Bình Thuận: Một số kết quả trong công tác thực hiện trợ giúp pháp lý từ khi có Luật của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước

10/11/2008
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Thuận (Trung tâm) được kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ theo Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 12/12/2007 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Với sự cố gắng không ngừng của toàn thể cán bộ, viên chức của Trung tâm và sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, sau gần 03 năm (từ 2006 - 2008) triển khai, thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, qua Báo cáo số 138/BC-UBND ngày 14/10/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có thể nhận thấy Trung tâm đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương:

Về thực hiện trợ giúp pháp lý tại Trung tâm và các Tổ, điểm: Trong thời gian gần 03 năm (2006 - 2008), Trung tâm đã thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí được 13.015 vụ việc cho 2.458 người nghèo, 1.571 người có công với cách mạng, 1.784 đồng bào dân tộc thiểu số, 1.981 trẻ vị thành niên, 726 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, 329 người già cô đơn không nơi nương tựa, 166 người tàn tật và một số đối tượng khác. Trong số 13.015 vụ việc, có 3.992 vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên thực hiện, 9.023 vụ việc do các cộng tác viên trợ giúp pháp lý thực hiện. Các vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện tập trung một số lĩnh vực chủ yếu như dân sự, đất đai (8.358 vụ việc, chiếm 64,2%), hình sự (1.881 vụ việc, chiếm 14,4%), hôn nhân gia đình (723 vụ việc, chiếm 5,5%), hành chính (562 vụ việc, chiếm 4,3%)… Qua đó đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế trong xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần bảo đảm công bằng xã hội… 

Về tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động: Trong gần 03 năm, Trung tâm đã chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức được 112 đợt trợ giúp pháp lý lưu động về 127 xã, phường, thị trấn trong tỉnh (trong đó, có một số xã, phường, thị trấn được tổ chức lưu động từ 02 - 03 đợt), thực hiện trợ giúp pháp lý cho 5.606 trường hợp. Đáng chú ý là việc Trung tâm đã phối hợp với Đoàn Thanh niên tình nguyện thực hiện “Chiến dịch mùa hè xanh” và đăng ký khai sinh miễn phí cho 329 đối tượng, đồng thời tiến hành đăng ký kết hôn cho 152 cặp vợ chồng.

Điểm mới trong tổ chức lưu động so với thời gian trước đây là việc tăng cường tổ chức tư vấn, hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật tại các thôn, bản, xóm, ấp, cụm dân cư, do đó đã thu hút được nhiều đối tượng đến tham gia sinh hoạt. Trước đây, việc tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở có nhiều cán bộ làm công tác hoà giải tại cơ sở tham gia thì nay đã thu hút được thêm nhiều đối tượng là các thành viên sinh hoạt tại các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. 

Về đại diện, bào chữa của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên luật sư tham gia tố tụng: Công tác cử Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên luật sư (08 luật sư là cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm) tham gia các giai đoạn tố tụng nhằm đại diện, bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý đã được chú trọng. Trong gần 03 năm qua, Trung tâm đã phối hợp với Đoàn Luật sư và các cơ quan tiến hành tố tụng như Công an, Viện kiểm sát, Toà án thực hiện việc cử Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên luật sư tham gia tố tụng 115 vụ việc, đạt được nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt trong năm 2008, Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Toà án nhân dân tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của quần chúng và từng bước khẳng định vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng. 

Về tổ chức tập huấn trợ giúp pháp lý: Nhằm bồi dưỡng và tích luỹ kinh nghiệm trong công tác trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm, trong gần 03 năm qua Trung tâm đã tổ chức được 09 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên và các cộng tác viên trợ giúp pháp lý; 04 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho thành viên các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và hoà giải viên cơ sở; 02 Toạ đàm về vấn đề bình đẳng giới và lồng ghép giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý, qua đó tìm ra các giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ trong địa bàn tỉnh.

Với các giảng viên là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về lý luận, thực tiễn trên các lĩnh vực pháp luật chuyên môn, Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đã trở thành các diễn đàn để tất cả cùng trao đổi, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kịp thời kiến thức pháp luật mới thiết thực cho các đối tượng để áp dụng trên thực tiễn. 

Về thành lập và hoạt động của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý: Nhằm đưa hoạt động trợ giúp pháp lý đến tận cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi, dễ tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số các xã đặc biệt khó khăn, trong năm 2008 đã thành lập thêm 08 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý theo Chương trình quốc gia giảm nghèo, nâng tổng số Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý trong toàn tỉnh lên 18 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

Với điều kiện gần dân, sát dân, các thành viên Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý là những người sống chung trong cộng đồng dân cư cơ sở, hoạt động của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý chủ yếu là trao đổi kinh nghiệm, phổ biến, giáo dục pháp luật, tham gia hoà giải… qua đó đã giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, góp phần giải toả những vướng mắc pháp luật trong nhân dân, giữ gìn ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. 

Về việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 của liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 10): Trước thời điểm ban hành Thông tư liên tịch số 10, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng và ban hành Kế hoạch liên ngành số 562/KHPH-TP-CA-KS-TA ngày 10/10/2007 giữa Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Viện kiểm sát tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh về phối hợp công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Nội dung của Kế hoạch số 562 cơ bản đã chứa đựng các nội dung mà Thông tư liên tịch số 10 đã quy định. Hiện nay, thực hiện thống nhất các quy định tại Thông tư liên tịch số 10, Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận tiếp tục tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh để thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.

Đặng Tuấn