Bình Định: Đánh giá 10 năm triển khai, thực hiện pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở

08/10/2008
UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức đánh giá 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Theo đó, qua 10 năm triển khai và thực hiện Pháp lệnh ở Bình Định có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tích cực trong việc củng cố khối đoàn kết khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư, đồng thời thông qua hoạt động hoà giải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân cơ sở.

Về chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện : Kể từ khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Nghị định 160/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành; UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức quán triệt và có kế hoạch tổ chức thực hiện, giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai nội dung các văn bản nêu trên cho cán bộ lãnh đạo và thủ trưởng cơ quan đoàn thể cấp huyện, bí thư, chủ tịch UBND cấp xã, đồng thời chỉ đạo các cơ quan tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cùng cấp và các đoàn thể ở địa phương tổ chức triển khai thực hiện nội dung của Pháp lệnh và nội dung của Nghị định 160/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hoà giải cơ sở, ngày 05/ 7/ 2006, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 65/2006/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy chế hoà giải viên ở cơ sở; và Quyết định số 14/2006/QĐ-UBND ngày 08/2/2006 về việc ban hành mức chi thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý tạo thuận lợi cho việc tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở. Ngoài ra, trong chương trình kế hoạch công tác hàng năm của Uỷ ban nhân dân, của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp đều xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, cách thức, biện pháp củng cố, kiện toàn các tổ hoà giải ở cơ sở, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này. 

Về tổ chức của Tổ hoà giải: Nhận thức được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng công tác hoà giải ở cơ sở,  trước khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở ban hành, công tác xây dựng, củng cố và tăng cường tổ hoà giải cơ sở được Sở Tư pháp và các ngành, các cấp ở Bình Định chú trọng quan tâm. Năm 1993, Bình Định có 576 tổ hoà giải, vừa là tổ an ninh nhân dân do Mặt trận Tổ quốc xã quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ. Năm 1996, Bình Định đã củng cố kiện toàn và xây dựng tổ hoà giải tăng lên 879 tổ với 4.398 hoà giải viên. Mô hình các tổ hoà giải được tổ chức theo thôn, xóm, làng, khối phố, khu dân cư. Ở cấp xã có nơi đã thành lập Hội đồng hoà giải. Tuy nhiên, hoạt động hoà giải lúc bấy giờ ở cơ sở ít hiệu quả, nhiều hạn chế vì thiếu cơ sở pháp luật để xây dựng và thực hiện hoà giải ở cơ sở.

Từ năm 1998, khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành đến nay, UBND các cấp trong tỉnh Bình Định đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp không ngừng xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động tổ hoà giải ở cơ sở.  Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Bình Định đã xây dựng 1.168 Tổ hoà giải ở 1.113 làng, thôn, khu phố, cụm dân cư, dòng họ, đầm vạn, hội nghề.. với 7.969 hoà giải viên. Cụ thể:

-         TP. Quy Nhơn có 152/152 tổ hoà giải, với 1.057 hoà giải viên;

-         Tuy Phước có 99/99 tổ hoà giải, với 802 hoà giải viên;

-         Tây Sơn có 111/77 tổ hoà giải, với 682 hoà giải viên;

-         An Nhơn có 111/108 tổ hoà giải, với 715 hoà giải viên;

-         An Lão có 57/57 tổ hoà giải, với 285 hoà giải viên;

-         Phù Cát có 137/117 tổ hoà giải, với 831 hoà giải viên;

-         Hoài Ân có 83/82 tổ hoà giải, với 510 hoà giải viên;

-         Vĩnh Thạnh có 57/57 tổ hoà giải, với 344 hoà giải viên;

-         Hoài Nhơn có 149/153 tổ hoà giải, với 1.265 hoà giải viên;

-         Vân Canh có 48/48 tổ hoà giải, với 336 hoà giải viên;

-         Phù Mỹ có 164/163 tổ hoà giải, với 1.142 hoà giải viên;

 Cơ cấu tổ chức và thành viên của các Tổ hoà giải ở Bình Định khá phong phú, số lượng thành viên của Tổ hoà giải thường có từ 5 đến 9 người, hầu hết Tổ trưởng Tổ hoà giải là Trưởng thôn hoặc thành viên của Mặt trận. Trong tổng số 7.969 hoà giải viên được nhân dân ở cơ sở bầu là cán bộ trong các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể thôn như: Mặt trận tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi, Già làng, trưởng tộc họ, trưởng vạn chài, hội trưởng nghề nghiệp...Trong đó: 955 thành viên là Trưởng thôn và Phó Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố; 455 thành viên là Bí thư Chi bộ; 1.075 thành viên của Ban công tác Mặt trận; 1.063 thành viên của Chi hội Phụ nữ; 953 thành viên của Chi Hội Nông dân; 1.070 thành viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; 792 thành viên của Hội Cựu Chiến binh; 634 thành viên của Hội Người cao tuổi; 84 thành viên là già làng, Trưởng tộc họ và các thành phần khác là 904 thành viên.Về giới tính: Nam có 4.958; nữ 1.726. Về độ tuổi: 619 thành viên có độ tuổi dưới 30; 2.386 thành viên có độ tuổi từ 30 đến 45; 2.387 thành viên có độ tuổi 46 đến 55 ; 1.343 thành viên có độ tuổi 56 trở lên. Số người có trình độ văn hoá bậc tiểu học 1.135 người; bậc trung học cơ sở 3.453 người; bậc trung học phổ thông 1.380 người; trong đó số hoà giải viên có trình độ chuyên môn hệ trung cấp 824 người; cao đẳng là 350; và đại học 14 người.

Nhìn chung những người tham gia vào tổ hoà giải ở cơ sở đều là những người cư trú tại địa bàn dân cư. Họ là những cán bộ, công dân có phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có uy tín trong nhân dân; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật; và tự nguyện tham gia tổ chức hoà giải, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác hoà giải. Hầu hết các tổ hoà giải ở cơ sở đều do UBND nhân dân cấp xã ra quyết định thành lập. Tổ hoà giải có tổ trưởng và các tổ viên do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và do UBND cùng cấp công nhận.  

Về hoạt động của tổ hoà giải: Trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày của cộng đồng dân cư ở cơ sở thường phát sinh những mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình do khác nhau về quan niệm sống, tranh chấp về quan hệ tài sản hoặc mâu thuẫn, xích mích cá nhân trong quan hệ cộng đồng như: đường đi, ranh giới vườn nhà, ruộng vườn, giờ giấc sinh hoạt, điện nước...Trong 10 năm qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, các Tổ hoà giải ở cơ sở dựa trên cơ sở pháp luật, phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của nhân dân, quy phạm đạo đức xã hội, tình cảm xóm làng, lòng nhiệt tình và uy tín của bản thân mà các tổ viên Tổ hoà giải tìm hiểu sự việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tham khảo ý kiến của cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan, lắng nghe ý kiến của các bên, các hoà giải viên đã trực tiếp gặp gỡ các bên, dùng tình cảm, lý lẽ để phân tích, thuyết phục các bên đạt được thoả thuận, phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân và tự nguyện thực hiện sự thoả thuận đó. Ngoài ra, thông qua hoạt động, các hoà giải viên góp phần phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư; góp phần tích cực hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài; nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân và quan trọng hơn là cảm hoá, giáo dục ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cho các bên tranh chấp.

Theo số liệu báo cáo của UBND huyện, thành phố trong tỉnh, từ năm 1998 đến tháng 6 năm 2008 các Tổ hoà giải trong tỉnh tiếp nhận khoản 55.436 vụ việc; đã tiến hành hoà giải thành 47.055 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,88% ; chuyển 8.033 vụ việc hoà giải không thành lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật, chiếm tỷ lệ 15,12%, số vụ việc còn lại đang tiếp tục tiến hành hoà giải. Trong đó, các tổ hoà giải ở TP. Quy Nhơn tiếp nhận 9.426 vụ việc, hoà giải thành 7.926 vụ việc (đạt 84,1%); huyện Tuy Phước  tiếp nhận 3.772 vụ việc, hoà giải thành 2.528 vụ việc (đạt 67,02%); huyện Tây Sơn tiếp nhận 3.284 vụ việc, hoà giải thành 2.767 vụ việc (đạt 84,3%); huyện An Nhơn tiếp nhận 4.627 vụ việc, hoà giải thành 3.759 vụ việc (đạt 81%); huyện An Lão tiếp nhận 1.534 vụ việc, hoà giải thành 1.353 vụ việc (đạt 88,2%); huyện Phù Cát tiếp nhận 15.016 vụ việc, hoà giải thành 13.339 vụ việc (đạt 88,8%); huyện Hoài Ân tiếp nhận 2.335 vụ việc, hoà giải thành 1.992 vụ việc (đạt 85,31%); huyện Vĩnh Thạnh tiếp nhận 1.165 vụ việc, hoà giải thành 1.034 vụ việc (đạt 88,7%); huyện Hoài Nhơn tiếp nhận 2.925 vụ việc, hoà giải thành 2.457 vụ việc (đạt 84%), Vân Canh tiếp nhận 1.027 vụ việc, hoà giải thành 822 vụ việc (đạt 80,03%), Phù Mỹ tiếp nhận 10.325 vụ việc, hoà giải thành 9.078 vụ việc (đạt 87,92%).

 Hầu hết các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác hoà giải cơ sở, đạt tỷ lệ hoà giải thành cao. Trong tổng số các vụ việc mà các Tổ chức hoà giải ở cơ sở tiếp nhận để hoà giải thì có 10.047 vụ việc thuộc lĩnh vực đất đai (chiếm 18,12%); 12.993 vụ việc thuộc lĩnh vực dân sự (chiếm 23,43%); 8.351 vụ việc thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, (chiếm 15,06%), số còn lại 24.045 vụ việc thuộc các lĩnh vực khác (chiếm 43,37 %). Các địa phương như Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, An Lão...có số vụ việc hoà giải thành đạt tỷ 87% trở lên.

 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kiến thức pháp luật cho hoà giải viên: Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác hoà giải ở cơ sở, tạo điều kiện cho các hoà giải viên có khả năng phát huy vai trò của mình trong quá trình thực hiện hoà giải cơ sở, việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải cho các thành viên của Tổ hoà giải đã được UBND các cấp quan tâm, nhất là những năm gần đây. Trong 10 năm qua, Bình Định tổ chức hơn 20 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng hoà giải cho đội ngũ hoà giải viên trong toàn tỉnh. Nội dung tập huấn hằng năm cho đội ngũ hoà giải viên tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và thiết thực với người dân cơ sở, và các chuyên đề kỷ năng thực hiện hoà giải cơ sở cho hoà giải viên. Đồng thời Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh đã phát hành Bản tin “Tư pháp Bình Định” đến cán bộ tư pháp hộ tịch, tổ trưởng tổ hoà giải ở cơ sở để làm tài liệu tham khảo nâng cao nghiệp vụ hoà giải. Đặc biệt, thông qua 02 hội thi “Hoà giải viên giỏi”, do tỉnh tổ chức đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các hoà giải viên trong toàn tỉnh tham gia. Qua đó, tạo điều kiện cho những người làm công tác hoà giải ở cơ sở được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm trong việc thực hiện hoà giải. Bên cạnh việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dưới hình thức tổ chức trực tiếp, thì thông qua các hình thức cung cấp tài liệu hỏi- đáp pháp luật, tủ sách pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật…đã nâng cao khả năng hiểu biết pháp luật và vận dụng các quy định pháp luật vào công tác hoà giải ở cơ sở. Trong 10 năm qua, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở Bình Định còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức trên 70 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải, kiến thức pháp luật và trao đổi kinh nghiệm hoà giải cho các hoà giải viên. Thông qua đó, các hoà giải viên nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật và qua trao đổi học hỏi kinh nghiệm, các hoà giải viên được trang bị những kiến thức pháp lý cần thiết để khi tiến hành hoà giải đảm bảo được nguyên tắc, đúng phương pháp, có lý, có tình làm cơ sở để họ giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn và thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Ngoài ra, thông qua công tác kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết hàng năm về công tác hoà giải ở sở …để đánh giá và rút ra kinh nghiệm, phát hiện những gương hoà giải viên tốt để động viên, khen thưởng kịp thời, và đánh giá được chất lượng hoạt động của các tổ hoà giải.  

Sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở trong công tác hoà giải ở địa phương .     Việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân, tuyên truyền phổ biến cho nhân dân tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước cũng là một trong những mục tiêu đặt ra đối với công tác hoà giải ở cơ sở. Trong quá trình thực hiện, Ban tư pháp cấp xã đã phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt nam cùng cấp ở địa phương đã xây dựng, củng cố, kiện toàn các Tổ hoà giải. Trong tổng số 1.168 Tổ hoà giải thì hiện nay có 1.075 tổ viên tổ hoà giải là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt nam. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt nam cùng cấp phối hợp Ban tư pháp xã chọn những người tiêu biểu, có uy tín, có đủ tiêu chuẩn để nhân dân bầu vào thành viên của Tổ hoà giải, đã góp phần rất lớn cho việc thành lập, cũng cố, kiện toàn về tổ chức Tổ hoà giải ở cơ sở, tạo điều kiện cho các Tổ hoà giải hoạt động có chất lượng và hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên không những đóng vai trò nòng cốt trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện về nhân lực, về tinh thần đối với công tác hoà giải ở cơ sở mà còn là nhân tố tích cực trong việc tham gia trực tiếp hoà giải các vụ việc, các tranh chấp, các xích mích trong nhân dân. Bởi vậy khi tham gia hoạt động hoà giải, họ sẽ phát huy hết khả năng cũng như uy tín của mình để vận dụng trong các tình huống hoà giải mang lại hiệu quả cao (hoà giải thành cao). Mặt khác, qua sự tác động tích cực của Mặt trận đối với công tác hoà giải đã thúc đẩy chính quyền cơ sở dành nhiều sự quan tâm cũng như sự đầu tư , tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hoà giải hoạt động có hiệu quả.

         

Đánh giá chung: Trong 10 năm qua, Tổ hoà giải ở cơ sở  được kiện toàn, củng cố về số lượng cũng như chất lượng. Các làng, thôn, khối phố, cụm dân cư trong tỉnh đều được thành lập Tổ hoà giải; tổ trưởng Tổ hoà giải và các thành viên là những người có uy tín, có kinh nghiệm thực tiễn và được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; số vụ việc hoà giải thành trung bình hàng năm đạt tỷ lệ từ 80% đến 85%, kịp thời giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giảm một cách đáng kể các đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của nhân dân, mang lại lợi ích kinh tế, văn hoá xã hội, tinh thần không chỉ cho cá nhân, cho cộng đồng dân cư mà cho cả toàn xã hội.

 Có thể nói, trong 10 năm qua số vụ việc tranh chấp nhỏ trong nhân dân, trong cộng đồng dân cư không phải là ít, số vụ việc cần phải hoà giải trong lĩnh vực đất đai còn nhiều, tình hình trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư còn khá phức tạp, vì vậy đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể cần phải nỗ lực hơn nữa với nhiều hình thức, cách thức, phương  pháp khác nhau và dành nhiều thời gian hơn nữa để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, nhằm làm hạn chế tối đa các vụ việc cần phải hoà giải, giữ vững trật tự, an toàn xã hội và tình làng nghĩa xóm trong nhân dân, trong cộng đồng dân cư.

Nguyễn Huỳnh Huyện