Tổng kết 10 năm công tác hoà giải ở cơ sở tại tỉnh Khánh Hoà: Hình thức phong phú mang lại kết quả khả quan

13/10/2008
Triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, thời gian qua, công tác Hoà giải (HG) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà đã thu được nhiều kết quả khả quan, góp phần tích cực vào nâng cao ý thức pháp luật của người dân, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp; đồng thời, đề cao những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong cuộc sống của người dân ở cộng đồng dân cư.

Trước tháng 12/1998 (trước khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở), hoạt động HG trên địa bàn chủ yếu do thôn, khóm đảm nhiệm việc tổ chức HG. Các tổ HG đã chủ động phối hợp với các chi hội của đoàn thể nhân dân thuộc địa bàn khu dân cư để thực hiện nhiệm vụ được giao. Hoạt động HG ở cơ sở lúc này còn rời rạc, chưa đi vào quy củ.

Ngay từ khi có các văn bản của Trung ương về công tác HG, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp hướng dẫn triển khai việc xây dựng, củng cố và kiện toàn các tổ HG trên địa bàn. Từ đây, tổ HG thực sự là tổ chức tự quản của người dân ở tại địa bàn thôn, tổ dân phố, các cụm dân cư thuộc các xã, phường, thị trấn quản lý để thực hiện việc HG theo quy định của pháp luật.

Sở Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo UBND các xã, phường xây dựng và tổ chức các tổ HG theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng lại các tổ HG ở các xã, phường, thị trấn được sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định công nhận, đảm bảo đúng luật định và được thực hiện đúng quy chế dân chủ ở cơ sở. Tính đến ngày 30/6/2008, toàn tỉnh có 983 tổ HG với 4.954 hoà giải viên (HGV) đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực, tích cực góp phần đáng kể vào công cuộc phát huy tình đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau lúc “tối lửa tắt đèn”, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội.

Hoạt động của các tổ HG mang tính chất phối hợp, lực lượng nòng cốt là đội ngũ cán bộ thôn ở các xã, tổ dân phố ở các phường, thị trấn bao gồm những người có uy tín trong thôn, tổ dân phố kết hợp với các đoàn thể chính trị như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và các tổ chức xã hội như: Người Cao tuổi....

Trong 10 năm qua, nhân sự các tổ HG cơ sở tại các địa phương luôn có sự thay đổi. Sở Tư pháp đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các Phòng Tư pháp cấp huyện tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên theo dõi, kiểm tra sự biến động về nhân sự của tổ HG ở cơ sở để nhanh chóng tiến hành củng cố, kiện toàn nhằm giúp đỡ các tổ HG duy trì hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu công tác.

Hàng năm, được sự quan tâm đầu tư kinh phí của UBND tỉnh và của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ công tác HG, bổ sung kiến thức pháp luật cho HGV, đồng thời nâng cao kỹ năng về HG cơ sở cho các đối tượng trong tổ HG. Các lớp tập huấn thường được tổ chức từ 3 đến 4 ngày với hàng trăm lượt người tham dự. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác HG tại các xã, phường thông qua các đợt kiểm tra định kỳ 6 tháng và hàng năm của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Qua những buổi giao ban Tư pháp cấp huyện hàng tháng, Sở Tư pháp đều tiến hành giải đáp các thắc mắc về công tác HG cũng như hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác này ở cơ sở. Song song với các hoạt động đó, hàng quý, Sở Tư pháp đều duy trì việc phát hành Bản tin “Pháp luật và Cuộc sống” với nhiều thông tin bổ ích về hoạt động ngành, giới thiệu nội dung văn bản pháp luật mới đồng thời biểu dương những điển hình trong công tác Tư pháp cơ sở đến các tổ HG. Đây được xem là cẩm nang, tài liệu bỏ túi rất hữu dụng trong công tác của HGV.

Hàng năm, Phòng Tư pháp cấp huyện đã có nhiều hình thức phong phú nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như kiến thức pháp luật cho đội ngũ HGV ở cơ sở như tổ chức tập huấn, toạ đàm, nói chuyện chuyên đề, biên soạn và in ấn các tài liệu pháp luật dưới dạng hỏi đáp tình huống cụ thể đế cấp phát cho tổ HG. Một số địa phương tuy kinh phí còn hạn hẹp nhưng chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ HG hoạt động thông qua việc cấp phát văn phòng phẩm phục vụ cho công tác này.

Ngoài các hình thức trên, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và đoàn thể ở cấp tỉnh để tạo điều kiện tốt nhất cho công tác HG cơ sở. Trong 10 năm qua, tỉnh đã tổ chức 3 Hội thi cấp tỉnh về công tác HG ở cơ sở. Đó là Hội thi “ôHoàgiải viên giỏi” năm 2000 và năm 2005, Hội thi “Tổ hoà giải giỏi” năm 2003 đạt kết quả tốt, tỉnh đã cử chị Dương Công Phú (đạt giải nhất cấp tỉnh) tham dự Hội thi cấp Trung ương và đạt giải nhất Hội thi toàn quốc lần thứ I năm 2001. Bằng hình thức thi sân khấu hoá, các tình huống tham dự Hội thi là những câu chuyện có thực xảy ra trong cuộc sống, các HGV đã thể hiện tài năng giải quyết mâu thuẫn ở cộng đồng dân cư một cách “có lý có tình”. Hội thi đã thực sự trở thành nơi giao lưu học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa các hoà giải viên, tôn vinh những đóng góp vô cùng to lớn của họ đối với sự bình yên của thôn xóm đồng thời cũng là diễn đàn để họ bày tỏ tâm tư, tình cảm đối với công việc “thổi tù và hàng tổng” của mình.

Trong quá trình hoạt động của các tổ HG thời gian qua còn được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí hoạt động từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Ngày 05/01/2007, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND về một số mức chi trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ chi 50.000đ cho mỗi vụ việc mà tổ HG thụ lý giải quyết.  

Trong quá trình triển khai công tác HG ở cơ sở, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã tiến hành ký kết liên tịch hoạt động giữa UBND và UBMTTQVN, các đoàn thể nhân dân, thông qua những hình thức như nghị quyết liên tịch, kế hoạch hoạt động, bản ghi nhớ, bảng phân công nhiệm vụ......trong hoạt động HG cơ sở. Ngoài ra, trong các quy chế hoạt động dân chủ cơ sở, đều thể hiện nội dung, trách nhiệm của Mặt trận, các đoàn thể và UBND xã, phường, thị trấn trong hoạt động HG cơ sở, trong các hoạt động hỗ trợ việc HG cơ sở.

Khi có vụ việc tranh chấp phát sinh, thành viên của tổ HG đều có mặt tham gia, những đối tượng tranh chấp thuộc lĩnh vực của đoàn thể nào thì đoàn thể đó làm chủ lực, nòng cốt. Ngoài ra, có lúc còn mời thêm đại diện của các tổ chức xã hội khác tham gia vào việc HG để đạt được kết quả tốt nhất. Vai trò của Mặt trận và các thành viên của Mặt trận đóng vai trò hết sức quan trọng, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm khuyên giải các bên tranh chấp nắm được các nội dung cơ bản của pháp luật, thấu hiểu tình làng, nghĩa xóm, sống có văn hoá hơn.

Hoạt động phối hợp giữa các thành viên trong tổ HG là rất cần thiết, đặc biệt là vai trò của các thành viên trong mặt trận, đoàn thể. Cụ thể, tại địa bàn các xã, phường, thị trấn có dự án xây dựng, việc bồi thường, hỗ trợ người dân trong việc tái định cư rất khó khăn. Do đó các thành viên của Tổ HG địa phương có khu quy hoạch thường phải đi sát vào thực địa, tìm hiểu các nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người dân để phản ánh kịp thời cho các cấp chính quyền hoặc với Ban quản lý dự án nhằm hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo dẫn đến việc thực hiện các dự án bị chậm trễ hoặc quyền lợi của người dân bị xâm phạm.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì trong 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, các tổ HG đã HG thành 22740 việc trên tổng số 27711 việc thụ lý (trong đó lĩnh vực dân sự: 6191việc, hôn nhân gia đình: 6880 việc, đất đai: 11025 việc, lĩnh vực khác: 2962 việc), đạt tỷ lệ: 82%

Từ thực tiễn hoạt động HG cơ sở trong 10 năm qua cho thấy: Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động HG đã đi vào cuộc sống ở cơ sở, đem lại hiệu quả cao trong việc ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp người dân địa phương. Triển khai hoạt động trên địa bàn Khánh Hoà, Pháp lệnh đã thúc đẩy việc củng cố xây dựng tổ HG, nâng cao chất lượng hoạt động HG ở cơ sở và đã xây dựng nên một mô hình mới về một cộng đồng làng xóm với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Hải Dương