản QPPL của tỉnh ngày càng hoàn thiện và hiệu quả. Thông qua việc rà soát 44 văn bản liên quan đến lĩnh vực môi trường với 12 Nghị quyết, 29 Quyết định và 03 Chỉ thị, đã phát hiện 4 văn bản hết hiệu lực và được thay thế bằng một văn bản khác; 03 văn bản có nội dung không phù hợp cần được sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới để thay thế; 02 văn bản bị bãi bỏ và 35 văn bản còn hiệu lực hoàn toàn và một số nội dung chưa có văn bản chỉ đạo thực hiện như: công tác quản lý, bảo vệ môi trường, quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Qua rà soát văn bản liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cho thấy hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường do các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương ban hành còn nhiều bất cập gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương:

Theo đó, tại khoản 3 Điều 14 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 đối với cấp tỉnh chỉ có Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội là đối tượng của đánh giá tác động môi trường và trách nhiệm này được giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhưng ngày 04/11/2009, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 31 hướng dẫn phối hợp giữa Sở Công Thương và Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương lại quy định Sở Công thương chủ trì tổ chức việc thực hiện lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với các chương trình, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm thuộc trách nhiệm của Sở Công thương theo quy định của pháp luật. Đối với nội dung quy định về công tác thanh tra, kiểm tra tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 31 cũng gây khó khăn trong việc xác định ai là chủ thể chủ trì, ai là chủ thể phối hợp trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường dẫn đến chồng chéo về chức năng, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện. Đồng thời, Thông tư số 04 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trước ngày 01/7/2006 thì làm Đề án Bảo vệ môi trường nhưng đến năm 2010 Bộ Tài nguyên và Môi trường lại quyết định dừng tiếp nhận đề án và đến nay vẫn chưa có văn bản mới hướng dẫn, đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra, thanh tra đối với đề án bảo vệ môi trường.

Về nhiệm vụ quản lý chất thải rắn nói chung và công tác điều tra thống kê các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải trên địa bàn tỉnh thuộc nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn do Sở Xây dựng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định tại Nghị định số 59 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn nhưng theo Nghị định số 13 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thông tư liên tịch số 20 năm 2008 của Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã về lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành xây dựng thì Sở Xây dựng không thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý chất thải rắn ở đô thị và Khu công nghiệp nói chung và công tác điều tra, thống kê các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải trên địa bàn tỉnh. Do đó, công tác quản lý chất thải rắn ở đô thị và khu công nghiệp, công tác điều tra, thống kê các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có cơ quan quản lý. Trong khi đó, tại Thông tư số 03 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân các cấp có quy định: Thực hiện việc cấp, gia hạn và thu hồi giấy phép đối với chủ nguồn thải, chủ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nguy hại theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra, cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu theo thẩm quyền. .

Để đảm bảo việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh cần ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 18 năm 2003 về thu phí vệ sinh trên địa bàn tỉnh để đảm bảo phù hợp với Thông tư số 97 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tình hình thực tiễn hiện nay. Đồng thời, cần ban hành Nghị quyết về thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh để thực hiện. Sau khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về phí vệ sinh môi trường thì UBND tỉnh cần ban hành văn bản thay thế Quyết định số 82 năm 2004 của UBND tỉnh về ban hành phí vệ sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra, cần sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường, quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, quy định về phân cấp, phối hợp phối hợp, phân công giữa các Sở, ban, ngành và UBND các huyện thành phố trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Xem xét giao nhiệm vụ công tác quản lý chất thải rắn ở đô thị và khu công nghiệp; công tác điều tra, thống kê các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải trên địa bàn cho Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý đúng theo quy định Thông tư số 03 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để Hội đồng này hoạt động đúng với chức năng, nhiệm vụ khi được thành lập./.

Hữu Duy