Tình hình công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi - một số khó khăn và kiến nghị

09/12/2011
Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý và rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, trong thời gian qua, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, cũng như bố trí về kinh phí; tổ chức, biên chế; xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm tra văn bản và hướng dẫn, phổ biến, triển khai tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, một số kết quả đạt được như sau:

Đối với cấp tỉnh, về công tác tự kiểm tra: Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 48 văn bản của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh, qua đó đã kiến nghị UBND và Chủ tịch UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế 08 văn bản có nội dung, hình thức không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu giúp UBND tỉnh chỉnh sửa cho phù hợp.

Về công tác kiểm tra theo thẩm quyền, Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 163 văn bản do HĐND và UBND cấp huyện gửi đến sau khi ban hành, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý 24 văn bản quy phạm. Đồng thởi tổ chức kiểm tra 169.003 văn bản các loại do HĐND và UBND của 05 huyện đã ban hành trong thời gian qua gồm: Sơn Hà, Đức Phổ, Ba Tơ, Bình Sơn và Thành phố Quảng Ngãi. Kết quả, đã kiến nghị kiến nghị UBND của 05 huyện xử lý 36 văn bản quy phạm, trong đó có 24 văn bản sai về nội dung, 09 văn bản sai căn cứ pháp lý, 01 văn bản sai về thẩm quyền ban hành, 01 văn bản sai về hình thức.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn giao Sở Tư pháp thực hiện việc rà soát, hệ thống hóa các văn bản liên quan đến lĩnh vực bán đấu giá tài sản do HĐND và UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành từ năm 1989 - 2010 với tổng số 38 văn bản các loại. Qua rà soát, có 03 văn bản cần hủy bỏ, bãi bỏ; 20 văn bản cần sửa đổi, bổ sung; 09 văn bản còn hiệu lực và 07 văn bản hết hiệu lực. Hiện nay, Sở Tư pháp đang tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định công bố các danh mục văn bản được rà soát và tiến hành xuất bản tập hệ thống hóa các văn bản liên quan đến lĩnh vực bán đấu giá được rà soát. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức rà soát, kiểm tra văn bản thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường; đầu tư, thông tin, truyền thông, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999; phòng, chống tham nhũng; WTO theo chỉ đạo của các Bộ, Ngành Trung ương

Đối với cấp huyện, nhìn chung công tác kiểm tra, tự kiểm tra theo thẩm quyền và rà soát văn bản được quan tâm thực hiện tốt ở các huyện như Lý Sơn; Bình Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Mộ Đức, Sơn Tây, Sơn Tịnh, Trà Bồng. Qua kiểm tra các huyện đã phát hiện nhiều văn bản quy phạm sai sót và tiến hành xử lý đối với toàn bộ văn bản này. Riêng đối với các huyện Sơn Hà, Minh Long và Thành phố Quảng Ngãi vẫn chưa thực hiện công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền và công tác rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm do HĐND, UBND huyện ban hành.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn gặp một số khó khăn như:

Sự quan tâm của lãnh đạo và cán bộ, công chức tại một số cơ quan, địa phương về văn bản nói chung và công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản nói riêng vẫn chưa cao, nhiều đơn vị vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản, trong khi đây là hoạt động trọng tâm trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. 

Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức Tư pháp cấp huyện, cấp xã hiện nay vẫn còn thiếu và yếu, chưa được tập huấn sâu về chuyên môn. Đặc biệt, riêng đối với Tư pháp cấp xã, biên chế vẫn còn thiếu hụt lớn, đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp thường xuyên có sự xáo trộn do chuyển vị trí công tác, chưa được bồi dưỡng chuyên môn về văn bản thường xuyên nên công tác soạn thảo, kiểm tra, rà soát văn bản hiện vẫn chưa được triển khai thực hiện, mà chủ yếu tập trung giải quyết các sự vụ, sự việc về hộ tịch, chứng thực.

Cơ sở để xác định văn bản quy phạm pháp luật với văn bản không quy phạm pháp luật hiện vẫn chưa rõ ràng. Những dấu hiệu để phân biệt văn bản quy phạm pháp luật với văn bản cá biệt theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND và theo liệt kê tại Nghị định số 91/2006/NĐ-CP của Chính phủ còn có những cách hiểu khác nhau, chưa đầy đủ làm cho việc xác định yếu tố quy phạm để quyết định đến hình thức, thẩm quyền ban hành văn bản đôi lúc gặp không ít khó khăn hoặc có một số văn bản cá biệt sau khi ban hành, cơ quan Tư pháp kiểm tra phát hiện có chứa quy phạm nhưng theo quan điểm của cơ quan tham mưu soạn thảo, kể cả cơ quan ban hành lại cho rằng không có tính quy phạm, dẫn đến việc xử lý văn bản sau kiểm tra, rà soát cũng rất khó khăn và không thuyết phục, thiếu sự thống nhất giữa các cơ quan với nhau.

Quy định về rà soát, hệ thống hóa văn bản hiện chỉ mới được đề cập chung trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004, Nghị định số 91/2006/NĐ-CP và Nghị định số 40/2010/NĐ-CP của Chính phủ mà vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về quy trình, cách thức tổ chức rà soát, công bố… dẫn đến địa phương rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Về kiến nghị, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng đề án kiện toàn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đề án của Bộ để địa phương đề nghị cơ quan có thẩm quyền bố trí cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản, đặc biệt là ở cấp huyện. Đồng thời, tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản mới thay thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 trên cơ sở nhập chung vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn chuyên sâu về công tác kiểm tra, rà soát văn bản cũng như các văn bản pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng và phức tạp để trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản./.

Cẩm Giang