Tập huấn công tác pháp chế của Bộ Công an năm 2008: Vững vàng vai trò người tham mưu

13/10/2008
Sáng ngày 8/10, Thứ trưởng Bộ Công an Trung tướng Đặng Văn Hiếu đã khai mạc Hội nghị tập huấn công tác pháp chế được tổ chức tại Hà Nội và truyền hình trực tuyến tại TP.Hồ Chí Minh trong 2 ngày 8-9/10. Bên cạnh việc giới thiệu những nội dung cơ bản của các Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Tương trợ tư pháp,

Hội nghị đã tổng kết 10 năm thực hiện các quy chế thực hiện dân  chủ trong Công an nhân dân và sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 846/2007/QĐ-BCA ngày 19/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, tổ chức của pháp chế công an các đơn vị, địa phương.

Một mạng lưới pháp chế vững mạnh, rộng khắp

. Ngày 19/7/2007, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Quyết định số 846/2007/QĐ-BCA quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, tổ chức của pháp chế công an các đơn vị, địa phương. Có thể nói, chỉ sau 1 năm khi có Quyết định 846, mạng lưới tổ chức pháp chế ở các đơn vị trong toàn lực lượng từ trung ương xuống địa phương đã được củng cố, kiện toàn ở mức đáng kể.

Cụ thể, tại trung ương 100% các tổng cục đều có cán bộ pháp chế chuyên trách và Phòng pháp chế (độc lập hoặc phối hợp với các phòng chuyên môn khác). Tại địa phương, mô hình Tổ pháp chế, Đội pháp chế, Phòng pháp chế được công an tất cả các địa phương áp dụng linh động tuỳ điều kiện với tổng số cán bộ pháp chế ở 63 tỉnh, thành là 247 người trong đó có 12 người trình độ thạc sĩ. Nhiều địa phương có Đội pháp chế tương đối mạnh với quân số từ 5-8 người hầu hết là cán bộ có kinh nghiệm công tác chuyên môn và nắm vững kiến thức pháp luật. Đặc biệt, công an huyện của một số địa phương như Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Trà Vinh...đã chủ động bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế.

Tiền đề để khởi sắc

            Ngay sau khi có Quyết định 846, các tổ chức pháp chế ở Bộ Công an đã tham mưu cho thủ trưởng các tổng cục, Bộ Tư lệnh, vụ, cục, viện trực thuộc Bộ triển khai Chương trình xây dựng VBQPPL hàng năm của Bộ Công an theo đúng tinh thần của Luật Ban hành VBQPPL và Quy chế xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý VBQPPL trong CAND. Trên cơ sở thực hiện Chương trình, các tổ chức pháp chế các đơn vị trực thuộc Bộ đã phối hợp tham gia ý kiến hàng ngàn lượt dự thảo VBQPPL do các Bộ, ngành khác chủ trì soạn thảo gửi đến với tinh thần trách nhiệm và chất lượng từng bước được nâng lên. Cũng từ sự năng nổ của pháp chế, nhiều Tổng Cục đã hoàn thành việc xây dựng, trình ký ban hành văn bản theo đúng số lượng, tiến độ dự kiến.

            Tại địa phương, bên cạnh việc phối hợp xây dựng văn bản, pháp chế công an địa phương còn thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo những nội dung cần thiết để họp các ngành trong khối Nội chính giải quyết những vấn đề vướng mắc phức tạp nảy sinh khi thực hiện pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, pháp luật thi hành án phạt tù, xử lý vi phạm hành chính...

            Nhìn chung,  tuy thời gian không dài, chỉ mới 1 năm, nhưng với Quyết định 846, công tác pháp chế của toàn lực lượng CAND trong lĩnh vực tham gia xây dựng văn bản và tư vấn cho lãnh đạo về pháp luật đã có nhiều tín hiệu vui thể hiện qua số lượng, chất lượng văn bản xây dựng, tham gia ý kiến được nâng lên rõ rệt, công tác tư vấn pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, làm tiền đề cho các hoạt động pháp chế khác cùng khởi sắc.

Xuân Hoa

Đại tá PGS-TS Nguyễn Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an: Mỗi một cán bộ pháp chế phải là một tuyên truyền viên pháp luật giỏi 

Tập huấn công tác pháp chế là một hoạt động thường niên và đã được duy trì từ rất lâu trong lực lượng CAND. Ý thức được đây  là cơ hội để cán bộ làm công tác pháp chế trong toàn lực lượng có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như hướng tới mục tiêu mỗi một cán bộ pháp chế phải là một tuyên truyền pháp luật giỏi trong cơ quan, đơn vị của mình, Bộ Công an, Đảng uỷ Công an trung ương và lãnh đạo Bộ đã rất chú trọng tới công tác tập huấn nghiệp vụ pháp chế, kiến thức pháp luật. Những văn bản pháp luật mới, đặc biệt là những văn bản pháp luật liên quan đến an ninh trật tự, đời sống xã hội thường xuyên cập nhật để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi toàn ngành.