Quảng Nam, Quảng Ngãi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành về trợ giúp pháp lý

10/11/2008
Thực hiện Quyết định số 1772/QĐ-BTP ngày 22/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, từ ngày 27/10 - 29/10/2008 Đoàn kiểm tra liên ngành về trợ giúp pháp lý đã đến làm việc tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Ông Chu Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý làm Trưởng đoàn và các thành viên là Ông Vũ Hồng Tuyến, Bà Đặng Thị Loan - Phó Trưởng phòng thuộc Cục Trợ giúp pháp lý; Ông Hà Văn Sáng - chuyên viên chính, Văn phòng Chính phủ; Ông Vũ Đức Thuận - chuyên viên, Bộ Nội vụ; Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - chuyên viên, Bộ Tài chính.

Làm việc với Đoàn kiểm tra: có lãnh đạo Sở Tư pháp, đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Toà án, Viện kiểm sát, Công an, Sở Tài chính, Nội vụ, Uỷ ban Dân tộc tỉnh, lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước… Riêng ở Quảng Nam, đồng chí Lê Minh Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc trực tiếp với Đoàn và nghe báo cáo về hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương. Được uỷ quyền của đồng chí Chủ tịch, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh đã báo cáo với Đoàn về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, các văn bản hướng dẫn thi hành và kết quả triển khai chính sách trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và Chương trình 135 giai đoạn II của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, đại diện, các ban, ngành ở tỉnh đã phát biểu, trao đổi về công tác trợ giúp pháp lý.

Việc tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Trợ giúp pháp: Ngay sau khi Luật Trợ giúp pháp lý được thông quan, UBND 2 tỉnh đã có Công văn số chỉ đạo các ngành, các cấp và các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thi hành Luật Trợ giúp pháp lý tại địa phương. ồng thời, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chỉ đạo các địa phương, đơn vị toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền các nội dung cơ bản của Luật TGPL cho cán bộ và nhân dân. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo tỉnh tuyên truyền phổ biến một số quy định cơ bản của Luật.

Về kết quả công tác củng cố, kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực, cơ sở vật chất của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh: Sau khi Luật có hiệu lực, UBND 2 tỉnh đã ban hành các quyết định về đổi tên, phê duyệt Đề án củng cố, kiện toàn bộ máy Trung tâm. Tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm và quyết định thành lập 05 Chi nhánh TGPL trụ sở các chi nhánh tại các huyện: Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành, Đông Giang, Bắc Trà My. Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định thành lập Chi nhánh số 1 và Chi nhánh số 2 tại huyện Mộ Đức và Trà Bồng.

Về tổ chức bộ máy của Trung tâm: Ở Quảng Ngãi: ban đầu khi thành lập Trung tâm có 05 biên chế, năm 2008 UBND tỉnh tiếp tục bổ sung 11 biên chế và thành lập 02 Chi nhánh trực thuộc Trung tâm. Hiện nay, tổng số cán bộ, viên chức của Trung tâm là 12/16 biên chế đã được phê duyệt trong năm 2008 (bao gồm cả 02 Chi nhánh). Đến năm 2015 mỗi huyện, thành phố trong tỉnh thành lập một chi nhánh, mỗi chi nhánh từ 03-04 biên chế. Trung tâm TGPL Quảng Nam có 12 biên chế trong đó 01 Giám đốc, 01 Phó giám đốc, 06 Trợ giúp viên pháp lý, 01 Kế toán, 01 Chuyên viên tổng hợp kiêm văn thư kiêm thủ quỹ; 01 Lái xe và 01 Bảo vệ hợp đồng. Trong năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam đã chính thức giao biên chế cho Trung tâm và Chi nhánh là 17 biên chế, trong đó Trung tâm là 07 và Chi nhánh là 10 biên chế. Theo Đề án được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đến hết 2015, Quảng Nam sẽ thành lập 16 Chi nhánh ở tất cả các quận, huyện, thị xã (trừ thành phố Tam Kỳ).

Xây dựng và phát triển đội ngũ Trợ giúp viên, cộng tác viên: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã bổ nhiệm 2 Trợ giúp viên pháp lý, toàn tỉnh đã phát triển được 262 cộng tác viên, trong đó có 10 cộng tác viên là Luật sư, hơn 100 cộng tác viên là các cán bộ đang công tác tại các xã, huyện ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã bổ nhiệm và cấp thẻ cho 03 Trợ giúp pháp lý, Trung tâm ký hợp đồng với 100 cộng tác viên, dự kiến đến năm 2010 mỗi xã, phường, thị trấn ở Quảng Ngãi sẽ có ít nhất 01 cộng tác viên và mở rộng mạng lưới Cộng tác viên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể của tỉnh và huyện.

Kết quả triển khai Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC: cả 2 tỉnh đều đã thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phưong và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng, Tổ thư ký giúp việc của Hội đồng. Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn Thông tư liên tịch số 10 cho 100 đại biểu là lãnh đạo các ngành liên quan, các cơ quan tố tụng của tỉnh, 18 huyện thành phố, Luật sư, Cộng tác viên. Thực hiện công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý, thời gian qua 2 Trung tâm đã cung cấp các bảng thông tin về hoạt động TGPL đặt tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng và trụ sở một số cơ quan nhà nước khác. Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ich cho người được trợ giúp pháp lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng như cấp bản án, quyết định đưa vụ án ra xét xử, cấp giấy chứng nhận người bào chữa, xác nhận thời gian làm việc, ghi trong bản án quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư cộng tác viên…

Về hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý: Quảng Nam đã thành lập được 175 CLB/240 xã. Quảng Ngãi: thành lập Câu lạc bộ tại 130/180 xã. Các câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ theo tháng với các chuyên đề sinh hoạt về đất đai, chế độ chính sách… có sự tham gia của người được trợ giúp pháp lý. Các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý rất là cần thiết và bổ ích cho người dân tại địa phương.

Kết quả triển khai chính sách trợ giúp pháp lý trong Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 và Chương 135 giai đoạn II: Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm phối hợp với các ngành có liên quan để triển khai công tác TGPL của Chương trình MTQG giảm nghèo. Đối với nguồn hỗ trợ cho các xã nghèo, UBND tỉnh chỉ đạo chuyển về ngân sách địa phương để cấp xã triển khai thực hiện. Sở Tư pháp hướng dẫn về việc sử dụng nguồn kinh phí, Trung tâm TGPL chỉ đạo về chuyên môn để CLB hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, Quảng Nam và Quảng Ngãi còn phát hành băng catset về các lĩnh vực pháp luật, bằng tiếng dân tộc và hàng chục ngàn tờ gấp về các lĩnh vực pháp luật khác để phát miễn phí cho nhân dân tìm hiểu.

Việc giải quyết khiếu nại: kể từ ngày Luật TGPL có hiệu lực thi hành, việc tổ chức triển khai thực hiện công tác TGPL đã được các tổ chức TGPL thực hiện đảm bảo kịp thời và đúng quy định đáp ứng được yêu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân.Vì thế, ở 2 tỉnh, không có trường hợp nào vi phạm các quy định của pháp luật dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân cũng như các cơ quan, tổ chức khác.

Về hoạt động quản lý nhà nước đối với các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý: thực hiện Luật TGPL và Luật Luật sư, Sở Tư pháp 2 tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức: Luật sư, tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL miễn phí. Tuy nhiên, đến nay chưa có tổ chức nào đăng ký, việc tham gia TGPL của các Luật sư thuộc đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam chủ yếu là tham gia với tư cách là Cộng tác viên của Trung tâm. 

Kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý từ ngày 01/01/2007 đến nay: Trung tâm Quảng Nam thực hiện được 3.191 vụ việc, trong đó tại trụ sở: 595 vụ việc, lưu động: 2.467 vụ việc, địa điểm khác: 129 vụ việc. Trung tâm tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động 50 đợt tại 100 xã, phường của 18 huyện, thành phố. Trung tâm đã ra quyết định cử Luật sư là Cộng tác viên trợ giúp pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng là 161 vụ việc, đã hoàn thành đạt kết quả 124 vụ việc. Năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, Trung tâm Quảng Ngãi đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng gần 1000 vụ việc gồm các hình thức tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng trên tất cả các lĩnh vực pháp luật (trừ lĩnh vực kinh doanh thương mại), tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động đến 68 xã thuộc các huyện trong tỉnh, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

Sau gần 2 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý, với những kết quả đạt được, có thể khẳng định rằng, hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi đều được triển khai thực hiện theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng và bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo và đối tượng chính sách khi họ có vướng mắc liên quan đến pháp luật. Đặc biệt, thông qua hoạt động này còn giúp các đối tượng nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật. Có nhiều trường hợp khi có vướng mắc  tự bản thân đã biết phải làm như thế nào và làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và chỉ đến khi đã thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không đạt được kết quả họ mới tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý đề nghị tiếp tục được giúp đỡ. Từ đó, hạn chế các khiếu kiện sai trái, vượt cấp góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Tham dự buổi làm việc với Đoàn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam sau khi nghe kiến nghị của Trung tâm đã quyết định giao cho Sở Tài chính cấp kinh phí hỗ trợ cho 33 xã còn lại để bảo đảm 100% số xã của Quảng Nam đều có Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý... Đánh giá về hoạt động trợ giúp pháp lý ở Quảng Nam và Quảng Ngãi, đồng chí Chu Văn Thịnh trưởng Đoàn cho rằng: từ khi Luật TGPL ra đời đến nay công tác TGPL ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đã từng bước đi vào nề nếp, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền đối với công tác này được thể hiện rõ. Nhận thức về công tác TGPL được nâng lên và được sự đồng tình, tin tưởng của nhân dân tạo điều kiện cho tổ chức TGPL triển khai bước đầu có hiệu quả. Luật TGPL đã được Trung tâm TGPL thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và đã có những bước tiến đáng ghi  nhận trong lĩnh vực TGPL. Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động trợ giúp pháp lý ở 2 tỉnh vẫn còn khó khăn là: việc hình thành các Chi nhánh để thực hiện việc TGPL ở các địa phương song hiện nay chưa có nguồn để bồi dưỡng, cấp chứng chỉ, bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý, đề nghị các lãnh đạo Sở Tư pháp quan tâm; bố trí trụ sở làm việc cho Chi nhánh chưa ổn định, phần lớn dùng chung với phòng Tư pháp các huyện nên chưa ổn định; cán bộ trợ giúp pháp lý còn thiếu về số lượng và chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong việc bào chữa, tham gia tố tụng... do vậy, cần phải tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng tố tụng…

Vũ Hồng Anh - Cục Trợ giúp pháp lý