Phòng văn bản pháp quy Sở Tư pháp Quảng ngãi: Hoàn thành nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu xây dựng ngành

07/12/2006
Đến cuối tháng 11 năm 2006, Phòng Văn bản pháp quy Sở Tư pháp Quảng Ngãi đã thực hiện một khối lượng lớn công việc. Với lực lượng cán bộ trẻ, năng động và đầy nhiệt huyết, Phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và những công việc được lãnh đạo Sở Tư pháp Quảng Ngãi giao.

Số lượng văn bản do Phòng thẩm định, góp ý (góp ý với văn bản cá biệt như: Kế hoạch, Đề án, Chương trình… của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) năm nay nhiều hơn so với các năm trước và nội dung văn bản được đánh giá là phức tạp, đa dạng hơn. Đến cuối tháng mười một, đã thẩm định, góp ý 179 văn bản, nhiều hơn 109 văn bản trên tổng số 70 văn bản trong Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2006 của UBND tỉnh Quảng Ngãi và nhiều hơn 38 văn bản so với năm 2005. Dự kiến đến cuối năm, số lượng văn bản thẩm định, góp ý sẽ vào khoảng 186 văn bản. Công tác thẩm định văn bản đã thực sự góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng các văn bản của UBND tỉnh đã ban hành trong năm qua. Tuy số lượng văn bản nhiều, phức tạp nhưng xuyên suốt trong quá trình thẩm định, góp ý Phòng luôn đề cao chất lượng thẩm định, góp ý, không bỏ qua bất cứ chi tiết nào dù là nhỏ nhất. Có những dự thảo văn bản của UBND tỉnh Quảng Ngãi được các Sở, Ban, Ngành tham mưu nhưng qua thẩm định phát hiện không thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh hoặc nội dung quy định không phù hợp thì Phòng cương quyết không đồng ý ban hành, thậm chí có những văn bản Phòng yêu cầu cơ quan tham mưu, soạn thảo phải sửa đổi, dự thảo lại đến lần thứ ba mới đồng ý trình UBND tỉnh xem xét ban hành. Việc thẩm định, góp ý chặt chẽ của Phòng không chỉ giúp cho UBND tỉnh Quảng Ngãi yên tâm khi ban hành văn bản mà còn giúp cho các cơ quan tham mưu chú trọng nâng cao năng lực trong khâu soạn thảo, xây dựng văn bản và nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc tham mưu văn bản cho UBND tỉnh.

Cùng với việc thẩm định, góp ý văn bản của UBND tỉnh, Phòng còn giúp lãnh đạo Sở tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi giải quyết 31 vụ xử lý hành chính, tổ chức lấy ý kiến và góp ý 21 dự thảo văn bản quy phạm của trung ương, bao gồm: 08 dự thảo luật (Luật bình đẳng giới, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật trưng cầu ý dân, Luật Công chứng…), 06 nghị định và 07 thông tư. Trong công tác xây dựng pháp luật, trực tiếp tham mưu soạn thảo 09 văn bản để Sở trình UBND tỉnh ban hành.

Ngay từ đầu năm, hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản cũng được triển khai thực hiện trên đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Khởi đầu cho công tác này là việc kiểm tra, rà soát văn bản của UBND tỉnh Quảng Ngãi theo Chỉ thị số 32/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Phòng đã trực tiếp và tham mưu cho Sở chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành tổ chức kiểm tra, rà soát trên bảy lĩnh vực: Giao thông; dân sự; tư pháp, công nghiệp, đầu tư; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tài chính. Tổng số văn bản được kiểm tra, rà soát là 134 văn bản, kiến nghị UBND tỉnh hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 16 văn bản. Đối với hoạt động tự kiểm tra văn bản của UBND tỉnh Quảng  Ngãi, phát hiện và tham mưu cho Sở kiến nghị UBND tỉnh hủy bỏ 02 văn bản trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản và cưỡng chế nợ thuế, sửa đổi 01 văn bản quy định về cơ cấu, tổ chức bộ máy đã được UBND tỉnh ban hành trong năm 2006 có nội dung không phù hợp với quy định.

Chú trọng đến công tác ban hành và quản lý văn bản của các huyện, thành phố, từ đầu năm đến nay, Phòng đã tổ chức kiểm tra 168 văn bản quy phạm của HĐND và UBND các huyện, thành phố sau khi ban hành gửi về Sở Tư pháp Quảng Ngãi và phát hiện, kiến nghị các huyện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 26 văn bản có nội dung sai. Đặc biệt đến cuối tháng chín của năm, Phòng đã hoàn thành sớm kế hoạch kiểm tra văn bản năm 2006 của UBND tỉnh Quảng Ngãi tại HĐND và UBND sáu huyện, trong khi số huyện được kiểm tra nhiều hơn các năm hai huyện và lượng văn bản kiểm tra cũng nhiều hơn khoảng 14.000 văn bản. Tổng số văn bản qua kiểm tra sáu huyện: Tây Trà, Lý Sơn, Sơn Hà, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh là 39.800 văn bản, phát hiện 2.105 văn bản sai (sai về căn cứ, thẩm quyền, nội dung và hình thức), kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế và hủy bỏ 172 văn bản sai nội dung đang còn hiệu lực. Đây cũng là năm đầu tiên đi đôi với việc kiểm tra văn bản, còn triển khai kiểm tra cả hoạt động quản lý nhà nước của HĐND và UBND huyện trên lĩnh vực này như kiểm tra hoạt động thẩm tra, thẩm định văn bản quy phạm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004; hoạt động tự kiểm tra, rà soát văn bản và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền đối với cấp xã theo quy định tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

Mục tiêu kiểm tra văn bản của Phòng không phải chỉ để phát hiện sai sót mà mục đích chính được hướng đến trong công tác kiểm tra là giúp các huyện thấy được những nguyên nhân hoặc những hạn chế dẫn đến việc ban hành văn bản sai, qua đó kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các sai sót để bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động ban hành văn bản. Chính vì vậy, khi kết thúc kiểm tra đa số các huyện đều mong muốn công tác kiểm tra văn bản được duy trì thường xuyên, thời gian kiểm tra định kỳ nên rút ngắn lại mỗi năm một lần thay vì hai năm một lần như hiện nay. Bên cạnh đó, qua kiểm tra văn bản tại các huyện cũng là dịp để cán bộ của Phòng thâm nhập, tìm hiểu thực tiễn của việc triển khai, áp dụng các quy định của pháp luật vào thực tế của địa phương, từ đó rút ra những kinh nghiệm, bài học cho bản thân trong việc xây dựng, thẩm định và góp ý văn bản.

Bước đầu đạt được những thành tích như trên không phải ngẫu nhiên có được mà đó là kết quả của sự đầu tư về con người, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp trong nhiều năm qua dành cho Phòng. Trong khi chế độ phụ cấp, hỗ trợ cho người làm công tác văn bản chưa có nhưng bù lại lãnh đạo Sở vẫn luôn quan tâm và động viên Phòng hoàn thành công việc kể cả làm ngoài giờ. Đối với Phòng, xác định đây là mảng công việc khó, đòi hỏi sự chính xác cao trong chuyên môn, vì vậy mỗi cán bộ làm công tác văn bản phải luôn tự đổi mới kỹ năng nghiệp vụ, đồng thời không ngừng trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ, chuyên môn cho bản thân, tránh bị tụt hậu. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay công tác văn bản đã có sự thay đổi cơ bản, nếu trước đây, chỉ dừng lại ở việc góp ý văn bản quy phạm thì nay luật quy định văn bản quy phạm phải được tổ chức thẩm định chặt chẽ theo từng tiêu chí. Công tác kiểm tra văn bản không đơn thuần chỉ tập trung vào kiểm tra văn bản đã ban hành mà định kỳ phải tổ chức kiểm tra, rà soát để hệ thống hóa lại toàn bộ văn bản của HĐND và UBND tỉnh đã ban hành theo từng lĩnh vực, từng giai đoạn. Ngoài ra, người làm công tác văn bản còn phải chịu trách nhiệm nếu việc tham mưu, thẩm định của mình không chính xác, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân.

Không dừng lại ở công tác chuyên môn, việc nâng cao vị thế và vai trò của công tác văn bản trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển hoạt động của ngành tư pháp Quảng Ngãi là mục tiêu trọng tâm mà Phòng đang hướng đến. Để thực hiện mục tiêu này, hiện tại Phòng đã hoàn thành việc tham mưu Sở trình UBND tỉnh ban hành quy trình xây dựng, thẩm định văn bản và các cơ chế cần thiết để bảo đảm kinh phí cho hoạt động xây dựng và kiểm tra văn bản trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian đến, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu Sở thực hiện đề án về củng cố và kiện toàn lại cơ cấu, tổ chức bộ máy làm công tác văn bản để công tác văn bản thực sự giữ vai trò chủ đạo trong việc quản lý nhà nước bằng pháp luật, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.

(Thanh Hoài)