Sở Tư pháp Quảng Ngãi: Sơ kết 04 năm thực hiện Chỉ thị 37/2004/TTg của Thủ tướng Chính phủ

10/10/2008
Thực hiện Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/CP và chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2010, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã lập Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trên các mặt của công tác tư pháp như: công tác văn bản, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, công tác hộ tịch và bổ trợ tư pháp, công tác thi hành án, công tác trợ giúp pháp lý, công chứng…gắn việc thực hiện nhiệm vụ của ngành với việc thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, đồng thời thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của nhân dân trong lĩnh vực mình quản lý, góp phần giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.

Bên cạnh đó, đã quán triệt cho tập thể cán bộ, công chức viên chức ngành Tư pháp trong tỉnh đã chấp hành tốt chủ trương chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước, kỷ luật kỷ cương hành chính, không có trường hợp nào vi phạm pháp luật phải xử lý hành chính hoặc hình sự.

Kết quả các mặt công tác

- Công tác chỉ đạo triển khai: Sở Tư pháp tổ chức tổng kết 04 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng chương trình hành động của ngành Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2010 và chỉ đạo tổ chức thực hiện trong toàn ngành. Tổng kết 9 năm việc thực hiện Pháp lệnh cán bộ, công chức và thực hiện việc tự kiểm tra công tác tổ chức cán bộ Nhà nước theo quy định tại Quyết định số 3956/QĐ-UBND ngày 27/12/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các chương trình hành động của UBND tỉnh và Bộ Tư pháp trong toàn ngành. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động, giám đốc Sở đã ban hành Quy chế hoạt động và Quy chế chi tiêu nội bộ của Sở, quy chế tiếp công dân, quy chế làm việc…Thực hiện tốt các quy định của Chính phủ về ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương...

- Đối với công tác văn bản, Sở tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, thẩm định tính pháp lý đến kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện tự kiểm tra, rà soát văn bản của UBND tỉnh trên 08 lĩnh vực là giao thông, dân sự, tư pháp, công nghiệp, ưu đãi đầu tư, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, văn hoá thông tin và lĩnh vực tài chính, tham mưu UBND tỉnh xử lý 19 văn bản của UBND tỉnh có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Trong 6 tháng đầu năm 2007, 2008 Sở Tư pháp đã tiến hành triển khai việc rà soát và hệ thống hoá văn bản về đất đai do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành từ năm 1996-2006, rà soát văn bản trong lĩnh vực tư pháp và các quy định của địa phương liên quan đến Luật Cư trú, hoàn thành việc rà soát 76 văn bản của UBND tỉnh liên quan đến việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn tiến hành rà soát, đánh giá và khảo sát thực tiễn thi hành pháp luật về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em theo Kế hoạch số 03/KH-BCĐ của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án xây dựng và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2005 – 2010 trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp cũng đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng chống tội phạm; tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện tốt kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; kế hoạch tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông. Tham mưu Ban an toàn giao thông tỉnh nhiều hình thức tuyên truyền như: xây dựng, làm mới các khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm trên các tuyến quốc lộ, trưng bày hình ảnh tai nạn giao thông, phát hành tờ rơi...

- Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật: được xem là công tác phòng ngừa trong phòng, chống tội phạm. Hàng năm Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó chủ trì phối hợp với các sở ngành, hội đoàn thể tổ chức thực hiện và giúp UBND đôn đốc các cấp các ngành đẩy mạnh công tác này theo tinh thần Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 31 của Thường vụ Tỉnh uỷ. Chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, thu hút hàng nghìn người tham gia học tập.

 Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh kiện toàn Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật với 22 thành viên là các sở ngành, hội đoàn thể tỉnh; trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận 27 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.

Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản: Chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh; Quyết định về việc ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2007-2010 của tỉnh Quảng Ngãi; công văn chỉ đạo về việc tăng cường công tác PBGDPL, thực hiện nghị quyết 61/2007/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32 và quyết định số 37/2008/QĐ-TTg về chương trình PBGDPL từ năm 2008-2012; Chỉ thị về việc tăng cường công tác xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Quyết định v ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Ngãi và Quyết định ban hành Quy chế Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật của tỉnh Quảng Ngãi.

Sở Tư pháp thành lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại 14 huyện, thành phố; tham mưu UBND tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Chính phủ về phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003-2007, qua đó giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh và Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chỉ đạo, đánh giá, đẩy mạnh công tác phổ biến và giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Tham mưu UBND tỉnh thành lập Tiểu ban tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tỉnh Quảng, đồng thời xây dựng Kế hoạch tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông hàng năm của tỉnh Quảng Ngãi. Phối hợp với Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh biên soạn, in và cấp phát 100.000 tờ rơi, 4.500 tờ áp phích, 200 bộ tài liệu tuyên truyền về an toàn giao thông, làm mới 13 Panô tuyên truyền đội mũ bảo hiểm, 26 bảng trưng bày hình ảnh tai nạn giao thông. Cử báo cáo viên phổ biến tại 14 huyện, nói chuyện tuyên truyền tại 12 xã, 03 lớp tập huấn cho hơn 1000 người, thực hiện tuyên truyền tốt Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ nhất, Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, Nghị định 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Tháng an toàn giao thông.

 Năm 2008 thành lập thêm 01 câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” tại trường THPT số 1 Sơn Tịnh cùng với 02 CLB “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm” ở 02 trường THPT Trần Quốc Tuấn và Lê Khiết. Thành lập 3 bản tin pháp luật và 03 giỏ sách pháp luật cho các CLB này, hàng tháng Sở tư pháp tổ chức biên soạn, cấp phát  trung bình 30 tin bài về phòng chống tội phạm, ATGT, Ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS và các sách, tài liệu cho các CLB, góp phần tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ở học đường, được phụ huynh học sinh và Ban giám hiệu các trường  đánh giá cao.

Từ năm 2005 đến nay, Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh tổ chức 15 Hội nghị quy mô toàn tỉnh cho gần 3500 lượt cán bộ lãnh đạo các sở, ngành, hội đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, triển khai 39 Luật, Pháp lệnh như Bộ luật Dân sự năm 2005; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại -tố cáo; Luật Công an Nhân dân, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường; Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật trợ giúp pháp lý, Luật bình đẳng giới, Luật cư trú, Luật công chứng ..Nghị định 158/2005/NĐ- CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, Nghị định 79/200//NĐ-CP  về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký...Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường… Riêng 9 tháng năm 2008, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức 03 Hội nghị triển khai Luật Tương trợ tư pháp, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Đặc xá, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi năm 2008).

Công tác tuyên truyền, PBGDPL được Sở Tư pháp đẩy mạnh bằng nhiều hình thức: thông qua Đặc san Tư pháp với số lượng 1.000 cuốn/01 số, cấp phát cho các đơn vị từ tỉnh đến cơ sở phản ánh tình hình hoạt động của ngành và thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật;

 Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp thường xuyên cải tiến về hình thức và nội dung, liên tục cập nhật tình hình hoạt động của Sở, ngành và thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với gần 1.500 tin, bài các loại, là một trong những trang Web có số lượng truy cập cao nhất tỉnh với trung bình 8000 lượt/tháng, được Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn được Sở Tư pháp thực hiện có hiệu quả thông qua việc phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh trên chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”;  “Hộp thư Truyền hình” và “ 18 giờ 30” phát hàng tuần trên sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, qua đó giải đáp các tình huống pháp luật cho bạn xem truyền hình.

Công tác phối hợp các cơ quan, các hội, đoàn thể ngày càng chặt chẽ: Những năm qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tuyên truyền pháp luật về Phòng chống mại dâm, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự cho gần 50 xã với hơn 3000 người, trong đó có 15 xã điểm trong kế hoạch thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. In và cấp phát 75.000 tờ gấp pháp luật về phòng, chống tội phạm, ma tuý, mại dâm, hôn nhân và gia đình...  Phối hợp với Sở Văn hoá-Thông tin phổ biến luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho 300 cán bộ, công chức cấp xã; tập huấn nghiệp vụ hoà giải, xây dựng hương ước, quy ước cho cán bộ cấp xã 07 huyện miền núi, hải đảo; Phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tập huấn nghiệp vụ cho 200 cán bộ, hội viên; Phối hợp với Thanh tra tỉnh tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác Thanh tra cấp huyện, cấp xã.

Phối hợp với với các sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch, Thanh tra tỉnh và UBMTTQVN tỉnh trình UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo và ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình hành động Quốc gia về phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005-2010 trên địa bàn tỉnh (04 Đề án theo quyết định 212). Trong tháng 6/2008 đã tổ chức sơ kết giai đoạn I (8/2006-12/2007), đề ra phương hướng hoạt động cho giai đoạn II (2008-2010) trong việc thực hiện Đề án 212.

Sở Tư pháp phối hợp UBND các huyện tổ chức 06 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, mỗi lớp trên 200 đại biểu là cán bộ lãnh đạo UBND xã, Tư pháp-Hộ tịch, Văn hoá-thông tin; Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc và Trưởng thôn, khu dân cư trên địa bàn 04 huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Ba Tơ và Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh.

Tổ chức thực hiện tuyên truyền pháp luật về Phòng, chống tội phạm: Tuyên truyền pháp luật về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, HIV/AIDS; Bạo lực gia đình, Mại dâm…tại xã Nghĩa An-huyện Tư Nghĩa cho hơn 50 đối tượng tại các thôn và 03 CLB “ Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm” tại các trường Trần Quốc Tuấn, Lê Khiết và THPT Sơn Tịnh 1; cấp phát 5000 tờ rơi về các nội dung này.

Tham mưu UBND tỉnh tổ chức và tổng kết trao giải 03 cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về đất đai”, “Tìm hiểu pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Tìm hiểu pháp luật về Giáo dục”. Trong năm 2008, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh phát động cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí", dự kiến tổng kết và trao giải vào tháng 11/2008.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1.842 tổ hoà giải với 7350 hoà giải viên, mỗi năm hoà giải gần 3000 vụ việc,  tỷ lệ hoà giải thành đạt 70-80%, một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành cao đạt 90% là huyện Mộ Đức, Bình Sơn, Ba Tơ và thành phố Quảng Ngãi, 165/180 số xã, phường, thị trấn đã có tủ sách pháp luật. Để nâng cao hiệu quả công tác hoà giải và tủ sách pháp luật, sở tư pháp tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Quyết định số 1067/1998/TTg của Thủ tướng chính phủ về tủ sách pháp luật.

Biên soạn, in và cấp phát 8000 cuốn sổ tay về nghiệp vụ công tác tuyên truyền, hoà giải cho cán bộ Tư pháp, hoà giải ở cơ sở.

Hoạt động Trợ giúp pháp lý tiếp tục đẩy mạnh, kết hợp trợ giúp pháp lý lưu động với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến hầu hết các huyện trong tỉnh nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Ngoài ra, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động các văn bản pháp luật về Đất đai, Hộ tịch, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Khiếu nại - Tố cáo, Bảo vệ và phát triển rừng và các quy định của pháp luật về chế độ chính sách được Trung tâm trợ giúp pháp lý phổ biến sâu rộng đến người dân.

 Để tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc giải quyết yêu cầu trợ giúp pháp lý, Trung Tâm trợ giúp pháp lý đã mở 02 Chi nhánh tại 2 huyện Mộ Đức và Trà Bồng. trong 4 năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thực hiện tư vấn pháp luật gần 7.000 vụ việc, tổ chức 295 đợt trợ giúp pháp lý lưu động cho cho hơn 5.000 người ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Tư vấn qua điện thoại 1700 vụ, cấp phát hơn 70.000 tờ gấp pháp luật; cử Luật sư đại diện, bào chữa trước Toà án 290 vụ việc…góp phần giải toả vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nghèo, gia đình chính sách. Hoạt động của 15 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cấp xã thuộc các huyện Trà Bồng, Bình Sơn, Mộ Đức, Ba Tơ và Tư Nghĩa cũng đã đi vào nề nếp, định kỳ sinh hoạt mỗi tháng từ 1-2 lần đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho hội viên và nhân dân trên địa bàn xã.

- Công tác Thi hành án Dân sự, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiện toàn, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động các cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết dứt điểm các vụ án khó, phức tạp, kéo dài nhiều năm, đồng thời trình Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án, Giám đốc Sở Tư pháp đã phê duyệt Đề án quy hoạch cán bộ, công chức Cơ quan Thi hành án dân sự làm cơ sở thực hiện.

Cơ quan Thi hành án phối hợp với các cơ quan chức năng khởi tố và đưa ra xét xử về tội “không chấp hành án” tại huyện Mộ Đức (các bị cáo Ngô Đức Khánh 12 tháng tù giam; bị cáo Bùi Thị Yến Mai) qua đó tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự tại Quảng Ngãi, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được Sở Tư pháp thực hiện kịp thời, không có trường hợp nào tồn đọng, đối với các đơn thư  thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Thi hành án dân sự được Giám đốc Sở đã chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết kịp thời, những đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết Giám đốc Sở đã chỉ đạo Thanh tra Sở hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn đúng với quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Những công tác trọng tâm trong thời gian đến:

  - Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh quản lý chặt chẽ công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên toàn tỉnh. Thực hiện công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành, kịp thời đề nghị HĐND, UBND sửa đổi, bổ sung, thay thể hoặc huỷ bỏ các văn bản có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

- Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đồng thời chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Nghiên cứu đề xuất các biện pháp đảm bảo công tác PBGDPL đạt hiệu quả.

- Tăng cường hình thức PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đặc san Tư pháp 6 kỳ/năm, Trang Web Sở Tư pháp; phối hợp với Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, ngành Giáo dục-Đào tạo, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh… để đẩy mạnh công tác phổ biến và thực hiện giải đáp pháp luật. Tăng cường quản lý, khai thác tủ sách pháp luật cấp xã và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; phối hợp với Sở Giáo dục nâng cao hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, xem xét nhân rộng mô hình này ở một số trường Đại học, Cao Đẳng, THPT.

- Chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự triển khai thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Kịp thời tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo thi hành dứt điểm những vụ án khó, kéo dài, cương quyết cưỡng chế những vụ án đương sự có điều kiện thi hành nhưng chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ./.

Thanh Ngọc