Thanh Hoá: Tăng cường hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về cộng đồng dân cư

10/11/2008
Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL, trong những năm gần đây, Sở tư pháp Thanh hoá luôn là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh trong việc ban hành Kế hoạch PBGDPL , các Kế hoạch chi tiết triển khai đề án PBGDPL của trung ương và địa phương như Đề án " Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc miền núi"; Đề án " Nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân các xã, phường ven biển"; Đề án " Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường"; Đề án:" chỉ đạo điểm các hình thức PBGDPL có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay"; và hiện nay là đang xây dựng Đề án: " Xây dựng mô hình PBGDPL trong doanh nghiệp giai đoạn 2009-2012"….

Các Kế hoạch, đề án được  được đội ngũ làm công tác tuyên truyền là các Báo cáo viên, tuyên truyền viên, hoà giải viên, các cán bộ nòng cốt ở cộng đồng dân cư thông tin,  truyền tải đến nhân dân . Hiện nay toàn tỉnh có 26 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 364 Báo cáo viên cấp huyện;  5224 Tuyên truyền viên cấp xã; hơn 35.000 hoà giải viên cơ sở. Các đối tượng này đều được chủ tịch UBND cùng cấp ra quyết định công nhận và cấp thẻ  hoạt động theo quy chế  Báo đã được ban hành. Đối với các tổ chức chính trị của đảng như Uỷ ban MTTQ, Liên đoàn lao động, Hội nông dân, Hội phụ nữ... đều có hệ thống Báo cáo viên, tuyên truyền viên riêng của ngành. Đây là lực lượng giúp cho cấp uỷ, UBND các cấp và các ban, ngành của tỉnh trực tiếp triển khai nội dung văn bản pháp luật đến cán bộ các cấp và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bình quân mỗi năm UBND tỉnh tổ chức 4 hội nghị tập trung để triển khai các văn bản pháp luật cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và huyện, giới thiệu từ 12-15 văn bản pháp luật mới vừa được Quốc hội, Chính phủ ban hành. Mỗi đợt triển khai cho 400-450 cán bộ . Mỗi năm  toàn tỉnh tổ chức khoảng 170 cuộc hội nghị phổ biến pháp luật ở các ngành, các huyện. Ở cấp xã bình quân 1-2 lần/năm.

Trong những năm qua, việc tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước đã được các cấp, các ngành tập trung quan tâm, đầu tư, lựa chọn hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.  Các hình thức tuyên truyền đã được vận dụng linh hoạt để đưa kiến thức pháp luật đến với nhân dân. Cụ thể như sau:

- Tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh của xã

Một trong những kênh tuyên truyền hữu hiệu nhất đến được với mọi người dân   thông qua  việc truyền tải thông tin trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Hiện nay toàn tỉnh 90% số xã đều có hệ thống loa truyền thanh. Một số địa bàn miền núi khó khăn về địa hình được trang bị loa truyền thanh không dây.  Hàng năm Sở tư pháp phối hợp với Đài PTTH, Sở văn hoá -thể thao và du lịch chỉ đạo hệ thống truyền thanh huyện, xã tổ chức các buổi phát thanh đưa  thông tin pháp luật  đến với nhân dân thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã. Các thông tin pháp luật được biên tập ngắn ngọn, dễ hiểu phát vào  buổi sáng và buổi chiều hàng ngày.

- Thông qua mô hình thi tìm hiểu pháp luật

 Các ngành trong tỉnh đã chủ trì hoặc phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới dạng thi viết, thi trắc nghiệm, thi sân khấu hoá. Điển hình  trong những năm qua là  hội thi cán bộ dân vận giỏi, Hội thi tuổi trẻ Thanh hoá với ATGT, hội thi tìm hiểu luật bảo hiểm xã hội, hội thi tìm hiểu pháp luật thuế, hội thi tìm hiểu luật phòng chống ma tuý, luật phòng chống mại dâm; hội thi hộ tịch viên giỏi, tìm hiểu Luật cư trú; hội thi nhà nông đua tài  ...v...v...Các hội thi đã thu hút mọi tầng lớp tham gia như cán bộ- công chức, nông dân, cựu chiến binh,  thanh niên, học sinh, người lao động, phụ nữ, người cao tuổi, người dân tộc...

- Thông qua việc thành lập các câu lạc bộ

 Từ năm 2001 Sở tư pháp đã chỉ đạo thành lập thí điểm Câu lạc bộ " tuổi trẻ phòng chống tội phạm" tại phường Điện Biên - TPTH, những năm tiếp theo đã nhân rộng mô hình xây dựng các câu lạc bộ như câu lạc bộ " phụ nữ với pháp luật", " Nông dân với pháp luật"," ngư dân với pháp luật", câu lạc bộ " trợ giúp pháp lý" với tổng số toàn tỉnh đã thành lập 51 câu lạc bộ. Các hội viên sinh hoạt định kỳ hàng tháng theo các chủ đề  pháp luật, giải quyết được nhiều nội dung vướng mắc trong nhân dân đồng thời tuyên truyền pháp luật cho các hội viên. Ngoài ra các ngành thành viên Hội đồng phối hợp như nông dân, phụ nữ, thành niên cũng đã thành lập các câu lạc bộ  với tổng số hàng ngàn hội viên  tham gia sinh hoạt.

- Công tác xây dựng, khai thác Tủ sách pháp luật,  phát hành tài liệu

Qua 10 năm xây dựng, đến nay toàn tỉnh đã có 100% số xã có Tủ sách pháp luật và làm tốt công tác khai thác tủ sách nhưng Tủ sách mới chỉ phục vụ cho cán bộ xã. Mở rộng phạm vi xây dựng tủ sách phục vụ cho nhân dân, hiện nay có 15% số thôn, bản, phố tự xây dựng Tủ sách pháp luật ở cộng đồng dân cư bằng kinh phí tự đóng góp ở cơ sở. Ngoài ra Hội đồng phối hợp tỉnh cũng đã trang bị 307 tủ cho các thôn, bản miền núi và thôn, xóm ở các huyện miền biển đã có nhà văn hoá.

Các tài liệu như: sách hỏi đáp pháp luật, tờ rơi, tờ gấp,  bản tin tư pháp, báo chí... có nhiều nội dung pháp luật, biên tập ngắn gọn, dễ nhớ, dễ đọc, có minh hoạ hình ảnh sinh động được phát cho các tủ sách,   các  hội nghị,  các buổi sinh hoạt hoặc  các hộ gia đình, các câu lạc bộ với số lượng lên đến hàng vạn bản.

-  Thông qua việc tư vấn, trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở

Hàng năm Sở tư pháp mở các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến tận vùng sâu, vùng xa trợ giúp về pháp lý cho đồng bào dân tộc, đối tượng chính sách.  Trung tâm trợ giúp pháp lý, Hội luật gia, các văn phòng luật sư đều mở các hoạt động tư vấn pháp luật cho nhân dân khi có yêu cầu. ở cộng đồng dân cư các tổ hoà giải thực hiện nhiệm vụ hoà giải tranh chấp xích mích tránh kiện tụng kéo dài gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Với việc thường xuyên được tập huấn cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở, những năm gần đây tỷ lệ hoà giải thành lên đến 80-90%.

- Thông qua việc thực hiện các Đề án về tuyên truyền pháp luật

Việc phân loại các đối tượng đặc thù để lựa chọn  nội dung cho phù hợp được triển khai thông qua việc thực hiện các đề án:

+ Đối với đồng bào dân tộc miền núi:  Đề án " Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc miền núi " được triển khai từ năm 2004 tập trung tuyên truyền pháp luật ở 11 huyện miền núi và 7 huyện có xã miền núi. Sở Tư pháp đã phối hợp với Ban Dân vận tỉnh, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ, UBMTTQ tỉnh và Ban dân tộc và UBND các huyện mở 29 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 5.750 trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng ban MTTQ, chi hội trưởng phụ nữ thôn và tư pháp x•. Biên soạn 20.000  tờ rơi; 6000 cuốn tài liệu tập huấn, 15.000 cuốn hỏi đáp pháp luật. Xây dựng 230 Tủ sách pháp luật cho những thôn, bản văn hoá; kết hợp tuyên truyền với việc  tư vấn trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở....

+ Đối với ngư dân vùng biển: Từ năm 2007 ngành Tư pháp cùng với các ngành Thuỷ sản, Bộ Chỉ huy biên phòng và 6 huyện ven biển tổ chức triển khai  thực hiện Đề án  " Nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân các xã ven biển". Bước đầu Ban chỉ đạo triển khai  đề án tổ chức tập huấn nội dung pháp luật cho tất cả cán bộ công chức 47 xã ven biển, trên 1.000 chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến  ngư dân các x• ven biển. Xây dựng 70 Tủ sách pháp luật; xây dựng thí điểm 18 câu lạc bộ pháp luật; phát hành 15.000 tờ rơi; 5.000 cuốn tài liệu...

+ Đối với các tín đồ tôn giáo: Triển khai đề án của trung ương với việc tập trung tuyên truyền pháp luật về đất đai, tôn giáo, khiếu nại tố cáo cho các chức sắc và các tín đồ tôn giáo ở một số vùng Nga Sơn, Thạch Thành, Thành phố...

+ Đối với nhân dân ở các cộng đồng dân cư:  xây dựng thí điểm  đề án   " Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay" tại 3 xã điểm: xã Vĩnh thịnh, Vĩnh Lộc; Bản Yên Lập, Lang Chánh; phường Ngọc Trạo , TX Bỉm Sơn. Đề án với việc tập trung phát triển đội ngũ cán bộ nòng cốt ở thôn, phố làm lực lượng chủ yếu để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, ký cam kết, mở hộp thư giải đáp pháp luật, nói chuyện pháp luật cho nhân dân. Ngoài ra các huyện đồng bằng còn tập trung triển khai Đề án  số 4 thuộc chương trình 212    ( chương trình quốc gia về PBGDPL) với việc tổ chức tập huấn cho  cán bộ tư pháp, cán bộ xã; trang bị  tủ sách pháp luật ở khối phố, tài liệu pháp luật cho nhân dân, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật...

Nhìn chung, trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền công tác tuyên truyền PBGDPL đã có nhiều chuyển biến,  nhận thức pháp luật của  cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng đã được nâng lên. Nhân dân có điều kiện tiếp cận với pháp luật thông qua nhiều hình thức tuyên truyền; nhiều nội dung của pháp luật được chuyển tải đến với từng đối tượng; việc phân loại các đối tượng, địa hình, giới tính  cũng giúp cho nhân dân dễ tập trung tiếp thu hơn. Chính điều đó đã giúp cho giảm tình trạng khiếu kiện kéo dài, tăng vụ việc hoà giải thành lên 80-90%; giảm các án  tội phạm nguy hiểm; giảm các xích mích trong nhân dân; đoàn kết trong nội bộ cán bộ công chức được nâng cao...

Trong những tới hoạt động tuyên truyền pháp luật sẽ tiếp tục được đẩy mạnh về cơ sở nhiều hơn nữa bằng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể gắn với từng vùng, miền, từng đối tượng và nội dung tiếp thu  nhằm đưa pháp luật về với nhân dân./.

Lê Nguyệt