Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và một số đề xuất, kiến nghị

10/11/2008
Sau gần hai năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) và Chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh) ngày càng được chú trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác trợ giúp pháp lý trong tình hình mới.

Kỳ I: Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm và việc rà soát, củng cố, kiện toàn mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở, thành lập các Chi nhánh của Trung tâm.

 

1) Công tác kiện toàn tổ chức của Trung tâm

Ngay sau khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực pháp luật, tất cả các địa phương đều tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và củng cố, kiện toàn Trung tâm, thành lập mới một số Chi nhánh của Trung tâm. Đến nay, đã có 63/63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp được thành lập, củng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động. Hầu hết, các địa phương đều đã tiến hành việc đổi tên, khắc con dấu mới cho Trung tâm. Nhiều nơi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy hoặc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Trung tâm theo nội dung và tinh thần của Luật Trợ giúp pháp lý (đã có 55/63  tỉnh, thành phố thực hiện việc phê duyệt). Số còn lại cũng đã xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ của Trung tâm và đang chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp có Quyết định số 02/2008/QĐ-BTP ngày 28/02/2008 ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, đã có gần 30 địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm và ra Quyết định thành lập các Chi nhánh của Trung tâm.

Các Quyết định trên đây đã tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Trung tâm và thành lập các Chi nhánh của Trung tâm, đưa hoạt động trợ giúp pháp lý vào nề nếp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ. Một số Trung tâm đã được bổ nhiệm 02 Phó Giám đốc Trung tâm (Tp. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Lào Cai, Hoà Bình, Hải Phòng, Hà Nội...). Nhiều Trung tâm đã thành lập các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm tính chuyên môn hoá và bổ nhiệm các chức danh quản lý của Phòng (Lào Cai, Hải Dương, Bắc Giang, Điện Biên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Cà Mau...).

 

2) Rà soát, củng cố, kiện toàn mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở và thành lập các Chi nhánh của Trung tâm

Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực pháp luật, hầu hết các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đều tiến hành rà soát lại mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở, bao gồm các Chi nhánh, Tổ trợ giúp pháp lý, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được thành lập theo Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ, để tiến hành việc sắp xếp, bố trí lại mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở cho phù hợp với nội dung và tinh thần của Luật Trợ giúp pháp lý. Trên cơ sở kết quả rà soát, các Trung tâm đã củng cố mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở. Qua rà soát, trong toàn quốc có khoảng 886 Tổ trợ giúp pháp lý, 845 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và 715 Điểm trợ giúp pháp lý được thành lập ở cơ sở. Căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý và khả năng phát triển đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, nhiều địa phương khi phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, cán bộ của Trung tâm đều xác định phải thành lập các Chi nhánh của Trung tâm. Qua các Đề án cho thấy, đến 2010, trong toàn quốc dự kiến sẽ có khoảng gần 300 Chi nhánh. Có địa phương dự kiến thành lập Chi nhánh tại tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện (Hà Nội, Lào Cai, Hoà Bình, Bắc Kạn, Đồng Nai...) nhưng cũng có nhiều địa phương Chi nhánh được thành lập để thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn liên huyện, ở nhiều đơn vị hành chính cấp huyện (Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ...). Cá biệt có địa phương chỉ duy trì hoạt động của Trung tâm và thành lập 01 Chi nhánh (Bắc Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng...). Tuy nhiên, cũng còn một số địa phương không thành lập các Chi nhánh (Hà Nam, Sóc Trăng) mà chờ các địa phương khác triển khai thực hiện trên cơ sở kết quả thu được sẽ tiến hành thành lập các Chi nhánh trong thời gian tiếp theo.

Sau hơn một năm, đến nay, nhiều địa phương đã thành lập các Chi nhánh của Trung tâm tại một số đơn vị hành chính cấp huyện. Trong toàn quốc hiện có khoảng 127 Chi nhánh của Trung tâm được thành lập. Trong đó địa phương thành lập được nhiều Chi nhánh là Lào Cai, Quảng Nam (05 Chi nhánh); một số Trung tâm đã thành lập được từ 02 - 04 Chi nhánh (Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long...). Nhiều địa phương cũng đã thực hiện việc khảo sát, lựa chọn nguồn cán bộ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập các Chi nhánh. Ngoài ra, ở một số địa phương, do chưa thể bố trí được các Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách cũng như chưa có nguồn lực người thực hiện trợ giúp pháp lý để tiến hành thành lập các Chi nhánh theo Luật Trợ giúp pháp lý đã tận dụng các Tổ trợ giúp pháp lý hiện có để xây dựng mạng lưới các Tổ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý (Long An, Cà Mau, Bạc Liêu, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế...) nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân.

Cùng với việc củng cố, thành lập các Chi nhánh của Trung tâm, phát triển mạng lưới các Tổ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý, căn cứ vào Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP và Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, để triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, hầu hết các địa phương đều duy trì mạng lưới các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các đơn vị hành chính cấp xã, nhất là các xã nghèo, xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các tỉnh đều thành lập được từ 10 - 15 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, Nhiều địa phương thành lập được nhiều hơn như: Bình Dương, Quảng Nam (57); Đồng Tháp (51); Trà Vinh (42); Gia Lai (39); Quảng Bình (32); Nam Định (32). Sự ra đời, tồn tại và phát triển của mạng lưới Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã tạo diễn đàn để người được trợ giúp pháp lý ở địa phương tham gia sinh hoạt, trao đổi, thảo luận về những vấn đề có liên quan đến vướng mắc pháp luật ngay tại cơ sở, tạo thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý trong việc tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý, tận dụng nguồn lực tại chỗ và thúc đẩy đối thoại giữa người dân và chính quyền các cấp.

Còn tiếp...

Nghiệp Vũ