Đây là nội dung trọng tâm được thảo luận tại cuộc tọa đàm do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức ngày 21/12, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Nghị định 158 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2006. Ngay từ đầu, UBND các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện, đặc biệt là đối với những việc mới phân cấp từ UBND thành phố về Sở Tư pháp, từ UBND thành phố xuống các quận, huyện theo phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đảm bảo đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi công việc cụ thể, các cán bộ tư pháp cơ sở đã vấp phải khá nhiều khó khăn, vướng mắc gây lúng túng khi áp dụng luật. Điển hình là các quy định về: thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; thủ tục đăng ký quá hạn, đăng ký lại việc sinh, tử; lệ phí hộ tịch...Cụ thể như trường hợp có cả đăng ký hộ khẩu thường trú (đã chuyển đến nơi ở mới nhiều năm nhưng chưa cắt, chuyển hộ khẩu) và đăng ký tạm trú có thời hạn thì nơi nào có thẩm quyền đăng ký hộ tịch? Tại quyển "Hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký và quản lý hộ tịch", hướng dẫn số 5 phần hỏi đáp về nghiệp vụ đăng ký hộ tịch có nêu: "Trong trường hợp một người có hộ khẩu thường trú và có cả đăng ký tạm trú có thời hạn, thì thẩm quyền đăng ký hộ tịch là nơi có đăng ký hộ khẩu thường trú". Nhưng hướng dẫn này lại không có trong nội dung Điều 8 của Nghị định 158 nên cán bộ tư pháp hộ tịch khó xác định thẩm quyền nơi đăng ký hộ tịch...
Những vướng mắc này đã được cán bộ tư pháp các quận, huyện thẳng thắn trao đổi, rút kinh nghiệm và bàn bạc tìm cách tháo gỡ. Đại diện Bộ Tư pháp cho biết Bộ sẽ tập hợp những ý kiến này để xem xét khả năng bổ sung, cụ thể hóa trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này trong thời gian tới./.
(Theo website Đảng Cộng sản)