Vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương ở Ninh Bình với tủ sách pháp luật cơ sở

10/10/2008
Hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước, viên chức Nhà nước phải tuân theo các văn bản qui phạm pháp luật. Đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn, cán bộ tư pháp hộ tịch cơ sở, cán bộ tổ dân phố, thôn, xóm… thường xuyên phải tham gia giải quyết công việc, tình huống, sự kiện có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhưng không phải khi nào địa phương cũng có điều kiện trang bị đủ tài liệu, văn bản pháp luật cho đội ngũ này, nhất là khi cán bộ cơ sở thường xuyên có biến động qua các nhiệm kỳ.

Ở cấp xã, việc quản lý văn bản, công văn đi, đến cũng còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ có nhiệm vụ giải quyết công việc cụ thể không nhận được văn bản chỉ đạo của cấp trên, dẫn đến giải quyết công việc chậm, thậm chí không đúng tinh thần chỉ đạo, yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.

Tại cơ sở, khi có những vụ việc liên quan đến pháp luật người dân thường gặp cán bộ xã, phường, thị trấn đề nghị hướng dẫn, giải thích cho biết vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ do văn bản nào qui định… Cán bộ xã, phường, thị trấn sẽ không thể giải thích, hướng dẫn, trả lời đúng nếu không có trong tay các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan. Do vậy khi Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn ban hành được cấp uỷ và chính quyền địa phương  các cấp tại Ninh Bình nhiệt tình đón nhận và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.

Trong Chương trình hành động của Tỉnh uỷ Ninh Bình và Kế hoạch công tác hàng năm của UBND tỉnh Ninh Bình, các giải pháp, các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân cần đẩy mạnh trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài thì mô hình xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật luôn có sự quan tâm đúng mức và được xác định là một nội dung quan trọng trong  Kế hoạch công tác của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp.

Hàng năm Sở Tư pháp Ninh Bình đều chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật các  huyện, thành phố, thị xã và một số xã, phường, thị trấn; Hướng dẫn việc lập danh mục các loại sách, tài liệu pháp luật mới; biên soạn các đề cương tuyên truyền, phổ biến các văn bản qui phạm pháp luật mới được ban hành để trang bị, bổ sung cho tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn.

Tủ sách pháp luật đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân:

Tính đến hết quý IV năm 2000, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh (145/145)  đã xây dựng được tủ sách pháp luật và đi vào hoạt động có hiệu quả; số đầu sách, báo, tạp chí pháp luật hàng năm đều được bổ sung làm cho tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn ngày thêm phong phú, đáp ứng kịp thời nhu cầu đến đọc, tra cứu, tìm hiểu pháp luật của đội ngũ cán bộ cơ sở và nhân dân.

10 năm qua, tỉnh Ninh Bình  đã xây dựng được 748 tủ sách pháp luật; trong đó: tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn là 155; ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học là 593 tủ sách; ở các điểm bưu điện văn hoá xã 116 tủ sách, cụ thể:

 Huyện Yên Khánh có mức đầu tư ban đầu cho mỗi tủ sách khoảng 3,6 triệu đồng. Mỗi năm, mỗi xã, thị trấn cấp từ 500.000đ đến 700.000đ cho một tủ sách để mua bổ sung các loại sách, báo pháp luật. Một số xã còn có sáng kiến giao cho Hội Nông dân quản lý, khai thác, bố trí điểm đọc sách cho cán bộ Hội Nông dân.

Thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, huyện Yên Mô, huyện Hoa Lư, huyện Kim Sơn có mức đầu tư cho mỗi tủ sách ban đầu trung bình là 2 triệu đồng. Hàng năm bổ sung từ 300.000đ đến 500.000đ cho mỗi tủ sách để mua bổ sung các loại sách, báo pháp luật. Các Nhà văn hoá của tổ dân phố, thôn, xóm, điểm văn hoá, trung tâm học tập cộng đồng được UBND các xã, phường, thị trấn hỗ trợ tài liệu và là điểm đọc sách, báo pháp luật bổ ích tại địa phương.

 Huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan là những đơn vị có nhiều khó khăn hơn. Nhưng tại đây một số xã lại được thụ hưởng các chương trình cấp phát miễn phí sách báo pháp luật, băng đĩa dữ liệu về pháp luật, xoá đói, giảm nghèo... theo các chương trình, dự án. Đồng thời ở những địa phương này, ngân sách cấp xã cũng dành nguồn kinh phí đầu tư ban đầu cho mỗi tủ sách  khoảng từ 1,5 - 1,7 triệu đồng và hàng năm cấp bổ sung cho các ban tư pháp, trung tâm học tập cộng đồng thôn,  xóm nguồn kinh phí khoảng từ  200.000đ đến 500.000đ cho mỗi tủ sách để mua các loại sách, báo pháp luật.

Các tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn được đặt ngay tại văn phòng UBND do cán bộ Tư pháp - Hộ tịch hoặc cán bộ Văn phòng trực tiếp quản lý và hướng dẫn cho cán bộ, nhân dân đến đọc, tra cứu (Bình quân mỗi tủ sách có khoảng từ 120 đến 150 lượt người/tháng tới đọc và tra cứu); việc theo dõi cho mượn, trả và cập nhật biến động các đầu sách pháp luật, phân loại các tài liệu, sách pháp luật hết hiệu lực, bổ sung các văn bản mới được thực hiện chặt chẽ, kịp thời. Nhiều tủ sách đã xây dựng được nội quy, quy chế hoạt động, nhiều địa phương có  phòng đọc sách riêng. Việc khai thác chủ yếu là việc cho mượn đọc tại chỗ, cán bộ địa phương, cán bộ tổ dân phố, thôn, xóm... được mượn về nhà trong những trường hợp cần thiết.

Trong 10 năm qua, tại 6 huyện (Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, Hoa Lư, Nho Quan), thị xã Tam Điệp và Thành phố Ninh Bình các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn của các đơn vị này đã đầu tư xây dựng tủ sách pháp luật với số tiền là 4.867.000.000đ (Trong đó xây dựng tủ sách pháp luật ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học là 260.580.000đ; ở xã, phường, thị trấn là 4.606.420.000đ).

Có thể khẳng định trong thời gian qua: cấp uỷ, HĐND, UBND, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã tập trung chỉ đạo và  tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi người dân đã có ý thức hơn trong việc tự tìm hiểu pháp luật thông qua việc tìm đọc sách tại các tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn. Ý thức pháp luật của cán bộ và các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tủ sách pháp luật đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí pháp luật, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của cán bộ xã, phường, thị trấn. Tình hình vi phạm pháp luật giảm, đơn thư khiếu kiện vượt cấp giảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững...

Một số tồn tại, khó khăn và nguyên nhân

Trong 3 năm đầu thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa có nhận thức đúng đắn về mô hình tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn nên nguồn kinh phí dành cho công tác này không bảo đảm. Ở không ít địa phương khi triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đền bù, giải toả, thu hồi đất... gặp phải sự chống đối khá quyết liệt của một số đối tượng do công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa được chú trọng. Nhiều hộ dân, nhiều đối tượng cho rằng việc triển khai thu hồi đất ở một số khu vực có biểu hiện nóng vội, thiếu minh bạch khi không cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật, hướng dẫn việc tìm đọc, tra cứu văn bản cho dân. Tủ sách pháp luật cơ sở lại không có đủ tài liệu pháp luật có liên quan đến những sự việc cần giải quyết.

Công tác quản lý tủ sách pháp luật ở một số địa phương chưa đi vào nề nếp; chưa mở sổ sách theo dõi số đầu sách dẫn đến tình trạng thất lạc những tài liệu sách quan trọng. Một vài địa phương chưa ban hành nội quy, quy chế quản lý, khai thác tủ sách; địa điểm đặt tủ sách chưa thực sự thuận tiện, không ít địa phương chưa có phòng đọc riêng.

Các hình thức khai thác tủ sách đơn điệu, chưa thực hiện thường xuyên việc luân chuyển, trao đổi sách, báo, văn bản pháp luật giữa tủ sách pháp luật do ban tư pháp xã quản lý với sách do các điểm Bưu điện văn hoá xã quản lý và sách của thư viện trong trường học trên cùng địa bàn xã, phường, thị trấn.

Nghiệp vụ quản lý, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ quản lý tủ sách còn nhiều hạn chế và chưa được tập huấn nghiệp vụ thường xuyên; một số địa phương chưa có cán bộ quản lý riêng.

Kinh phí dành cho việc trang bị sách ở nhiều địa phương chưa được chú trọng do ngân sách của địa phương quá khó khăn. Thu ngân sách cấp xã không đủ chỉ dẫn đến nguồn kinh phí "tiết kiệm" cắt giảm đầu tiên là nguồn kinh phí để mua sách pháp luật.

Số lượng sách, tạp chí, báo pháp luật, tài liệu chuyên ngành trong mỗi tủ sách pháp luật cấp xã ở Ninh Bình còn ít. Trong nhiều tủ sách còn có cả sách pháp luật chưa được hệ thống hoá, loại bỏ tài liệu cũ do có văn bản qui phạm pháp luật mới thay thế. Những văn bản hướng dẫn, biểu mẫu dành cho cán bộ quản lý và nhân dân không đầy đủ, kịp thời…

 Chế độ thù lao, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ phụ trách tủ sách chưa được đặt ra do kinh phí của cấp xã khó khăn. Ở không ít địa phương một số đoàn thể, chính trị, xã hội cũng chỉ được khoán chi cho mỗi năm khoảng 2.000.000đ nên đặt ra việc hỗ trợ thù lao cho cán bộ quản lý tủ sách là không khả thi.

 Cán bộ tư pháp, hộ tịch cấp xã ở Ninh Bình thời gian qua phải kiêm nhiệm chức danh Phó công an xã, nhiệm vụ quá tải nên không có thời gian hệ thống, biên tập tài liệu, giới thiệu, định hướng cho người đọc những loại văn bản pháp luật mới… Khó khăn đó dẫn đến tình trạng ở không ít địa phương sách pháp luật chỉ dành cho cán bộ xã sử dụng. Thủ tục mượn, trả phức tạp, rườm rà…không ít cán bộ quản lý tủ sách không muốn phục vụ nhân dân tìm hiểu, tra cứu sách, báo pháp luật.

Hoạt động tuyên truyền về tủ sách pháp luật chưa thường xuyên vì thế có rất ít người dân biết ở xã có tủ sách pháp luật.

Một hạn chế khác là chất lượng các đầu sách pháp luật hiện nay cũng có nhiều vấn đề cần bàn. Tình trạng văn bản, tài liệu "ăn theo" nội dung chính của sách làm nhiều bạn đọc không hài lòng. Sách nhiều trang nhưng nội dung thông tin người đọc quan tâm lại ít và không phù hợp với thực tiễn địa phương. Những sách người đọc quan tâm thì giá quá đắt nên địa phương không có điều kiện để trang bị.

 Ở một số xã, phường, thị trấn việc triển khai xây dựng tủ sách pháp luật mang tính hình thức. Hàng năm, chưa tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế, bất cập. Công tác kiểm tra, đôn đốc của tỉnh, huyện, thành phố, thị xã đối với cấp xã chưa thường xuyên, kịp thời.

Cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn nhiều nơi chưa có thói quen tìm hiểu pháp luật thông qua tủ sách pháp luật. Qua khảo sát của Dự án cải cách hành chính có tới trên 60% số ý kiến (143 người) được hỏi trả lời rằng: những thông tin pháp luật mà họ tiếp cận được là do nghe đài, xem truyền hình và hỏi những người mà họ cho là có hiểu biết. Không ít trường hợp cho rằng: họ chỉ đọc sách pháp luật, tra cứu văn bản pháp luật theo hướng dẫn của người thân khi có sự việc liên quan hoặc khi quyền và lợi ích bị xâm hại.

Một số bài học kinh nghiệm

Qua thực tiễn của công tác chỉ đạo tại địa phương chúng tôi cho rằng mô hình tủ sách pháp luật ở cơ sở là hết sức cần thiết. Sách pháp luật góp phần nâng cao dân trí pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo sai, vượt cấp. Và để mô hình này là một trong những hình thức phổ biến pháp luật có hiệu quả thiết thực tại địa phương thì:

- Việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ đảng; chính quyền địa phương. Khi có chủ trương,  phải có kế hoạch triển khai đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Có quy chế cụ thể, bố trí cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm có thái độ thân thiện trực tiếp quản lý tủ sách để phục vụ nhu cầu tìm đọc và tra cứu của cán bộ, nhân dân địa phương.

 - Tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân và các hội viên, đoàn viên của các tổ chức chính trị, xã hội nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật thông qua tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn. Sử dụng có hiệu quả các tài liệu sách pháp luật cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trên hệ thống truyền thanh 3 cấp. Kết hợp giới thiệu sách báo pháp luật trong các dịp sinh hoạt văn hoá cộng đồng, lễ hội văn hoá dân gian tại địa phương.

- Bố trí nguồn kinh phí riêng cho việc trang bị sách pháp luật mới hàng năm cho các tủ sách. Bổ sung các loại sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt là các loại sách, tài liệu về đất đai, dân sự, hôn nhân, gia  đình, khiếu nại, tố cáo...

- Tiến hành kiểm tra, sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật.

Phương hướng và giải pháp trong thời gian tới

Trong thời gian tới cần tổng kết đánh giá lại việc triển khai thực hiện Quyết định 1067/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các cấp, các ngành một cách nghiêm túc. Các cơ quan tư pháp cần biên soạn mục lục, tài liệu tóm tắt theo các chuyên đề và thông báo những văn bản pháp luật mới, những văn bản hết hiệu lực và cung cấp các phụ lục này cho các tủ sách pháp luật cơ sở.

Theo đặc thù của từng vùng miền, cụm dân cư khác nhau đưa ra hình thức phù hợp về các mô hình quản lý, khai thác tủ sách pháp luật với từng địa phương.  Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đoạn 2008 - 2012 cần bổ sung nội dung về quản lý tủ sách pháp luật cơ sở.

Việc biên soạn, đầu tư xây dựng hệ thống tủ sách pháp luật cơ sở cần tính đến hiệu quả thiết thực, tránh chồng chéo. Thực tế hiện nay có quá nhiều luật gia, nhà nghiên cứu,  nhà xuất bản " thi đua" biên tập sách pháp luật gắn với một vài bài bình luận, hướng dẫn, giới thiệu, đề tựa rồi sau đó "ép" cơ sở mua với giá cao. Trong khi sách pháp luật người dân cơ sở cần thì lại không có. Cùng một địa phương có quá nhiều đầu mối, nhiều cơ quan, đoàn thể có "dự án" về quản lý, trang bị sách pháp luật, trong khi ở địa phương khác thì không được thụ hưởng sự quan tâm tương tự.

Đã đến lúc Bộ Tư pháp không nên thả nổi hoạt động kinh doanh, sản xuất, phát hành sách pháp luật như thời gian qua. Nhiều khi có tình trạng cơ quan, tổ chức phát hành sách in cả những văn bản đã hết hiệu lực pháp luật và "chào bán" cho cơ sở. Vì vậy Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn hàng năm số đầu sách bắt buộc phải có trong các tủ sách pháp luật. Hoặc báo cáo Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, Bộ Tài chính, Chính phủ để quyết định nguồn kinh phí hỗ trợ địa phương sách pháp luật theo một đầu mối thống nhất. Sở dĩ đặt ra yêu cầu này là vì nếu chỉ trông chờ vào ngân sách địa phương (nhất là những địa phương khó khăn) thì nguồn kinh phí dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, kinh phí trang bị cho tủ sách pháp luật nói riêng sẽ được địa phương " cắt bỏ" đầu tiên nếu kinh phí của địa phương gặp khó khăn.

Cần có chế độ phụ cấp cho các bộ phụ trách tủ sách pháp luật, nhằm động viên kịp thời sự nhiệt tình, trách nhiệm, để họ làm tốt hơn việc quản lý và khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật. Chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác tủ sách pháp luật cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch các xã, phường, thị trấn. Tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm của sở tư pháp, phòng tư pháp trong việc kiểm tra việc xây dựng, bổ sung, khai thác tủ sách pháp luật tại cơ sở; từng bước đưa công tác này đi vào nề nếp, đảm bảo 100% tủ sách pháp luật có quy chế hoạt động; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép trong các dịp sinh hoạt, học tập cộng đồng.

Tạ Quý Dương - Sở Tư pháp Ninh Bình