Bạc Liêu: Ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng

08/10/2008
Qua nghiên cứu dự thảo của thông tư, tôi có một vài ý kiến đóng góp với ban soạn thảo, như sau:

1/- Tại đoạn 3 điểm 1 mục II quy định về trường hợp “đối tượng nộp phí có nhu cầu nộp bằng ngoại tệ . . .” đề nghị bỏ đoạn này và quy định lại loại tiền để nộp  nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt. Vậy thì không có lý do gì đến khi thu phí lại chấp nhận yêu cầu nộp bằng ngoại tệ, để rồi phải quy đổi tỷ giá cho rắc rối, dễ phát sinh thắc mắc trong việc áp dụng và quy đổi tỷ giá ngoại tệ.

2/- Đề nghị Bộ với sự tham mưu của Vụ Hành chính Tư pháp xem xét lại quy định tại đoạn cuối cùng của điểm a.1 trong mục II, về việc công chứng viên (hoặc cán bộ thu phí - thủ quỹ) tự tính giá trị đất và tài sản gắn liền trên đất (nếu có) để làm căn cứ thu phí trong trường hợp giá đất do các bên thoả thuận thấp hơn mức giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm công chứng. Điều này là không khả thi và thời hạn công chứng có thể bị kéo dài, vì những lý do sau đây:

- Phần lớn các phòng Công chứng và các VPCC đều có trụ sở toạ lạc ở trung tâm của tỉnh, TP. Mặt khác, các thông tin (nhất là phần trích đo và vị trí, sơ đồ thửa đất) ghi nhận trong các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thường không rõ ràng, nhất là các thửa đất ở các huyện ở xa trung tâm tỉnh lỵ. Công chứng viên nếu dựa vào các giấy tờ do các bên cung cấp thì không thể xác định được vị trí của thửa đất để có thể áp giá theo bảng giá do UBND cấp tỉnh ban hành. Vậy muốn làm đúng thì phải có thời gian đi xác minh, kiểm tra thực tế hoặc phải yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp à thời hạn công chứng sẽ bị kéo dài và các phòng công chứng cũng không có đủ người để đi xác minh, kiểm tra.

- Ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Bạc Liêu địa bàn rộng lớn, dân  phân bố không đều, có khi người dân đi cả ngày đường mới đến được phòng công chứng. Đến khi soạn thảo hợp đồng CCV yêu cầu phải xác minh lại vị trí thửa đất để định giá theo giá nhà nước thì quá mất thời gian của các bên và PCC cũng không có đủ người để đi xác minh. Còn nếu chỉ nhìn vào giấy chứng nhận QSDĐ thì CCV chẳng thể biết thửa đất đó nằm ở vị trí nào để áp giá theo quy định.

3/- Tại tiết c.1 điểm c phần 2 mục II quy định về quản lý, sử dụng phí công chứng có quy định mức phải nộp vào ngân sách của tất các các PCC là 50%. Tôi đề nghị sửa đổi quy định này, chúng ta không nên cào bằng về tỷ lệ nộp vào NSNN giữa các phòng Công chứng của các TP lớn với các PCC ở các tỉnh lẻ, vùng sâu, vùng xa vì nhu cầu công chứng cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh, TP là khác nhau.

VD: Ở PCC số 1 của TP. HCM nếu phải nộp 90% số tiền phí thì khoản 10% trích lại cũng còn rất lớn, vì theo ước tính tại phòng này mỗi năm thu khoảng 10 tỷ đồng. “Từ ngày thành lập đến nay, phòng đã thu 192,7 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước. Riêng năm 2007 thu gần 15 tỷ đồng” (trích lời ông Nguyễn Quang Thắng trưởng PCC số 1 TP. HCM  trên báo pháp luật ngày 19/9/2008).  Còn ở  PCC số 1 Bạc Liêu chúng tôi, khi chưa có Luật Công chứng và NĐ 79/2006/NĐ-CP thì năm nào cao lắm cũng chỉ thu được ngoài 500 triệu đồng và ước tính năm 2008 này chỉ khoảng 300.000.000đ, thử so sánh hai con số chúng ta thấy có sự chênh lệch rất lớn. Như vậy các PCC có quy mô nhỏ, ít việc nếu nộp 50% phí công chứng vào ngân sách thì số được trích lại còn chẳng là bao, và với lộ trình xã hội hoá thì chỉ một vài năm nữa ngân sách sẽ không cấp cho chi thường xuyên mà phần trích lại quá ít thì sẽ không đủ trang trải chi phí hoạt động,  không thể tạo động lực về vật chất để kích thích tinh thần làm việc của các nhân viên PCC.

Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính nên xem xét lại quy định này theo hướng các PCC ở các tỉnh, thành phố lớn nhu cầu công chứng nhiều, có số thu lớn từ 1.000.000.000đ/năm trở lên thì phải nộp từ 70% đến 80% tiền phí thu được vào ngân sách, ngược lại các PCC có số thu dưới 500.000.00đ/năm thì chỉ nên quy định nộp từ 30 – 40% phí công chứng vào NSNN.

4/- Đối với khoản thu phí được trích lại đề nghị hướng dẫn cụ và quy định cụ thể trong thông tư: Số tiền này được chi vào các khoản nào? được trích lập các quỹ nào? Phương thức ra sao? Áp dụng theo văn bản QPPL nào? để tránh tình trạng bị cơ quan tài chính ở địa phương làm khó dễ ???

Trần Thanh Bình - Phòng Công chứng số 1 Bạc Liêu