Quảng Nam: Hội thảo về quy định trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản QPPL

10/11/2008
Nhằm nâng cao chất lượng ban hành văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, ngày 01/8/2007 UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND về Quy định trình tự thủ tục soạn thảo văn bản QPPL. Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 1 năm thực hiện, với sự tham gia của các cơ quan pháp chế, đoàn thể chính trị, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đều thống nhất, với những quy định cụ thể về trách nhiệm, nội dung, phương pháp, việc xây dựng kế hoạch, chương trình ban hành văn bản QPPL đã dần đi vào nề nếp; các ngành, địa phương đã chủ động hơn trong việc soạn thảo, lấy ý kiến góp ý, thẩm định của các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng nội dung, tính pháp lý và khả năng thực thi của văn bản QPPL. Tính đến nay, văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp của tỉnh Quảng Nam được ban hành đảm bảo đúng theo quy trình, thủ tục luật định, nội dung văn bản đúng quy định của pháp luật hiện hành và đáp ứng được yêu cầu quản lý, lãnh đạo điều hành của các cấp và nguyện vọng của nhân dân.

            Tuy nhiên, cũng tại Hội thảo các đại biểu cũng đã đưa ra những vướng mắc khó khăn, tồn tại trong việc ban hành văn bản QPPL các cấp hiện nay; Việc nhận thức tầm quan trọng của văn bản QPPL ở một bộ phận cán bộ, công chức, cơ quan được giao dự thảo văn bản chưa cao, nội dung dự thảo còn sơ sài thiếu những luận chứng pháp lý cần thiết của một văn bản QPPL, căn cứ ban hành văn bản QPPL không vững chắc; thông tin của văn bản chủ yếu rập khuôn theo các văn bản quy định của cấp trên, khả năng thực thi văn bản ở địa phương còn chưa cao. Công tác phối hợp giữa cơ quan dự thảo văn bản QPPL với cơ quan góp ý, thẩm định còn hạn chế, việc trao đổi, cung cấp thông tin phản biện trong quá trình thẩm định văn bản chưa được thực hiện nghiêm mà hầu hết trách nhiệm này được giao cho cơ quan Tư pháp, mặt khác Luật ban hành văn bản QPPL cũng đã quy định rõ thời gian gửi văn bản thẩm định, nhưng thực tế các văn bản gửi đến cơ quan thẩm định trễ so với quy định, tạo ra một áp lực rất lớn cho công tác thẩm định. Ngoài ra chưa có sự hiểu, nhận thức đúng, thống nhất trong việc phân biệt văn bản QPPL và văn bản hành chính thông thường, dẫn đến hiện tượng lạm dụng ban hành quá nhiều văn bản QPPL, nhưng ngược lại có tâm lý ngại ban hành văn bản QPPL.

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, việc ban hành văn bản QPPL của địa phương phải phù hợp với các điều ước quốc tế, bảo đảm đúng cam kết của Việt Nam với WTO như: cam kết về hạn ngạch, thuế quan, trợ cấp phi nông nghiệp, quyền xuất nhập khẩu, thực hiện minh bạch hoá, mở cửa thị trường dịch vụ… và đây có thể xem là một yếu tố bắt buộc, thách thức đối với việc ban hành văn bản QPPL ở các địa phương.

Để giải quyết các cấn đề vướng mắc, tại Hội thảo các đại biểu cũng đã đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng ban hành văn bản QPPL của địa phương.

Trước hết cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành ở địa phương về tầm quan trọng của văn bản QPPL. Chủ động rà soát nhu cầu ban hành văn bản QPPL trên các lĩnh vực để xây dựng chương trình ban hành văn bản QPPL để hạn chế việc bỏ sót, làm tắt để nâng cao chất lượng văn bản QPPL.

Phải yêu cầu chặt chẽ hơn đối với đề nghị, kiến nghị xây dựng văn bản QPPL, cơ quan soạn thảo, đề nghị ban hành văn bản QPPL phải nêu rõ tính cấp thiết phải ban hành văn bản, cơ sở pháp lý, bố cục nội dung chính của văn bản và dự báo tác động của văn bản đến phát triển kinh tế, xã hội và dư luận nhân dân. Do vậy trước khi đề xuất ban hành văn bản QPPL các cơ quan chủ trì dự thảo cần phải trao đổi với cơ quan Tư pháp, Ban pháp chế HĐND để làm rõ các vấn đề nêu trên, tránh mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong quá trình triển khai chương trình ban hành văn bản QPPL.

Tổ chức lấy ý kiến góp ý phải theo hướng lấy ý kiến của Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhân dân về dự thảo văn bản QPPL là giai đoạn bắt buộc vì liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân trên nhiều lĩnh vực.

Cần xác định đúng cơ quan có thẩm quyền trực tiếp đề xuất UBND tỉnh ban hành văn bản QPPL theo quy định của Nghị định 135/2003/NĐ-CP. Về lý luận, bất kỳ tổ chức, cá nhân hợp pháp nào đều có quyền đề nghị Nhà nước ban hành văn bản, tuy nhiên những kiến nghị đó phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước tiếp nhận, kiểm soát trước khi quyết định đề nghị cấp có thẩm ban hành để đảm bảo tính thống nhất và toàn diện.

Cần thiết xây dựng đội ngũ tham mưu, thẩm định văn bản QPPL có năng lực; nâng cao năng lực của hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về văn bản QPPL để tuyên truyền triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản QPPL.

Quan tâm bố trí kinh phí cho công tác xây dựng văn bản QPPL vì theo quy định của Thông tư 158/TTLT-BTP-BTC  quy định mức hỗ trợ công tác kiểm tra văn bản rất khó thực hiện ở cơ sở. Đồng thời, chế độ hỗ trợ và kinh phí phục vụ cho quá trình xây dựng văn bản chưa có quy định cụ thể nên ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện.

Trần Trung Kiên