Kết quả triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến tháng 9/2008 trên địa bàn tỉnh Lào Cai

14/10/2008
Lào Cai là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, có 09 huyện, thành phố, 164 xã, phường, thị trấn, trong đó hiện nay có 95 xã vùng đặc biệt khó khăn và 26 xã biên giới với 2.146 thôn, bản tổ dân phố; địa hình miền núi bị chia cắt phức tạp, giao thông không thuận tiện, việc giao lưu về kinh tế, văn hoá, thông tin gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có gần 60 vạn dân với 25 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có hơn 60% đồng bào dân tộc thiểu số với những phong tục tập quán rất đa dạng, một số hủ tục lạc hậu chưa được xoá bỏ; trình độ dân trí thấp, trình độ hiểu biết pháp luật rất hạn chế, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết tiếng phổ thông.

Những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những chuyển biến tích cực cả về chất lượng và hiệu quả. Các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm triển khai theo hệ thống ngành dọc từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền đa dạng và phong phú thông qua đó ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần tăng cường phát huy dân chủ ở cơ sở, hạn chế và phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Triển khai công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng tới mọi tầng lớp cán bộ, chiến sĩ và mọi tầng lớp nhân dân. Hàng năm Hội đồng PBGDPL tỉnh đều ban hành kế hoạch hoạt động của Hội đồng, văn bản hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chỉ đạo các ban, ngành thành viên của Hội đồng và Hội đồng phối hợp cấp huyện xây dựng các chương trình, kế hoạch tuyên truyền pháp luật và tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân thuộc ngành mình, cấp mình.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền Hội đồng PBGDPL chú trọng công tác củng cố, kiện toàn Hội đồng PBGDPL. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 01 Hội đồng PBGDPL tỉnh, 09 Hội đồng PBGDPL cấp huyện và 164 Hội đồng PBGDPL cấp xã. Ngoài ra, theo chỉ đạo của ngành dọc thì có 05 đơn vị thành lập Hội đồng PBGDPL gồm: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Trường Trung học kinh tế kỹ thuật, Trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai. Công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên ở cơ sở và đội ngũ báo cáo viên tư tưởng văn hoá: Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp và hoà giải viên ở cơ sở được củng cố, kiện toàn rộng khắp từ các cơ quan, đoàn thể, đơn vị vũ trang, cấp tỉnh, huyện, xã, trong các doanh nghiệp Nhà nước làm lực lượng nòng cốt để triển khai tuyên truyền pháp luật đến tận cơ sở, cụm dân cư. Đến nay, cấp tỉnh đã công nhận 144 báo cáo viên pháp luật; các huyện, thành phố đã công nhận 292 báo cáo viên pháp luật và cấp xã đã công nhận 712 tuyên truyền viên pháp luật; Theo số liệu báo cáo của 9/9 huyện, thành phố hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.127 tổ hoà giải 2.146 thôn, bản, tổ dân phố với 9.593 hoà giải viên.  Đội ngũ báo cáo viên tư tưởng, văn hoá tham gia làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh có 952 báo cáo viên (Trong đó cấp tỉnh: 525 báo cáo viên, cấp huyện: 99 báo cáo viên và cấp xã: 328 báo cáo viên).

Từ năm 2003 đến tháng 9/2008 các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 127 văn bản (02 Bộ luật, 90 Luật, 16 Pháp lệnh và 19 văn bản quy phạm pháp luật khác của các cơ quan nhà nước ở trung ương) với 136.411 buổi tuyên truyền pháp luật cho hơn 4.043.747 lượt người là cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia học tập pháp luật.  Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 1.916 buổi tuyên truyền pháp luật cho 43.370 lượt người là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; 2.712 buổi tuyên truyền pháp luật cho 241.779 lượt người là cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên trong hệ thống các trường học; 500 buổi tuyên truyền pháp luật cho 74.310 lượt cán bộ chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang; 86.109 buổi tuyên truyền pháp luật cho 3.089.201 lượt người tham gia học tập pháp luật là các tầng lớp nhân dân (trong đó riêng  đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa là 95.120 lượt người); 997 buổi tuyên truyền pháp luật cho 444.079 lượt người là đoàn viên, thanh niên trong các cấp bộ Đoàn; 43.892 buổi tuyên truyền pháp luật cho hàng trăm ngàn lượt người là phụ nữ và nông dân; 285 buổi tuyên truyền pháp luật cho 151.008 lượt người là cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật do trung ương và địa phương ban hành có liên quan thiết thực đến quyền và nghĩa vụ của các đối tượng, trong đó chú trọng vào các quy định của pháp luật về lĩnh vực quản lý chuyên ngành; dân sự; hình sự; hôn nhân và gia đình; đất đai; biên giới quốc gia; bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống ma tuý; thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế....

Hình thức tuyên truyền pháp luật gồm:

 Tuyên truyền miệng: Là hình thức tuyên truyền pháp luật chủ yếu thông qua việc mở các hội nghị Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, một năm/02 đợt (06 tháng đầu năm - đợt 1, 06 tháng cuối năm - đợt 2). Nội dung tập trung phổ biến, tuyên truyền các văn bản Luật, Pháp lệnh mới được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua tại các kỳ họp trong năm và một số văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước trung ương, của tỉnh theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước trong từng thời kỳ. Hội nghị được chỉ đạo triển khai ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã cho toàn bộ lực lượng báo cáo viên của đảng; báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện và tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Sau hội nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động và nhân dân theo cụm dân cư.

Theo kế hoạch hàng năm Hội đồng PBGDPL các cấp tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, ban hành văn bản hướng dẫn triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, báo cáo viên tư tưởng văn hoá, hoà giải viên cơ sở.

Các ngành, các cấp tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo chuyên đề phù hợp với nhiệm vụ quản lý chuyên ngành của cơ quan, tổ chức, đối tượng, địa bàn đặc thù.

Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật: Các ngành đã phối hợp tổ chức được 333 hội thi cuộc thi theo hình thức thi viết và thi sân khấu hoá theo chuyên đề. Nội dung tập trung vào các quy định của pháp luật về: hình sự; dân sự; giao thông đường bộ; hôn nhân gia đình; bảo hiểm xã hội; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; cư trú; biên giới quốc gia; quản lý hành chính nhà nước... Các hội thi được phát trên sóng truyền hình tỉnh, truyền hình trực tiếp các trận thi vòng chung kết cấp tỉnh, được thu băng hình để cấp phát cho cơ sở, qua đó đã thu hút được được hàng chục nghìn lượt cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó có nhân dân địa bàn các xã biên giới.

 Đặc biệt, Sở Tư pháp đã tổ chức triển khai Hội thi “Hoà giải viên giỏi” lần thứ hai vào năm 2005 ở cả ba cấp, nhằm củng cố, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền pháp luật và nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở. Hội thi đã thu hút được sự tham gia đông đảo của đội ngũ hoà giải viên và sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả, hoà giải viên tỉnh Lào Cai tham gia dự thi đã đạt giải Nhì (năm 2005) tại Hội thi “Hoà giải viên giỏi” toàn quốc. Năm 2007, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tổ chức ở cả 3 cấp Hội thi “Nhà nông tìm hiểu pháp luật” trên sóng truyền hình cho các đối tượng là hội viên hội nông dân ở cơ sở.

Biên soạn tài liệu: Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã biên soạn và cấp phát 109.997 cuốn tài liệu (Sách nghiệp vụ, Thông tin pháp lý, Hỏi – đáp pháp luật, đề cương...); 78.137 cuốn bản tin; 330.127 tờ rơi, tờ gấp, tờ phơi...cho các đối tượng là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, tủ sách pháp luật các ngành, các cấp và nhân dân nhằm tuyên truyền các quy định của pháp luật về: hôn nhân và gia đình; dân sự; hình sự; kinh tế; lao động; phòng, chống ma tuý; bảo vệ và phát triển rừng; quy chế dân chủ ở cơ sở…. Qua đó đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Xây dựng tủ sách pháp luật:

Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn: Hiện nay 164/164 xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai có tủ sách pháp luật, với số lượng từ 100 - 250 đầu sách đảm bảo đủ 04 bộ phận, sách báo, tạp chí theo hướng dẫn của Bộ tư pháp. Ngành Văn hoá - Thông tin có 17 tủ sách pháp luật phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đến thư viện để tìm đọc, trung bình mỗi tủ sách có từ 500 đến 600 bản sách; xây dựng được 10 điểm bưu điện văn hoá xã kiêm thư viện cơ sở. Bưu điện tỉnh Lào Cai đã đầu tư tủ sách pháp luật tại 126 điểm Bưu điện văn hoá xã, hàng năm bổ sung thêm cho mỗi điểm Bưu điện này trên 20 đầu sách tương đương 500.000đ/điểm.  Tủ sách pháp luật của Bộ đội Biên phòng gồm 14 tủ và ngăn sách, mỗi tủ có từ 50 đầu sách pháp luật trở lên, hàng năm tủ sách pháp luật được bổ sung theo các đợt tuyên truyền và do đơn vị tự trích kinh phí mua bổ sung.

 Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học: Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 429 tủ sách pháp luật, cơ bản đầy đủ 04 nhóm sách, báo, tạp chí theo quy định. Qua đó, đã thu hút được số lượng người đọc là 303.248 lượt người. Đối tượng chủ yếu là: cán bộ, chính quyền, đoàn thể, tổ viên tổ hoà giải và nhân dân; học sinh, sinh viên..  để tìm hiểu những quy định liên quan thiết thực đến đời sống bản thân và gia đình, đồng thời nghiên cứu để giải quyết các công việc hàng ngày, hướng dẫn cho người dân hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân.

  Tuyên truyền pháp luật thông qua mạng lưới thư viện: Trong 05 năm (2003 – 2007) thư viện tổng hợp tỉnh và các huyện, thành phố thường xuyên bổ sung thêm nhiều đầu sách mới, tổ chức trưng bày sách, báo theo các chuyên đề pháp luật như tuyên truyền cho Tháng hành động phòng, chống ma tuý; Tháng an toàn giao thông; Ngày Dân số thế giới... Hệ thống thư viện toàn tỉnh đã cập nhật mới được 6.049 thẻ bạn đọc, phục vụ 161.734 lượt độc giả, luân chuyển 98.854 lượt sách báo phục vụ nhân dân. 06 tháng đầu  năm 2008, thư viện tổng hợp tỉnh đã tổ chức 01 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý tủ sách thư viện cơ sở; 15 cuộc trưng bày sách, mỗi đợt 200 bản sách; bổ sung, xử lý 5.651 bản sách, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí cho nhân dân; tiến hành xử lý hồi cố 2.000 tên sách, 2.544 bản sách kho luân chuyển; biên soạn 06 thư mục trích báo, tạp chí, 03 thư mục thông báo sách mới, 03 thư mục thông tin chuyên đề. Phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh luân chuyển 12 lô sách tới 12 đồn biên phòng với 1.200 bản sách, gồm các loại sách chính trị - xã hội, kinh tế, văn học... trị giá 34.944.600 đồng.

Câu lạc bộ pháp luật: Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể các cấp đã xây dựng được 343 Câu lạc bộ, bao gồm: Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; Câu lạc bộ  “Phòng chống tệ nạn xã hội”; Câu lạc bộ “Điểm sáng biên giới”; Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; Câu lạc bộ Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”; Câu lạc bộ “Phòng, chống ma tuý, tội phạm”; Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”; Câu lạc bộ  “Sống khoẻ”; Câu lạc bộ “Sinh con một bề”; Câu lạc bộ “Chia sẻ và trách nhiệm”; Câu lạc bộ “tiền hôn nhân”; Câu lạc bộ “ gia đình trẻ hạnh phúc”; Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”... thông qua các kỳ sinh hoạt câu lạc bộ đã tuyên truyền pháp luật cho hàng trăm nghìn lượt người là cán bộ, hội viên, đoàn viên, cấp phát hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp có nội dung pháp luật....

 Tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng:

Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với các cơ quan: Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Hội luật gia tỉnh... mở các chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”; “Chính sách mới”; “An ninh trật tự”; “An toàn giao thông”; “Pháp luật và đời sống” “Chủ quyền an ninh biên giới”; “Quốc phòng toàn dân”; “Người đại biểu nhân dân”... trên trang báo địa phương và sóng phát thanh, truyền hình. Riêng Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh mỗi năm đã phát hàng trăm chuyên mục trên sóng phát thanh, truyền hình. Ngoài ra trong các chương trình thời sự đã chuyển tải hàng nghìn tin bài về tuyên truyền pháp luật bằng tiếng Việt, Dao, Mông, Dáy. Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể đã mở chuyên mục tìm hiểu pháp luật trên các trang thông tin, tạp chí chuyên đề của ngành.  PBGDPL thông qua hoạt động thông tin lưu động: Ngành Văn hoá - Thông tin đã huy động lực lượng tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở gồm: Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh, 09 đội thông tin lưu động; 10 đội chiếu bóng lưu động và đội văn nghệ thông tin các xã tham gia phổ biến tuyên truyền pháp luật. Kết quả, từ năm 2003 đến tháng 9/2008, toàn ngành đã sáng tác được 89 kịch bản thông tin; thực hiện được 4.450 buổi chiếu bóng lưu động; 4.050 buổi thông tin lưu động; 825 buổi biểu diễn nghệ thuật; 4.850 buổi văn nghệ xã; kẻ vẽ, làm mới được 3.755 panô, áp phích các loại; 7.157 băng zôn khẩu hiệu tuyên truyền về chủ đề phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS, tháng an toàn giao thông, ngày thế giới không hút thuốc lá, ngày môi trường; xây dựng được 359 nhà văn hoá thôn, bản....

Công tác hoà giải ở cơ sở: Sau 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở (1998 – 2008), các tổ hoà giải toàn tỉnh đã thụ lý 29.799 vụ việc, trong đó hoà giải thành là 27.085 vụ việc, đạt tỷ lệ 93,6%, số vụ việc hoà giải không thành, hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết 2.020 vụ. Phần lớn số vụ việc hoà giải tập trung vào các lĩnh vực như: đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp nhỏ trong sinh hoạt cộng đồng…

PBGDPL thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách: Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận và thực hiện 6.242 yêu cầu trợ giúp pháp lý cho 6.276 đối tượng là người nghèo và đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số… Trong đó: số vụ việc tư vấn pháp luật là 5.389 vụ; số vụ đại diện, bào chữa tại Toà án là 853 vụ.

Trung tâm và các Chi nhánh trợ giúp pháp lý đã tổ chức 159 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 132 xã trong tỉnh, tiếp nhận và tư vấn pháp luật 2.693 yêu cầu, cấp phát hàng trăm nghìn tờ gấp pháp luật cho nhân dân trong các xã, trong đó có 33.400 tờ gấp được dịch sang tiếng dân tộc Mông.

Công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật liên ngành: Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai đã xây dựng các chương trình, kế hoạch  liên ngành với các cơ quan, ban, ngành: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Ban Dân tộc tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hoá - Thông tin (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lào Cai... Qua đó đã triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng là: nông dân; phụ nữ; đoàn viên, thanh thiếu niên; cán bộ, chiến sỹ, trong lực lượng vũ trang; giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên trong hệ thống các trường THCS, THPT và THCN trên địa bàn toàn tỉnh.

 PBGDPL thông qua việc triển khai thực hiện các Đề án, Dự án PBGDPL, qua hoạt động xét xử của TAND, lồng ghép trong hoạt động văn hoá, lễ hội truyền thống và các hình thức khác: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thông qua việc thực hiện các Đề án, Dự án PBGDPL, qua hoạt động xét xử của TAND, lồng ghép trong các hoạt động văn hoá, lễ hội truyền thống và các hình thức khác. Kết quả triển khai Đề án 164: Tổ chức được 25 hội nghị cho 2.793 lượt người tham gia học tập pháp luật, biên soạn và cấp phát 11.100 cuốn sách luật, tài liệu cho các đối tượng là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, báo cáo viên của Đảng, giáo viên dạy pháp luật trong hệ thống trường trung học phổ thông, cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn và đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở. Nội dung: Tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật; nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hình sự; hôn nhân gia đình; phòng, chống ma tuý…  Đề án “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay theo Quyết định số 666/QĐ-BTP ngày 8/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Tổ chức triển khai điểm tại Phường Bắc Cường thành phố Lào Cai; xã Bản Cầm huyện Bảo Thắng; xã Bản Vược huyện Bát (xã biên giới). Kết quả đã tuyên truyền pháp luật cho khoảng 2.643 lượt người là tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, trưởng bản, tuyên truyền viên pháp luật cơ sở và nhân dân tại các xã được chọn làm điểm, nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Dân sự năm 2005; Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị định số 158/2005/NĐ - CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch... Đồng thời thành lập 02 câu lạc bộ pháp luật tại các xã làm điểm. Thực hiện Đề án “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về trách nhiệm của công dân về bảo vệ an ninh trật tự”, Sở Tư pháp đã xây dựng Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý theo từng năm, lựa chọn những địa bàn xã của các huyện  Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn có điểm nóng về tội phạm và ma tuý để triển khai thực hiện. Nội dung tập trung triển khai: Bộ luật hình sự năm 1999; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; Luật Phòng, chống ma tuý và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Phòng, chống virút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, qua đó đã tuyên truyền pháp luật cho 67.621 lượt người là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, gia đình có người nghiện hút ma tuý và đối tượng nghiện hút, giáo viên, học sinh các trường PTTH, THCS, đồng thời cấp phát được 5.991 cuốn luật, tài liệu, đề cương, hỏi đáp - pháp luật, tờ rơi, tờ gấp.PBGDPL thông qua việc lồng ghép vào các hoạt động văn hoá, lễ hội truyền thống của các dân tộc, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”... PBGDPL thông qua hoạt động xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt là tổ chức các phiên toà xét xử lưu động tại địa bàn xảy ra tội phạm nghiêm trọng có tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật rất hiệu quả.  Tuyên truyền pháp luật thông qua việc trả lời, giải đáp các câu hỏi liên quan đến pháp luật trên Cổng giao tiếp điện tử của tỉnh...

Việc sơ kết quý, 6 tháng, tổng kết hằng năm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được đưa vào chương trình nội dung các phiên họp của Hội đồng PBGDPL, đồng thời sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền pháp luật theo chuyên đề. Năm 2006, thực hiện sự chỉ đạo của Ban bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ Lào Cai đã tổ chức hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Báo cáo số 36-BC/TU ngày 30/11/2006). Năm 2007, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tư pháp, Hội đồng PBGDPL tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm triển khai Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 (Báo cáo số 02/BC-HĐPH ngày 17/12/2007). UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 28 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 09 tập thể và 11 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 08 tập thể và 06 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tổng kết 05 năm triển khai thực hiện Kế hoạch liên ngành số 24/KHLN-PN-TP về phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ giai đoạn 2003-2007 (Báo cáo số 213/BC-STP) và Chương trình liên ngành số 129/CTLN-TP-VHTT-NN&PTNT-DT&TG-ND về việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Báo cáo số 214/BC-STP). Năm 2008, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính về việc phê duyệt dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn (Báo cáo số 197/BC-UBND ngày 12/9/2008). Trong đợt tổng kết này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 17 tập thể và 37 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải ở cơ sở (1998-2008). Thông qua hoạt động sơ kết, tổng kết, đánh giá những mặt đã làm được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, tìm ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện PBGDPL trong thời gian tới.

Hàng năm, căn cứ kế hoạch hoạt động của Hội đồng - Sở Tư pháp cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL tỉnh đã chủ động thực hiện việc kiểm tra hoạt động tuyên truyền pháp luật trên địa bàn tỉnh, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết kịp thời các vướng mắc, đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền pháp luật được thuận lợi. Thực hiện Kế hoạch số 1382/KH-HĐPH ngày 12/5/2008 của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ về kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008 và Công văn số 1216/UBND-NC ngày 21/5/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai về việc xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008, Hội đồng PBGDPL tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-HĐPH ngày 19/6/2008 về kiểm tra công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2008 và Quyết định số 1703/QĐ-HĐPH ngày 19/6/2008 về thành lập Đoàn kiểm tra công tác PBGDPL năm 2008. Trên cơ sở đó, 02 Đoàn kiểm tra của Hội đồng PBGDPL tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại: Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai; Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Apatít Việt Nam. Qua việc kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị cho thấy các cơ quan đã triển khai thực hiện tốt công tác PBGDPL cho cán bộ thuộc ngành mình, đơn vị mình và nhân dân trên địa bàn nhất là các xã biên giới. Hội đồng PBGDPL các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra và tiến hành kiểm tra công tác PBGDPL tại các địa phương.

Những năm qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện có hiệu quả. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng đã nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân đã có những chuyển biến rõ rệt. Các cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng các sở, ban, ngành đã coi công tác PBGDPL là một nhiệm vụ của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Sau các đợt tập huấn nghiệp vụ PBGDPL, đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL đã triển khai đầy đủ nội dung các văn bản QPPL của trung ương và địa phương đến đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân. Đa số cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Cán bộ, đảng viên đã tự xác định việc tìm hiểu, học tập pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành pháp luật ở nơi làm việc và nơi cư trú.

Tồn tại và nguyên nhân:Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn những tồn tại như:  Nhận thức của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và lãnh đạo của một số sở, ban, ngành cấp tỉnh đối với công tác tuyên truyền PBGDPL chưa đầy đủ, chưa thực sự chủ động trong tổ chức thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ công chức và nhân dân.  Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mới chỉ thực hiện tốt ở cấp tỉnh, cấp huyện và những xã vùng thấp, đối với các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phát huy được hiệu quả. Việc tổ chức các phiên họp của Hội đồng PBGDPL ở cả ba cấp theo quy chế chưa được duy trì thường xuyên, đều đặn; việc đôn đốc, kiểm tra của các thành viên Hội đồng phối hợp tỉnh đối với các huyện, thành phố theo sự phân công đôi khi còn chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ, kỹ năng PBGDPL của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

 Số lượng các văn bản pháp luật phải tuyên truyền nhiều, thành viên Hội đồng PBGDPL, báo cáo viên pháp luật đều hoạt động kiêm nhiệm nên việc tham gia các phiên họp của Hội đồng PBGDPL, Hội nghị tuyên truyền pháp luật, các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật còn hạn chế.  Một số báo cáo viên, nhất là tuyên truyền viên pháp luật hầu như chưa qua đào tạo về pháp luật, trình độ văn hoá, năng lực chuyên môn không đồng đều và thiếu ổn định do thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác. Đội ngũ cán bộ Tư pháp ở cơ sở tuổi đời còn trẻ, trình độ còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, nhiệm vụ công tác tư pháp cơ sở những năm gần đây được phân cấp ngày càng nhiều, một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện nay chuyển giao cho Tư pháp cấp xã thực hiện. Đội ngũ này lại thường xuyên bị thay đổi, điều động qua các kỳ bầu cử. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện các công việc chuyên môn trong đó có công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp huyện chịu trách nhiệm tham mưu giúp UBND huyện về công tác Tư pháp ở địa phương, phụ trách địa bàn rộng nhưng số lượng biên chế quá ít (Chỉ có từ 3 đến 4 biên chế) do vậy việc chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu là bằng văn bản, công tác kiểm tra hoạt động PBGDPL ở cơ sở còn bị hạn chế.  Kinh phí, phương tiện phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng PBGDPL tỉnh Lào Cai có một số kiến nghị, đề xuất như sau:

Đề nghị Chính phủ:

 Kiến nghị với Quốc Hội hàng năm cần phân bổ một khoản kinh phí nhất định cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ ngân sách. Tiếp tục phê duyệt dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, để nhân rộng các mô hình tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật cũng như túi sách pháp luật cho phù hợp với từng địa phương; có quy định và định mức hỗ trợ vốn đầu tư hàng năm cho việc xây dựng tủ sách pháp luật cho các tỉnh có nhiều xã đặc biệt khó khăn. Chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có văn bản hướng dẫn địa phương cụ thể việc sử dụng ngân sách xây dựng tủ sách pháp luật theo ngành.

 Đề nghị Bộ Tư pháp:

 Phối hợp với Bộ tài chính sửa đổi Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, vì các định mức chi cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và công tác hoà giải ở cơ sở nói riêng theo Thông tư là quá thấp, không còn phù hợp. Phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 04/2005/TTLT-TP-NV, trong đó quy định biên chế của phòng Tư pháp cấp huyện phải có ít nhất là 5 người và  Ban Tư pháp cấp xã phải có từ 2 người trở lên thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Lê Hằng - Sở Tư pháp Lào Cai