Ninh BÌnh: Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động Thi hành án dân sự

12/12/2006
Công tác thi hành các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật về phần nghĩa vụ dân sự là công việc khó khăn, kéo dài. Trong những năm qua cùng với việc phối kết hợp với các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho đối tượng phải thi hành án, ngành Tư pháp Ninh Bình đã trú trọng đến việc kiện toàn củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác này, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 49/NQ-TW về chiến lược cải cách tư pháp .

Trước thực trang đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án nói chung và đội ngũ chấp hành viên nói riêng của tỉnh còn thiếu, cuối năm 2005 , tại 8/8 huyện thị chỉ có 61 cán bộ trong đó có 27 cán bộ là chấp hành viên, phải đảm đương tổ chức thi hành trên 3000 nghìn vụ việc với số lượng tiền, trên 80 tỷ đồng. Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, UBND Tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp bổ xung biên chế, đồng thời xét đề nghị bổ nhiệm và bổ nhiệm lại Chấp hành viên , đảm bảo hoạt động nghiệp vụ đối với các đơn vị thi hành án, phấn đấu mỗi đơn vị có từ 08 biên chế và 4 Chấp hành viên trở lên. Riêng các đơn vị thi hành án tỉnh, thị xã phải có từ 15-20 biên chế trong đó có từ 5-7 Chấp hành viên mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thực hiện Nghị định 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ và Thông tư 06/BTP ngày 24/6/2006 của Bộ Tư pháp về xét tuyển chọn đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chấp hành viên các đơn vị thi hành án dân sự nhiệm kỳ 2005-2010, UBND tỉnh Ninh Bình đã thành lập Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh, đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm 41 chấp hành viên ( bổ nhiệm mới 15, bổ nhiệm lại 26), sau khi xem xét, Bộ Tư pháp đã ra quyết định bổ nhiệm 39 chấp hành viên (trong đó có 5 chấp hành viên cấp tỉnh và 34 chấp hành viên cấp huyện. đồng thời UBND tỉnh đã chỉ đạo Giám đốc Sở Tư pháp báo cáo với Bộ Tư pháp thống nhất với chủ tịch UBND các huyện, thị xã kiện toàn ban lãnh đạo 8/8 đơn vị thi hành án huyện, thị xã. Đến nay các đơn vị thi hành án từ tỉnh đến huyện thị xã đã có đủ cán bộ quản lý để điều hành công việc. Cùng với việc tăng biên chế và bổ xung đội ngũ chấp hành viên, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất lối sống, đạo đức kỷ luật nghiệp vụ đối với cán bộ công chức thi hành án dân sự, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm kỷ luật trong chuyên môn.

Thực hiện chương trình đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ thi hành án, trong năm 2006 Sở Tư pháp đã cử 03 công chức đi học đào tạo Chấp hành viên ở Học viện Tư pháp. 07 đồng chí theo học chương trình Đại học Luật, 08 cán bộ đi học đào tạo nghiệp vụ Kế toán trưởng, Từng tháng từng quý tổ chức giao ban, tập huấn cho đội ngũ chấp hành viên thường xuyên quán triệt, triển khai những văn bản mới ban hành. Do đó đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thi hành án trong quá trình tác nghiệp. Nhờ chú trọng đến công tác củng cố kiện toàn, bồi dưỡng cán bộ, trong năm 2006 hoạt động Thi hành án ở Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả thi hành án về việc và tiền tăng hơn so với những năm trước. Năm 2006 tổng số việc phải thi hành là 3.424 việc, số tiền phải thi hành là 85.675.544.000đ. Qua phân loại có 1.763 việc có điều kiện thi hành với số tiền 25.864.383.000đ có khả năng thi hành. số việc chưa có điều kiện thi hành 1.661 việc với số tiền không và chưa có điều kiện thu 59.811.261.000đ. Đối với số việc có điều kiện thi hành, các đơn vị đã thi hành xong 1.437 việc ( trong đó thi hành xong 1.045 việc, đình chỉ 124 việc, uỷ thác 136 việc, trả đơn 59 việc, thi hành đều 73 việc), thi hành dở dang 232 việc, thi hành chưa có kết quả 94 việc.Về tiền đã thi hành 22.989.347.000đ trên tổng số tiền có điều kiện 25.864.283.000đ trong đó thực thu 8.336.836.000đ gồm thu cho ngân sách 1.946.440.000đ0, thu cho cơ quan, tổ chức xã hội 1.655.962.000đ, thu cho công dân 4.734.434.000đ), thu theo giá trị hiện vật cho công dân 447.540.000đ, giải quyết bằng các biện pháp pháp luật khác 14.174.971.00đ. Kết quả thi hành án dân sự năm 2006 đạt 94,5% về việc, trong đó số việc thi hành xong hoàn toàn là 81%; 89% về tiền trong đó tỷ lệ thực thu so với số tiền có khả năng thu đạt 71%. Vượt mức 5,4 về việc, 16% về tiền so với chỉ tiêu do Bộ Tư pháp quy định; Vượt 7,4% về việc và 8% về tiền so với năm 2005. Việc xác minh, phân loại và tổ chức đôn đốc thi hành án, làm giảm án tồn đọng không được thi hành cũng được chú trọng.Nhiều vụ việc được thi hành án dân sự các huyện, thị xã giải quyết dứt điểm, điển hình là: Vụ thanh toán nợ giữa ông Hoàn và bà Liên; Ông Thìn - bà Tuyết với các chủ nợ (thị xã Tam Điệp); Vụ tranh chấp đất đai giữa ông An – ông Tiu; ông An – ông Kiệm xã Kim Trung, vụ bồi thường thiệt hại giữa ông Cảnh – ông Dược xã Chất Bình (huyện Kim Sơn); Thanh toán tài sản sau ly hôn giữa 2 vợ chồng Sơn - Thiện, Thanh toán nợ đối với ông Trần Văn Thất ( huyện Yên Khánh), 2 vụ cưỡng chế giao nhà giữa anh Hùng - chị Thu; giữa chị Nhung – anh Cừu (huyện Yên Mô). Các vụ việc trên đều kéo dài nhiều năm, nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp uỷ , chính quyền các huyện thị xã cùng đội ngũ cán bộ tâm huyết trách nhiệm với công việc đến nay đã được thi hành dứt điểm.

Đối với án chuyển giao cấp xã, cùng với việc tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp, tại các huyện thị Cơ quan thi hành án phân công nhiệm vụ cho Chấp hành viên phụ trách từng địa bàn cụ thể, theo đó phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc cơ sở áp dụng nhiều biện pháp trong quá trình giải quyết các vụ việc được chuyển giao, vì vậy những vướng mắc trong công tác này ở cơ sở kịp thời được tháo gỡ, tạo nên sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở trong việc áp dụng các quy định của pháp luật về Thi hành án. Trong năm 2006, số án chuyển giao cho cấp xã đôn đốc thi hành là 1.068 việc (trong đó 702 việc của năm 2005 còn tồn lại và 366 việc mới chuyển giao) với số tiền phải thu 193.062.000đ. Chính quyền cấp xã đã đôn đốc thi hành xong 369 việc, thi hành đều 19 việc, thi hành dở dang 116 việc, chuyển lại cơ quan thi hành án 80 việc, thi hành chưa có kết quả 484 việc. số tiền đã thi hành 72.088.000đ (trong đó thu ngân sách 65.673.000đ, thu theo đơn yêu cầu cuả công dân 6.415.000đ) số tìên chuyển sang năm sau phải thi hành tiếp là 121.514.000đ. Tỷ lệ thi hành án chuyển giao cấp xã năm 2006 đạt 55% về việc và 37% về tiền.

So với các năm trước tỷ lệ thi hành án ở cấp xã năm 2006 đạt tỷ lệ khá hơn, một mặt do sự nỗ lực của Ban tư pháp cấp xã, Mặt khác trong năm 2006 Sở Tư pháp đã phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức lớp tập huấn trong thời gian 7 ngày cho cán bộ tư pháp 146 xã, phường, thị trấn trong tỉnh về công tác Tư pháp, trong đó có chuyên đề nghiệp vụ công tác thi hành án dân sự, qua đó giúp đội ngũ cán bộ Tư pháp xã phường thị trấn nâng cao kiến thức chuyên môn trong công tác thi hành các bản án được chuyển giao tại cơ sở. Từ việc chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng , kiện toàn đội ngũ cán bộ cùng với sự tăng cường sự quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, có thể nói năm 2006 hoạt động thi hành án dân sư ở Ninh Bình đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều giải pháp tích cực trọng việc thi hành dứt điểm các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành Tư pháp, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Nghị Quyết 49/NQ-TW trong công tác thi hành án dân sự, Ông Lê văn Chắt – Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình cho biết: “Năm 2007 ngành tư pháp Ninh Bình tiếp tục báo cáo với Bộ Tư pháp và tham mưu giúp UBND tỉnh có giải pháp kiện toàn các đơn vị, đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án dân sự.Tăng cường sự phối hợp giữa ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh với UBND các huyện, thị xã và các ngành chức năng trong việc chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đề xuất những giải pháp để từng bước tăng cường và đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự ở địa phương.”/.

(Thiều Thị Tú - Sở Tư pháp Ninh Bình)