Kết quả 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức hoạt động hoà giải ở cơ sở của tỉnh Bắc Ninh

26/09/2008
Trong cuộc sống hàng ngày, do có sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan niệm, nhận thức, lối sống, tính cách…nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình và giữa các hộ gia đình, cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Để giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn đó, có thể giải quyết bằng nhiều cách thức, trong đó hoạt động hoà giải một nét đẹp truyền thống mang đậm tính nhân văn, góp phần củng cố tình đoàn kết cộng đồng, xây dựng tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta và là một biểu hiện cụ thể của quan niệm “ lấy dân làm gốc” của Đảng ta là có hiệu quả.

Phát huy truyền thống quý báu đó của dân tộc, trong những năm vừa qua   Bắc Ninh đã thực hiện có hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở góp phần vào công cuộc phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Những kết quả đó có được là do có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong đó vai trò chủ đạo của Ngành Tư pháp là một yếu tố chủ yếu và không thể thiếu.  

Đến nay, hệ thống tổ chức hoà giải trong tỉnh đã được mở rộng. Toàn tỉnh hiện có 964 tổ hoà giải với 5.667 hoà giải viên ở khắp các địa bàn thôn, xóm, khu phố, tổ dân phố trong tỉnh. Đặc biệt là sự tham gia đa dạng về lứa tuổi và thành phần của những người tham gia hoạt động hoà giải đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đem lại những kết quả tốt trong hoạt động. Hàng năm, các hoà giải viên trong tỉnh đã tiến hành hoà giải trên 70% số vụ việc hoà giải   đó là một thành công rất lớn bởi các tranh chấp đã được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, không để vụ việc đơn giản trở thành phức tạp…góp phần quan trọng vào việc giữ gìn sự đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, giữ gìn ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế khiếu nại vượt cấp, đồng thời giảm sức ép cho các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn.  

Nhận thức được với công tác hoà giải ở cơ sở, các cơ quan tư pháp địa phương đóng vai trò quan trọng. Trong đó tư pháp cơ sở là hạt nhân trong củng cố tổ chức hoạt động hoà giải ở cơ sở và là nòng cốt trong chỉ đạo hoạt động. Sở Tư pháp đã thường xuyên quan tâm tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải cho hoà giải viên, tổ chức hội thi hoà giải viên giỏi cấp huyện và cấp tỉnh là dịp để những hoà giải viên được tham gia tìm hiểu, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác hoà giải. Bên cạnh đó, Sở còn tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí cho các Tổ hoà giải ở cơ sở. Thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo sơ kết, tổng kết, động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác hoà giải ở cơ sở.  

Đóng góp to lớn vào thành công của công tác hoà giải ở cơ sở là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ban ngành cũng như vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…đặc biệt là sự đóng góp nhiệt tình, đầy trách nhiệm của các hoà giải viên trong toàn tỉnh. Từ đây đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình xuất sắc, nhiều tập thể có nhiều đóng góp cho thành công chung của công tác hoà giải làm cho công tác này ngày càng có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống.  

Tuy vậy, công tác hoà giải ở cơ sở thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn đó là: Việc kiện toàn tổ chức hoà giải ở cơ sở chưa thường xuyên, kịp thời; Sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của một số đơn vị chưa đúng mức, kết quả hoà giải thành các vụ việc hoà giải hiệu quả còn hạn chế; Các hoà giải viên chưa được hưởng chế độ đãi ngộ khi tham gia công tác này; Việc tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải còn nhiều khó khăn…  

Thời gian tới, trước đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới của đất nước và của tỉnh, khắc phục khó khăn, ngành Tư pháp Bắc Ninh sẽ nỗ lực phấn đấu chỉ đạo, phối hợp đẩy mạnh thực hiện tốt công tác hoà giải ở cơ sở. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành trong chỉ đạo thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở. Kết hợp hơn nữa việc phát triển kinh tế, văn hoá xã hội để đẩy mạnh hơn nữa công tác hoà giải ở cơ sở. Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức các tổ hoà giải, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải phấn đấu thực hiện tốt công tác hoà giải cơ sở với tỷ lệ ngày càng cao. Góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.  

Nguyễn Văn Đại - Sở Tư pháp Bắc Ninh