3 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Sở Tư pháp Bắc Ninh

26/09/2008
Ngày 2/5/2005, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 49-NQ/TW ban hành Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.

           Chiến lược cải cách tư pháp đã đề ra các mục tiêu, quan điểm, định hướng cải cách tư pháp quan trọng cả về mặt thể chế, thiết chế và các điều kiện đảm bảo. Chiến lược đề ra nhiều định hướng chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan tư pháp. Nhiều nội dung trong Chiến lược cải cách tư pháp trực tiếp liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp trong đó có cả nhiệm vụ về xây dựng thể chế phục vụ cho sự vận hành của nền tư pháp, xây dựng các thiết chế tư pháp và bổ trợ tư pháp và củng cố các điều kiện đảm bảo cho việc tổ chức  và hoạt động của các thiết chế tư pháp, bổ trợ tư pháp trong ngành Tư pháp. 

           Nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai Chiến lược cải cách tư pháp, ngay sau khi Chiến lược cải cách tư pháp được ban hành và triển khai ở cấp Trung ương, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu, đề xuất giúp Ban Thường vụ tỉnh uỷ triển khai quán triệt Nghị quyết trong toàn tỉnh. Đồng thời, Sở đã chủ động nghiên cứu, quán triệt các nội dung của Chiến lược cải cách tư pháp để xác định những nhiệm vụ cụ thể mà ngành Tư pháp và từng đơn vị trong Ngành cần phải thực hiện. Tổ chức quán triệt các nội dung Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị tới cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở. 

Trên cơ sở Chương trình hành động của ngành Tư pháp triển khai Nghị quyết số 49 ( ban hành kèm theo Quyết định số 1234/QĐ-BTP ngày 26/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp); Chương trình hành động của Ban Thường vụ tỉnh uỷ Bắc Ninh thực hiện Nghị quyết, Sở Tư pháp đã xây dựng Chương trình hành động của đơn vị để triển khai các nhiệm vụ về cải cách tư pháp liên quan đến Chiến lược cải cách tư pháp. Trong đó, đã đưa ra các định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng công tác tư pháp ở địa phương tập trung vào các nội dung trong Chiến lược cải cách tư pháp như công tác thi hành án dân sự, công tác quản lý luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, công tác công chứng, chứng thực, giám định tư pháp, lý lịch tư pháp, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật... 

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, ngành Tư pháp Bắc Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: 

Trong công tác xây dựng Ngành, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 87/2005/QĐ-UBND ngày 20/7/2005 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp để phù hợp với nhiệm vụ mà Ngành đang đảm nhận với 05 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 05 đơn vị trực thuộc; thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm những cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực vào các chức danh trưởng, phó trưởng phòng, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, trong đó công tác quy hoạch được chú trọng, đội ngũ cán bộ Lãnh đạo Sở và Trưởng, Phó phòng, đơn vị trực thuộc được quy hoạch đến năm 2010. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp có 43 người trình độ đại học, chiếm tỷ lệ 93 % ( trong đó 2 công chức có trình độ Thạc sĩ và 3 công chức đang theo học); về lý luận chính trị: 8 cao cấp và 2 trung cấp. Đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp cấp huyện và cấp xã được Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động, đào tạo chuyên môn để đội ngũ này đủ sức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội đào tạo tiếp lớp Trung cấp Luật khoá II để bổ sung cho tư pháp cấp xã với 82 học viên đã hoàn thành khoá học.  

Công tác văn bản tiếp tục được Sở Tư pháp tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện tương đối tốt, việc thẩm định tính pháp lý, kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hoá văn bản được thực hiện nhanh chóng, chặt chẽ và hiệu quả. Từ tháng 6 năm 2005 đến nay, Sở Tư pháp đã thẩm định tính pháp lý 102 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh;  Hoạt động tự kiểm tra và rà soát để kịp thời kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay  thế hoặc huỷ bỏ các văn bản không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng được Sở Tư pháp tiến hành thường xuyên. Trong công tác này, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, Sở Tư pháp đã trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số  04/CT-CT, ngày 2/8/2004 về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, để đáp ứng yêu cầu Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh kiện toàn Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh, đồng thời ban hành Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 11/7/2006 công nhận 84 Báo cáo viên pháp luật tỉnh thay thế Quyết định số 177/QĐ-CT ngày 18/2/2002. Sở Tư pháp còn trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 1382/QĐ-UBND ngày 26/10/2006 thành lập Ban chỉ đạo và kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005-2010 trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của tỉnh. Tham mưu cho Tỉnh uỷ và UBND tỉnh sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Hội đồng PHCTPBGDPL các cấp trong tỉnh đã tổ chức triển khai kịp thời các văn bản pháp luật gồm các Luật mới được Quốc hội thông qua trong năm 2006-2007 và một số văn bản khác nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị- xã hội trong năm, trong đó có các văn bản pháp luật được tập trung triển khai rộng như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Cư trú; Luật Bảo hiểm xã hội... Triển khai có hiệu quả các hình thức phổ biến GDPL đa dạng khác như: 221.500 tờ gấp tuyên truyền; Thực hiện 52 chuyên mục pháp luật trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh;  58 lượt giới thiệu pháp luật trên Báo Bắc Ninh, phát hành 34 số Bản tin tư pháp Bắc Ninh với số lượng 27.200 cuốn; Biên tập 47 tin phát thanh cho Đài truyền thanh cơ sở; thực hiện trên 100 cuộc tuyên truyền miệng có hơn 10.000 lượt người tham dự. Công tác hoà giải ở cơ sở đạt hiệu quả cao góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích nhỏ, góp phần giữ vững và ổn định trật tự an toàn xã hội, tăng cường đoàn kết trong nội bộ quần chúng nhân dân ở địa bàn dân cư. Các Tổ Hoà giải trong tỉnh đã tiếp nhận  3.270 việc, đưa ra hoà giải thành  2.360 việc, đạt 72%. Nhìn chung, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân, tác động tích cực đến đời sống kinh tế- xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. 

 Công tác thi hành án dân sự được thực hiện tốt và có nhiều đổi mới, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án được kịp thời tháo gỡ. Các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt thực hiện nhiều biện pháp đột phá giải quyết nhiều vụ án khó, phức tạp, tồn đọng nhiều năm, đưa tỷ lệ về việc và tiền năm sau luôn cao hơn so với năm trước, luôn vượt chỉ tiêu do Bộ Tư pháp đề ra, tạo được niềm tin cho các tổ chức và công dân vào các cơ quan thi hành án. 

Để thực hiện mục tiêu cải cách hành chính trong hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, Sở đã tập trung xây dựng và bước đầu áp dụng các Quy trình thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong hoạt động Công chứng, Hộ tịch; Quy trình xây dựng, thẩm định văn bản; Quy trình bán đấu giá tài sản; Quy trình tiếp dân và giải quyết khiếu nại; các Quy trình, thủ tục hành chính khác theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000.  Theo đó, trình tự, thủ tục giải quyết các loại việc có liên quan trong ngành tư pháp được quy định tương đối rõ ràng, giảm bớt một số thủ tục, giấy tờ không cần thiết, giảm bớt thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong quan hệ và thực hiện các yêu cầu về thủ tục hành chính tư pháp; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan và công chức trong ngành. Kết quả: 

Hoạt động công chứng, chứng thực: Sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập mới Phòng Công chứng số 3, các Phòng Công chứng thuộc Sở đã thực hiện 178.018 việc. Sau khi Luật Công chứng có hiệu lực pháp luật và Chính phủ ban hành Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, tình trạng “quá tải” trong hoạt động công chứng, chứng thực đã được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhân dân, nhất là các yêu cầu về chứng thực. 

Công tác hộ tịch: cấp 4693 lý lịch tư pháp, cải chính hộ tịch 48, cấp bản sao từ sổ gốc 19, ghi chú việc hộ tịch đã đăng ký ở nước ngoài 92, khai sinh có yếu tố nước ngoài 16, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài 60, kết hôn có yếu tố nước ngoài 177, khai tử có yếu tố nước ngoài 1, cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam 1. Các địa phương trong tỉnh đã thực hiện: Đăng ký khai sinh 44.236 trường hợp, khai tử 5.663 trường hợp, kết hôn 15.404 trường hợp. Nhìn chung, thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “ một cửa” trong công tác hộ tịch của Sở có những chuyển biến tích cực, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho công dân. 

Hoạt động bán đấu giá tài sản: Trung tâm DVBĐGTS tỉnh đã ký kết 128 hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với các cơ quan, tổ chức với giá trị tài sản 22.658.865.745 đồng, trong đó có 40 hợp đồng với các cơ quan thi hành án dân sự. Trung tâm đã tổ chức thành công 75 phiên bán đấu giá     với tổng giá trị đã bán đấu giá thành là 10.176.786.880 đồng, tăng 2,8% so với giá khởi điểm. 

Trung Tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tiếp tục được kiện toàn tổ chức theo Luật TGPL và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật. Về tổ chức Trung tâm hiện có 4 biên chế, có 2 Trợ giúp viên pháp lý. Ở cấp huyện có 8 Tổ TGPL với  116 cộng tác viên, cấp xã có 11 Câu lạc bộ TGPL . Trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý với 719 vụ việc tại trụ sở, lưu động 60, qua điện thoại 380, thuê luật sư 21, tuyên truyền và TGPL tại 200 điểm cho 14.027 lượt người. 

Để kiện toàn và phát triển đội ngũ Luật sư trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp chỉ đạo triển khai thi hành Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 công ty luật, 2 Văn phòng  với 41Luật sư. Hoạt động bào chữa, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức và công dân bước đầu đã có những tín hiệu khả quan tuy vẫn còn hạn chế, cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp. Về đội ngũ giám định tư pháp, Sở Tư pháp đã làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm 15 giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực kỹ thuật hình sự, giám định pháp y, giám định tâm thần nên bước đầu đã đưa công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động nề nếp. 

Nhìn chung, những năm qua thực hiện nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã được cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Tư pháp Bắc Ninh quán triệt và nhận thức khá đầy đủ, hầu hết các lĩnh vực công tác đều được Sở Tư pháp triển khai thực hiện đạt hiệu quả và tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Sau hơn 3 năm thực hiện, Nghị quyết 49 đã đem lại những kết quả khả quan ban đầu, đồng thời cũng cho Ngành Tư pháp thấy được những vấn đề còn tồn tại đó là: 

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn những hạn chế cần khắc phục: Một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này, Hội đồng PHCTPBGDPL ở một số nơi còn mang tính hình thức chưa hiệu quả; Các Báo cáo viên và Tuyên truyền viên pháp luật chưa phát huy được vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ; Kinh phí giành cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn rất hạn hẹp, người làm công tác hoà giải chưa được quan tâm đúng mức, có nơi khai thác tủ sách pháp luật chưa hiệu quả… 

Hoạt động thi hành án dân sự vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số nơi thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cơ sở, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức quần chúng tham gia vào việc vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự giác chấp hành. Cá biệt một số nơi, chính quyền cơ sở còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm hợp tác với cơ quan thi hành án trong việc thuyết phục, cưỡng chế thi hành án nên đã tạo tâm lý coi thường các quyết định của Toà án và không tôn trọng pháp luật trong một bộ phận nhân dân. 

           Một số Phòng Tư pháp vẫn còn thiếu cán bộ, có nơi chỉ có 2 hoặc 3 cán bộ, nên rất khó làm việc, vì chỉ riêng việc chứng thực cũng phải sử dụng ít nhất 1 cán bộ chuyên trách nên một số công việc khác của Tư pháp đã không làm được hoặc có thì kết quả cũng hạn chế. Vì vậy việc quan tâm của cấp uỷ, chính quyền đối với công tác Tư pháp - hộ tịch là hết sức cần thiết trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quy hoạch nguồn để bổ sung kịp thời cho những vị trí còn trống do thay đổi tự nhiên hoặc luân chuyển cán bộ. 

Ðể thực hiện tốt Nghị quyết 49 trong thời gian tới, theo tôi cần tiếp tục triển khai thực hiện những nội dung công việc sau đây: 

Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết 49-NQ/TW  về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đến từng cán bộ, đảng viên với những hình thức phong phú, đa dạng, có hiệu quả để cán bộ, đảng viên nắm và hiểu rõ hơn chủ trương, quan điểm và nội dung của Chiến lược. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để thật sự việc cải cách tư pháp không chỉ là công việc của các cơ quan tư pháp mà phải được biết, được quan tâm hơn nữa từ tất cả các cấp, các ngành hữu quan, từ xã hội và nhân dân. 

Thứ hai: Tiếp tục rà soát và bổ sung, hoàn thiện chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 49 sát hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng ngành, từng cấp; phải xác định rõ lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn cụ thể theo định kỳ hàng tháng, quý, sáu tháng và một năm để sau mỗi thời gian phải làm được những việc thiết thực. 

Thứ ba: Tập trung đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Đề cao trách nhiệm của cán bộ có chức danh tư pháp, trước hết là những cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp thụ lý và giải quyết vụ việc. 

Thứ tư: Tiếp tục hoàn chỉnh, xây dựng được đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp, trước hết là cán bộ có chức danh tư pháp đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu.

Thứ năm: Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ việc xã hội hoá một số hoạt động tư pháp và đẩy mạnh việc xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp.

Thứ sáu: Cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan tư pháp  cần bám sát và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; chỉ đạo, phối hợp để giải quyết khiếu kiện tư pháp ngay từ cơ sở; chú trọng kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết ở địa phương, hỗ trợ, quan tâm cả về cán bộ và cơ sở vật chất cho cơ quan tư pháp; xây dựng tổ chức Đảng, quán triệt đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với công tác tư pháp; huy động sự tham gia, giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân đối với công tác tư pháp.

Nguyễn Văn Đại - Sở Tư pháp Bắc Ninh