Bắc Ninh: Công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn thời gian qua

26/09/2008
Ngày 25/11/1998 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1067/QĐ-TTg phê duyệt đề án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; Ngày 28/01/1999 Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chỉ thị số 01/1999/CT-BTP về việc triển khai dự án xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; Tiếp theo đó Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/TTLT/TP-TC hướng dẫn thực hiện dự án ….

Đây là những văn bản đã góp phần tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi để lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền có cơ sở thực hiện đồng bộ, rộng khắp có hiệu quả công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật ở cơ sở.

Việc triển khai xây dựng quản lý tủ sách pháp luật cơ sở có ý nghĩa sâu sắc tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân và góp phần cải thiện tình trạng “đói pháp luật” ở cơ sở, nhất là ở những địa bàn vùng xa, vùng khó khăn. Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu tìm hiểu pháp luật và quyền được cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là vô cùng cần thiết. Tủ sách pháp luật ra đời là nơi tập hợp, lưu giữ, phổ biến và quản lý tài liệu, sách báo pháp luật; là nơi cung cấp nguồn tài liệu, giúp cán bộ cơ sở vận dụng đúng pháp luật để giải quyết công việc ở địa phương, giúp công dân có công cụ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây cũng là phương tiện giúp   những người không có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin pháp luật khác được tiếp cận, tìm hiểu các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Đồng thời đây là hình thức sinh hoạt văn hoá, giải trí và là một trong những công cụ, hình thức tuyên truyền, PBGDPL một cách có hiệu quả.  

Thực hiện các văn bản hướng dẫn của TW, thời gian qua, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện việc xây dựng hệ thống tủ sách pháp luật ở cơ sở trên địa bàn tỉnh có hiệu quả. Đến nay 125/125 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, 8/8 huyện, thành phố có tủ sách pháp luật. Việc xây dựng và đưa vào hoạt động các tủ sách pháp luật ở cơ sở đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cán bộ và nhân dân trong tỉnh đến đọc, mượn, tìm hiểu những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mới ban hành. Các cấp uỷ, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển tủ sách pháp luật, thường xuyên bổ sung kinh phí đầu tư cho tủ sách pháp luật tốt, có chất lượng, số lượng người đến tìm hiểu pháp luật qua tủ sách ngày càng nhiều, trình độ hiểu biết về pháp luật của công dân được nâng cao rõ rệt, tình trạng vi phạm pháp luật giảm…  

Ngoài việc xây dựng ban đầu, hàng năm ngành Tư pháp còn tham mưu cho UBND tỉnh trang bị bổ sung cho tủ sách pháp luật những văn bản pháp luật mới, những cuốn sách có tính chất hệ thống văn bản, hướng dẫn nghiệp vụ… trung bình từ 35 đến 40 đầu sách một năm. Bên cạnh đó, UBND các xã, phường, thị trấn cũng thường xuyên bổ sung sách pháp luật cho tủ sách. Tủ sách pháp luật của các đơn vị còn được trang bị Công báo Chính phủ, công báo tỉnh và các tài liệu khác như Bản tin Tư pháp, Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ…do vậy, số lượng và chất lượng tủ sách ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, tra cứu của cán bộ và nhân dân. Trung bình mỗi tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn có từ 250 đến 400 đầu sách các loại.  

Không dừng lại ở việc trang bị, bổ sung tủ sách mà công tác quản lý, khai thác tủ sách cũng được quan tâm coi trọng, bởi nếu tủ sách chỉ để trưng bày thì chẳng có ý nghĩa gì. Do vậy, hầu hết các tủ sách đều được để ở trong phòng làm việc hoặc hội trường tương đối rộng rãi tạo tại UBND cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu và tra cứu. Các tủ sách đều có sổ đăng ký và theo dõi biến động, theo dõi người mượn, người đọc….do vậy vừa quản lý được tủ sách, vừa theo dõi được số lượng người đọc, qua đó có thể đánh giá chất lượng và định hình được những loại sách, tài liệu pháp luật được quan tâm tìm hiểu nhiều để có chủ trương đầu tư bổ sung. Cán bộ quản lý là cán bộ Tư pháp nên cơ bản đều có khả năng xây dựng, quản lý sắp xếp tài liệu theo dõi, khai thác tủ sách có hiệu quả.  

Việc khai thác tủ sách pháp luật thời gian qua có hiệu quả tương đối rõ, đối tượng khai thác thời gian đầu chủ yếu là cán bộ xã, phường, thị trấn và thôn, khu phố khi có vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên với sự cố gắng của Ngành Tư pháp đặc biệt là sự phối hợp liên ngành Tư pháp - Văn hoá - Bưu điện đối tượng tìm hiểu ngày càng đa dạng hơn. Thông qua việc tổ chức luân chuyển sách pháp luật đến các điểm bưu điện văn hoá xã, thôn, các thư viện…mỗi lần từ 30 đến 40 đầu sách và từ 2 đến 3 lần trong năm đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho cán bộ và nhân dân, đồng thời sách pháp luật thường xuyên được cập nhật mới và thay đổi giúp cho người đọc vừa có thể đọc sách vừa thảo luận với nhau làm cho hiệu quả khai thác ngày càng cao, góp phần trang bị kiến thức cho nhiều người.  

Từ thực tế công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật thời gian qua có thể khẳng định tủ sách pháp luật ở cơ sở là nguồn tư liệu quan trọng, là hệ thống cung cấp thông tin chính thống tại các đơn vị và là nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho công tác quản lý của chính quyền cấp cơ sở cũng như công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ và nhân dân. Kết quả công tác này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. 

Tuy nhiên, trong xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn thời gian qua cũng còn bộc lộ nhiều yếu kém và khó khăn đó là: Chất lượng tủ sách hiện nay khó đáp ứng được nhu cầu thực tế ngày càng cao của cán bộ và nhân dân. Nhiều đầu sách được trang bị trong giai đoạn đầu đã hết hiệu lực, trong khi văn bản hướng dẫn thi hành mới thường nhiều nên không đầy đủ, kịp thời. Lãnh đạo một số địa phương thiếu quan tâm hoặc có tâm lý ỷ lại vào cấp trên trong việc trang bị, duy trì, bổ sung tủ sách. Nhiều tủ sách hoạt động thiếu hiệu quả do không có nội quy hoặc không được thực hiện đúng. Bên cạnh đó, nguồn thông tin pháp luật thông qua các phương tiện truyền thông, sách báo khác rất phong phú và dễ tiếp cận hơn so với tủ sách. Một nguyên nhân nữa là nhiều người ngại đến công sở để tìm hiểu, nhiều cán bộ tư pháp chưa có tinh thần trách nhiệm cũng như khả năng nghiệp vụ nên rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ hoặc chỉ làm cho gọi là có mà không quan tâm tới hiệu quả. Mặt khác, cán bộ tư pháp hiện nay đang phải đảm nhiệm nhiều công việc mới phân cấp, hay thay đổi vị trí công tác…do vậy, mới có việc nghiệp vụ có trong sách trang bị để tủ sách mà vẫn phải đi hỏi, đi tìm hiểu ở nơi khác. Đặc biệt, bộ phận công báo khai thác không hiệu quả dẫn đến lãng phí, hầu hết công báo được chất đống mà ít hoặc không khai thác được vì nhiều nguyên nhân…. 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn thời gian tới cần tập trung thực hiện ngay các giải pháp sau:  

- Tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL. Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của tủ sách pháp luật ở cơ sở ngay trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ và nhân dân tự giác tìm hiểu, học tập nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thông qua việc nghiên cứu, đọc, tìm hiểu pháp luật, sách báo, tạo ra phong trào, nếp “văn hoá đọc” trong cán bộ và nhân dân.  

- Quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện về kinh phí để mua bổ sung, cập nhật sách, văn bản mới nhằm củng cố và duy trì hoạt động của tủ sách và phải có sự chỉ đạo thống nhất hàng năm dành khoản ngân sách định mức cụ thể cho tủ sách. 

- Quan tâm đầu tư đối với cán bộ quản lý tủ sách bởi họ chính là nhân tố chủ yếu trong việc khai thác có hiệu quả hay không tủ sách pháp luật. Muốn làm được điều đó ngoài việc phân công cán bộ có trách nhiệm phải chú ý quan tâm đầu tư về nghiệp vụ, thời gian, chế độ cho họ, tạo điều kiện cho họ hoàn thành nhiệm vụ.  

- Thực hiện tốt kế hoạch phối hợp giữa các ngành Tư pháp - Văn hoá- Bưu điện trong luân chuyển sách pháp luật, đảm bảo sách pháp luật đến đưược với đa số cán bộ và nhân dân ở cơ sở.

Nguyễn Văn Đại - Sở pháp Bắc Ninh