Một số kết quả nổi bật của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành tư pháp Bắc Giang năm 2008

10/11/2008
Năm 2008 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVI và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/ 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thực hiện Quyết định số 49/QĐ-BTP ngày 16/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình công tác trọng tâm năm 2008 và bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, ngành Tư pháp Bắc Giang xác định bốn nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, thực hiện là: công tác xây dựng và kiểm tra văn bản; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, công tác trợ giúp pháp lý và công tác thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ công tác khác theo chức năng, nhiệm vụ cũng được triển khai đồng bộ từ  tỉnh tới cơ sở với yêu cầu về chỉ tiêu, chất lượng, hiệu quả cao hơn năm trước và với phương châm “ hướng công tác tư pháp về cơ sở”. Hưởng ứng phong trào thi đua do Bộ Tư pháp, Khu vực thi đua Sở Tư pháp các tỉnh miền núi phía Bắc và UBND tỉnh phát động, thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, toàn ngành Tư pháp Bắc Giang đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thi đua lập tích chào mừng các ngày lễ lớn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác theo kế hoạch đã đề ra.

              Với vai trò là cơ quan thường trực, ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp Bắc Giang (sau đây gọi tắt là Sở) đã tham mưu giúp Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh xây dựng kế hoạch công tác PBGDPL triển khai tới các huyện, thành phố và các ngành thành viên trong đó chỉ rõ những nội dung, hình thức PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các văn bản pháp luật mới ban hành, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của tổ chức, công dân, chú trọng đến các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều dân tộc thiểu số; tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật cao điểm, theo chuyên đề về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, các quy định pháp luật về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo; pháp luật về bình đẳng giới,..

             Cùng với nhiệm vụ trên, Sở chủ động tham mưu cho Hội đồng PBGDPL tỉnh thường xuyên củng cố, kiện toàn thành viên, duy trì  tốt Quy chế hoạt động của Hội đồng. Trong đó đã tham mưu giúp Hội đồng tổng kết hoạt động năm 2007, triển khai nhiệm vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2008; sơ kết giai đoạn I thực hiện Đề án số 04 trong Chương trình 212 của Chính phủ, tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và 10 năm thực hiện Quyết định 1067/Q-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn từ  2003- 2007. Triển khai tổ chức Hội thi “ Hoà giải viên giỏi  năm 2008 “. Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho 229 cán bộ Tư pháp- Hộ tịch cấp xã theo Đề án 4 thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn  2005- 2010.

Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tới cơ sở, Sở đã chủ động, tích cực triển khai các hình thức PBGDPL đa dạng, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các đối tượng, trong đó thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các mô hình, phương pháp PBGDPL:

- Tiến hành biên soạn, phát hành 700 cuốn tài liệu nghiệp vụ về công tác hoà giải ở cơ sở, 10.000 tờ gấp hỏi đáp pháp luật về phòng chống tội phạm, 1.212 cuốn tài liệu tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; in và phát hành 35 bộ đĩa tuyên truyền thông qua xử lý tình huống pháp luật, 50 cuốn băng catset tuyên truyền pháp luật về đất đai, lao động, dân sự, bảo hiểm xã hội cho Phòng Tư pháp các huyện, thành phố.

- Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền pháp luật thông qua việc khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật là đến nay 229/229 xã, phường, thị trấn đã có tủ sách pháp luật với đầy đủ 04 nhóm đầu sách cơ bản. Từ  năm 2004 đến nay, trên cơ sở Chương trình phối hợp ký kết với Bưu điện tỉnh, Sở đã chỉ đạo việc thực hiện luân chuyển sách pháp luật từ tủ sách pháp luật tới các Điểm Bưu điện văn hoá xã, thị trấn, qua đó tạo thuận lợi cho cán bộ, nhân dân đến khai thác, sử dụng. Năm 2008 đã có gần 2.000 lượt người đến đọc và tìm hiểu thông tin pháp luật. Thực hiện kế hoạch bổ sung sách pháp luật đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong năm, Sở đã cấp phát bổ sung 52 đầu sách pháp luật với trên 11.900 cuốn cho  tủ sách pháp luật của 229 xã, phường, thị trấn, nâng tổng số đầu sách hiện nay của mỗi tủ lên gần 300 đầu sách. Để đánh giá toàn diện hiệu quả của các tủ sách pháp luật, trong tháng 9/2008 Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 1067/Q-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn và trong quý IV/2008 Sở Tư pháp sẽ phối hợp với  Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch luân chuyển sách pháp luật tới Nhà văn hoá, Thư  viện thôn, bản để nhân dân thuận tiện khai thác, sử dụng.

- Hoạt động hoà giải ở cơ  sở đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những xích mích, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, qua đó làm giảm thiểu tình trạng khiếu kiện ở cơ sở. Năm 2008, các tổ hoà giải ở cơ sở đã hoà giải thành 1.879/ 2.196 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,56%, tăng 5,56% so với năm 2007.. Ngành Tư pháp đã thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, củng cố, kiện toàn các tổ hoà giải ở cơ sở, từng bước đưa công tác này đi vào nề nếp. Đến nay, toàn tỉnh có 2.563 tổ hoà giải với 16.472 hoà giải viên/ 2.534 thôn, bản, tổ dân phố. Hằng năm, các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải và kiến thức pháp lý cần thiết cho công tác này ở cơ sở. Một số địa phương thực hiện tốt công tác hoà giải là: Lục Ngạn hoà giải thành 589/647 việc, đạt 91%; Lạng Giang hoà giải thành 441/495 việc, đạt 89%; Yên Thế hoà giải thành 325/350 việc đạt 93%; Yên Dũng hoà giải thành 215/249 việc đạt 86%.

- Công tác phối hợp và tổ chức tuyên truyền pháp luật thông qua các hội thi được quan tâm thực hiện thường xuyên. Sở Tư pháp đã  phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức thành công  hội thi " Nông dân với pháp luật ”, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài chính, quản trị, vấn đề hội nhập WTO cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Khiếu nại, Tố cáo; Luật Trợ giúp pháp lý; Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở tại huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam; phối hợp với UBND thành phố Bắc Giang tập huấn nghiệp vụ cho Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn thành phố. Các hoạt động phối hợp tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phát huy tác dụng trong việc phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Thông qua chuyên mục “ Pháp luật với cuộc sống” trên Đài Phát thanh- Truyền hình phát 02 số/tháng; chuyên mục “ Tìm hiểu pháp luật”, “ Giải đáp pháp luật” đăng hằng ngày trên Báo Bắc Giang, các chuyên trang Tư pháp đã góp phần đưa các văn bản pháp luật đến gần và nhanh hơn với người dân. Cùng với đó, việc tuyên truyền, phản ánh các hoạt động của ngành trên Bản tin Tư pháp của ngành, Báo Pháp luật Việt Nam, Cổng thông tin điện tử  của Bộ Tư pháp và của tỉnh đã tạo nên hiệu quả khá rõ rệt trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, mô hình tuyên trruyền pháp luật thông hoạt động của các câu lạc bộ “ Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, “ Nông dân với pháp luật”, “ Trợ giúp pháp lý”,.....được Sở quan tâm phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động, thu được kết quả khá. Đến nay, ngành Tư pháp đã phối hợp chỉ đạo thành lập được 175 câu lạc bộ " Tuổi trẻ phòng chống tội phạm", 31 câu lạc bộ “ Nông dân với pháp luật”, 56 câu lạc bộ “ Trợ giúp pháp lý”. Hoạt động của các câu lạc bộ đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, qua đó góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bài trừ  tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư.

- Hoạt động tuyên truyền pháp luật và phản ánh các hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh cũng như của ngành thông qua Bản tin Tư pháp thu được nhiều kết quả khá toàn  diện. Nếu như  từ  năm 2007 trở về trước Bản tin Tư pháp chỉ được phát hành 01 số/ quý thì  sang năm 2008 Sở đã phát hành Bản tin Tư pháp ra hằng tháng. Cùng với việc tăng số phát hành, Sở thường xuyên quan tâm tới việc nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới hình thức của Bản tư Tư pháp, qua đó giúp cho bản tin gần gũi, thân thiết hơn với bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

- Các nội dung tuyên truyền, PBGDPL theo chuyên đề được tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Sở tập trung tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông theo Nghị quyết số 32 của Chính phủ, kế hoạch của UBND tỉnh; các quy định về cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ  và đốt pháo, phòng chống tệ nạn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Triển khai tốt các kế hoạch tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma tuý, phòng chống tội phạm, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em  năm 2008.

Kết quả nổi bật của ngành Tư pháp Bắc Giang trong công tác tuyên truyền, PBGDPL là đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PBGDPL, qua đó huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia, phát huy tốt các cơ chế phối hợp trong công tác này. Đặc biệt là trong nhiều năm, ngành đã làm tốt công tác PBGDPL kết hợp với việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thông qua “ kênh ” hiệu quả là tổ chức các hội thi. Năm 2006, ngành Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tốt hội thi “ Hoà giải viên giỏi”, năm 2007 tổ chức hội thi “ Cán bộ Tư pháp- Hộ tịch giỏi” và năm 2008 tiếp tục tổ chức hội thi “Hoà giải viên giỏi“. Việc tổ chức các hội thi như  vậy đã tạo nét mới và bước chuyển biến quan trọng trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần đa dạng hoá hình thức PBGDPL đồng thời  nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này ở cơ sở./.

Hoàng Giang